Vậy nhưng cuộc trò chuyện với Chương Đặng không xoay quanh độ hẫng văn hóa của một người đã không còn trẻ phải tập thích nghi nơi xứ lạ mà mang lại sự dễ chịu, nhiều sâu lắng của một người nhiều trải nghiệm, đủ khéo léo và biết dung hòa mọi thứ.
Chương Đặng vẫn viết đều nhưng mãi cho đến đầu năm 2020, anh mới in sách. Cuốn sách đầu tay của anh, Bầu cua tôm cá chơi chơi - ăn và yêu, phảng phất hương vị ẩm thực và nỗi nhớ về những món ngon ký ức. Cuốn sách thứ hai, Khi em chạm phải một nỗi buồn, là một cuốn tản văn đủ để người đọc thư giãn hoặc ít nhất thấy nhẹ nhàng hơn trước những lo toan trong đời sống, công việc. Cả hai cuốn sách đều thấp thoáng “chân dung” Chương Đặng: một người lãng mạn, tinh tế mà cũng rất tỉnh táo.
Thượng đế cho chúng ta khả năng tự chữa lành
*Phóng viên: Có chút ngạc nhiên khi cuốn sách đầu tiên của anh lại là sách nấu ăn, cuốn thứ hai mới là tản văn. Cái “sự ngược” này là ngẫu nhiên hay vì cơn cớ nào khác?
-Nhà thiết kế Chương Đặng: Tôi luôn cho rằng ngay cả một sự ngẫu nhiên cũng đều có “cơn cớ”. Trong cuốn sách nấu ăn, phần chính vẫn là những câu chuyện tình cảm liên quan đến món ăn. Cả hai quyển sách đều là những câu chuyện cuộc sống, một chút lan tỏa để đời nhẹ nhàng hơn. Đó cũng là cách tôi làm kinh doanh: bắt đầu chỗ mình đứng thì đỡ tốn thời gian hơn là phải chạy đến một nơi để hy vọng có thể bắt đầu. Việc gì đến trước thì làm trước, việc gì đến sau lại tiếp tục làm.
* Nghe chia sẻ này của anh, cả trong những bài anh viết, đều thấy ở đó sự thong dong. Tâm thế này được anh rèn luyện thế nào qua những vấp ngã từng nếm trải?
- Tôi nghĩ tâm thế không phải là một kỹ năng có thể rèn luyện; nó là kết quả của một nếp nghĩ đi cùng với tính cách và thân phận trong một thời gian đủ lâu để một người tự tạo cho mình một “từ trường” riêng biệt; dù ở đâu, như thế nào thì vẫn hành xử theo tiêu chuẩn thẩm mỹ, đạo đức của họ. Tôi không thể lấy những va vấp, khó khăn từng trải của mình làm lý do hay động lực cho việc gì cả. Đó là điều tôi đã trải qua và chỉ thế thôi.
* Anh có ngại nếu phải chia sẻ với độc giả vài biến cố đã thay đổi cuộc sống của anh, tính đến thời điểm hiện tại?
- Tôi không ngại nhưng tôi không chắc biến cố nào đã thay đổi con người mình đủ nhanh để nhận ra đó chính là tác nhân. Tôi hiểu rằng mình không có gì thua thiệt hay vượt trội hơn bất kỳ ai. Tôi biết, nói như thế nghe sáo rỗng lắm, nhưng do tôi đã làm tư vấn cho rất nhiều trường hợp. Trải qua nhiều giờ khó khăn phân tích tình cảnh của họ thì bao giờ kết quả cũng như nhau về cái được và cái mất trong trong con người họ.
Thay đổi như thế nào, triệt tiêu cái gì đi và thúc đẩy cái gì phát triển là do cách mỗi cá nhân trong hàng tỷ con người tự lựa chọn thực hiện. Nên chúng ta đều khác biệt. Vào một thời điểm bất kỳ nào đó chúng ta làm phép so sánh và nhận thấy có vẻ như người này đang nhỉnh hơn, đang tốt hơn người kia. Có thể đúng thế thật nhưng nó chỉ mang tính thời điểm, rồi mọi thứ lại đổi khác cho tới thời điểm so sánh tiếp theo. Những biến cố cụ thể khiến tôi thay đổi là tất cả những cuộc gặp gỡ với tha nhân, từng người một khiến tôi tương tác và là chính tôi của hôm nay.
|
Theo nhà thiết kế Chương Đặng, sự bền bỉ trong lao động mới đáng kể và tạo hiệu suất tối ưu |
* Vậy sao mãi đến khi sang Mỹ anh mới quyết định làm sách, dù trước đó anh đã là một “tay” nấu ăn có hạng, một “tay” viết ý nhị đầy duyên dáng?
- Tôi nghĩ con người mình tiếp nhận, phản ứng lại và lắng đọng mọi thứ theo một lộ trình nhất định, thường là lâu hơn những gì mình nghĩ. Tôi có thời gian đi đi, về về rồi làm một số dự án ở Sài Gòn thì mọi người hay cho rằng những ý tưởng ấy có nét vừa mới vừa cũ; vừa hồ hởi vừa nhàn tản; vừa sôi động vừa trầm mặc. Tinh thần ấy phản chiếu tâm tư của tôi ở một nơi như Sài Gòn và đi qua lại nhiều. Thời gian vừa rồi, tôi sống ở Mỹ chỉ tập trung viết sách và làm ý tưởng cho việc kinh doanh tiếp theo; cũng như có thêm thời gian thư thái một chút.
* Tức là thứ gì xa ta mới trở nên quý giá? Và chính bởi nó được nhìn bằng nhớ thương, bằng nỗi niềm, bằng ký ức của một kẻ xa xứ nên mọi thứ trở nên da diết, tình cảm hơn?
- Điều ấy rất hiển nhiên. Tất cả chúng ta đều có tính hướng đến chân, thiện, mỹ… Không cần biết chúng ta làm nghề gì, sống ở đâu, già hay trẻ, dân tộc nào… khi nghĩ đến một điều trong sự hoài vọng và nhớ thương, nhất là những thứ không thể quay trở lại, chúng ta đều đặt thêm vào ấy những nốt hương của ký ức: những vết rạn nứt sẽ được khiến cho liền lạc, những nỗi buồn được niêm phong, những lỗi lầm được tha thứ, những yêu thương được gìn giữ… Tôi tin thượng đế đã hào phóng tặng cho mỗi chúng ta khả năng tự chữa lành dựa trên dòng chảy của thời gian.
Mang theo tình yêu con người dù có đi đến đâu
* Ẩm thực không chỉ là món ăn ngon mà còn gói vào đó hồn cốt của quê hương, xứ sở, là văn hóa, là phong cách sống của một vùng, miền. Vậy ẩm thực theo phong cách của Chương Đặng đã được biến tấu và mang hương vị như thế nào?
- Phong cách của tôi cũng học từ ông bà ta: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cứ sống theo cách tự nhiên với môi trường và tìm thấy xung quanh mình những ưu ái đến từ thiên nhiên, con người. Ngay cả những vùng khô hạn sỏi đá nhất vẫn có những sản vật thú vị và ngon lành nhất. Với tôi, tâm thế để tận hưởng một món ăn luôn quan trọng hơn chính thức ăn đó.
* Con đường nhanh nhất có thể chiếm lấy trái tim của một người là… bao tử. Vậy nên, “ăn” và “yêu” luôn là mệnh đề gắn liền với nhau, thoát khỏi cái nghĩa tường minh thường thấy. Người ta yêu một món ăn đôi khi chỉ vì yêu một người, phải thế không?
- Tôi hoàn toàn đồng ý. Và chữ “yêu” cũng nên được hiểu rộng cho mọi đối tượng, gồm cả chính mình. Một người sẽ biết chăm sóc người khác khi tự biết chăm sóc chính mình; một người sẽ độ lượng hơn với tha nhân khi dám nhìn nhận những khiếm khuyết của chính mình.
* Anh yêu điều gì nơi anh sống hiện tại? Nếu bất giác, ai đó nhắc đến hai chữ “Sài Gòn”, trong lòng anh dội lên những kỷ niệm nào?
- Tôi luôn có một thứ có thể mang theo bên mình, dù đi đến đâu. Đó là tình yêu con người. Tôi ở đâu thì tìm hiểu để biết cách tôn trọng và cảm mến con người nơi ấy. Yêu mến con người ở xứ nào thì sẽ yêu mến xứ ấy. Tôi ít khi nhớ nhà, vì điều tuyệt diệu nhất tôi có thể nhìn thấy và nhận lấy nơi những hàng xóm mới, bạn bè, người quen xung quanh cũng là một loại tình yêu, sự tôn trọng tôi có được nơi quê nhà và những đất nước tôi từng sinh sống. Tôi chỉ nhớ phố, tôi nhớ mùi, tôi nhớ bình minh hay hoàng hôn ở mỗi nơi mà thôi. Những sự bùi ngùi ấy, âu cũng là một số mệnh cho một người đa cảm; tôi đoán thế!
* Khi em chạm phải một nỗi buồn là tiêu đề nhiều gợi mở. Vậy khi chạm phải một nỗi buồn, anh sẽ làm gì?
- Tôi sẽ lùi lại để ngắm nhìn nó. Nếu phải khóc, tôi sẽ khóc; nếu phải thở dài tôi cũng sẽ thở dài… Nói chung, tôi cũng như mọi người, buồn chán thì cũng phải đến lúc vui; rồi ngược lại.
* Anh lãng mạn và tinh tế (nhiều người nói vậy). Đã lúc nào đời sống này khiến anh thất vọng hoặc đánh mất sự lãng mạn, tinh tế ấy?
- Có chứ! Nhiều nữa là khác. Nhưng tôi là người thích cái đẹp và đủ kiên nhẫn nên tự làm mọi thứ dễ chịu theo cách bà ngoại tôi hay dạy: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Ví dụ, tôi đi siêu thị, cô nhân viên thu ngân lạnh lùng, không thèm nhìn và chào tôi thì tôi luôn có hai sự lựa chọn: nếu tôi mệt, tôi nghĩ chắc là cô ấy cũng mệt như tôi nên dù không thoải mái nhưng tôi sẽ tự “cấn nợ” cho cô ấy bằng cách nghĩ đến chính mình khi mệt mỏi và uể oải. Còn nếu tôi khỏe, tôi sẽ nhanh chóng “đòi nợ” cô ấy bằng cách lên tiếng trước; 10 lần như một họ đều vui vẻ và cười khi tôi cất tiếng. Sau đó đôi bên chúc nhau một ngày tốt lành.
Tôi biết mà, cuộc đời đâu toàn màu hồng, nếu vậy thì chán lắm. Nếu không ở trong sự thất vọng, vậy chúng ta hy vọng vào điều gì?
* Liệu có sự khác nhau nào giữa một Chương Đặng là con người xã hội và con người của gia đình?
- Đều là một, gia đình chỉ sở hữu một phần, phần lớn hơn thuộc về xã hội. Gia đình luôn muốn cống hiến tôi toàn phần cho xã hội nhưng xã hội không dại gì nhận hết, vẫn trả bớt một phần về gia đình gánh vác.
“Giấc mơ Mỹ" của tôi luôn ghép với Sài Gòn
* Tôi luôn trông chờ một nhà thiết kế sẽ viết sách về thời trang hoặc ít nhất là về hành trình sáng tạo của anh ta. Anh có ý định này không?
- Tôi không biết nữa, nhưng hai cuốn sách đã ra cũng phảng phất đôi nét về thời trang và một phong cách sống khá rõ nét.
* Thong dong là một phong cách, nhưng sự nhanh nhẹn cũng là một phong cách. Và chúng bổ sung cho nhau để làm thành cuộc sống. Nếu ai cũng giống Chương Đặng thong dong hết thì... sẽ như thế nào nhỉ?
- À, thong dong không có nghĩa là làm mọi thứ một cách chậm chạp hay bàng quan với xung quanh. Sự thong dong giúp tôi đưa ra những quyết định mang tính chiến lược, nó cũng giúp chúng ta tích lũy đủ năng lượng cần thiết để khi phải hoạt động dưới áp lực tiến độ thì sẽ lì đòn hơn. Ngoài ra, sự bền bỉ trong lao động mới đáng kể và tạo hiệu suất tối ưu.
* Người sáng tạo nghệ thuật một mặt cần sự lắng nghe, mặt khác trong sáng tạo, anh ta cần cả sự cực đoan để tạo nên dấu ấn cho tác phẩm. Nhưng anh lại chọn tâm thế đứng chờ ở những ranh giới. Lựa chọn này mang đến cho anh những được và mất nào?
- Thực ra, đứng chờ ở ranh giới cũng là một thái cực. Ở khoảng đệm không có những nền tảng chống đỡ, người ta buộc phải tin tưởng vào sự giao tế cơ bản nhất của người với người; đôi khi nó khắc nghiệt hoặc rất mủi lòng. Tôi không lựa chọn được vị trí của mình, tôi được sinh ra theo cách ấy và có phần nhẫn chịu ở vị trí ấy; may mắn là tôi vẫn chưa bỏ cuộc.
* Sự nhẫn chịu anh đề cập ở đây là gì?
- Sự nhẫn chịu không hẳn là tiêu cực, nó cho thấy khả năng chịu đựng nhưng có chiến thuật, khả năng lượng định hoàn cảnh cụ thể của mình và kiên nhẫn cho hai việc chính: chờ đợi xem tình thế có xoay chuyển theo hướng có lợi hơn không và chuẩn bị nội lực ít nhất là đủ để đi qua khó khăn.
* Người ta thường nói về “giấc mơ Mỹ” khi họ còn trẻ. Người ta cũng ngại bắt đầu lại mọi thứ khi tuổi đã ngoài 30. Ở Việt Nam, anh thử sức trong nhiều vai trò mà vai trò nào cũng thành công, nói theo kiểu người Việt mình, anh có tất cả. Sao anh lại rời mọi thứ để sang Mỹ? Hay là bởi trước danh tiếng, tiền tài, sự thành công… anh đã có thể đứng ngoài?
- “Ba mươi chưa phải là Tết”, ai có thể dám tuyên bố rằng mình có thể đứng ngoài những thứ mà cả nhân loại kiếm tìm. Nếu tôi có tạm thời đứng ngoài, biết đâu đến một lúc khác tôi lại quay lại tìm kiếm thì sao?
Thực ra tôi đã thực hiện “giấc mơ Mỹ” từ khi còn thanh niên; bây giờ “giấc mơ Mỹ” của tôi luôn ghép với Sài Gòn. Nước Mỹ thật ra là một nơi có nhiều điều thú vị, như tôi hay nói, nước Mỹ như một Sài Gòn khổng lồ. Ở đó có người giàu nhất và người nghèo nhất; có sự bình yên lãng mạn nhất và có sự sôi động thực tế nhất; nơi mà tiền, đạo đức, văn hóa, tôn giáo và sự tự do hòa trộn với nhau theo những trật tự nhất định mà phải bình tĩnh lắm mới có thể phân định.
Trước khi nấu một món ngon, nên nấu một món thích. Việc tự chiều chuộng cơ thể mình, cụ thể là chiều một cơn thèm nhớ sẽ khiến chúng ta hiểu được đường đi của gia vị, cách nêm nếm gia giảm. Tương tự, khi nấu một món ăn cho người thân là đang nỗ lực lắng nghe tâm tư của họ. Có những người cho tới khi lìa đời không thể quên được một món ăn quen của mẹ, của vợ, của một ai đó… không hẳn vì không ai nấu ngon được như hương vị cũ. Hàng quán có thể làm ngon hơn chứ nhưng làm cho đúng với sự hiểu duy biệt về một cơ thể và tâm tính thì rất ít người làm được.
Nhà thiết kế Chương Đặng
|
* Anh có thể chia sẻ một chút về lĩnh vực giáo dục anh đang thử sức?
- Thực ra không có gì to tát cả, tôi chỉ tham gia start-up và thử nghiệm mô hình giáo dục mới mang tính thực nghiệm và là giáo dục về phong cách sống chứ không phải mảng học thuật. Mọi thứ còn đang trong giai đoạn phát triển về ý tưởng. Tôi thấy nơi mỗi người còn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội để sống hạnh phúc và thành đạt nhưng chúng ta vô tình bỏ mặc, để thời gian đánh cắp thì thật là đáng tiếc.
* “Bí quyết” của anh để có thể dấn thân vào những lĩnh vực khác nhau là gì?
- Là không có bí quyết gì; cứ quan sát bằng một tấm lòng mở rộng. Tự nhiên sẽ tác hợp đúng thời điểm. Không làm gì có khi là một “việc làm” có ý nghĩa và cần thiết.
* Đầu năm 2020, anh “chào sân” rôm rả với hai quyển sách. Trong năm nay và hai năm tiếp theo nữa, anh đang ấp ủ những dự án nào khác? Với những ai trót yêu mến áo dài Chương Đặng, họ có thể “gặp” anh theo cách nào?
- Tôi không nói trước được điều gì; những người yêu quý tôi hay những sản phẩm của tôi cũng thuộc típ người như thế: ở hiện tại thì cứ tha thiết với nhau thôi. Sau này có lạc mất nhau thì cũng không có chi hối tiếc cả.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh Phan Quang