Nhà thiết kế Cao Minh Tiến: “Tấm vải thật của đồng bào mình khác biệt lắm!”

10/12/2023 - 14:01

PNO - “Cái gì trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi cũng đến rất tự nhiên” - nhà thiết kế Cao Minh Tiến mở đầu cuộc phỏng vấn bằng nhận định này.

Năm 17 tuổi, trong những ngày đứng coi ké sách báo, tạp chí ở sạp báo gần nhà, cậu bé Cao Minh Tiến tình cờ biết đến một cuộc thi thiết kế thời trang. Anh gửi bài dự thi, không được vào vòng trong nhưng bài của anh lại “lọt mắt xanh” một công ty nước ngoài về nội thất. Họ tìm đến tận nhà và anh có được công việc làm thêm đầu tiên - thiết kế họa tiết trang trí nội thất. 

Sau 1 năm miệt mài làm việc, nhận mức lương 350.000 đồng mỗi tháng, Cao Minh Tiến có cơ hội mới khi sếp anh muốn mở thêm một thương hiệu thời trang. Nhà thiết kế thời trang khi đó còn chưa tốt nghiệp cấp III nhưng đã thể hiện cá tính rất rõ nét trong từng bộ sưu tập. Anh bắt đầu nhận ra anh luôn bị thu hút bởi những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam.
Sau 20 năm kể từ ngày đứng bên đường xem ké những trang tạp chí, Cao Minh Tiến của hôm nay đã trở thành một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Anh cũng là giảng viên Khoa Dệt may Trường đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.

Luôn thấy mình may mắn

Những ngày đầu, gia đình không ủng hộ Cao Minh Tiến học thiết kế vì anh là con trai một trong nhà, lại theo đuổi cái nghề rất mơ hồ, ít khi nghe đến. Cha mẹ khuyên anh nên làm kỹ sư, công nhân viên chức, ngân hàng… Nhưng, khi đó, Tiến vẫn kiên định đi theo niềm tin tuyệt đối với thời trang. 

Cao Minh Tiến đã nỗ lực để tự lo toàn bộ chi phí ăn học. Sáng đến trường, chiều về đi làm, anh gối đầu như vậy ngày qua ngày. “Tôi bận đến mức không có thời gian để ngồi nghĩ gì. Tôi chỉ biết là phải cố hoàn thành mọi việc của ngày hôm nay, không để ngày mai. Tôi lăn lộn trong đủ môi trường để làm, để học. Những ngày đó ảnh hưởng đến tôi bây giờ, khiến tôi luôn làm mọi thứ thật nhanh chóng, gấp rút và không bao giờ cho phép mình trì hoãn” - Cao Minh Tiến bộc bạch.

Mọi thứ cuồn cuộn chảy và Cao Minh Tiến luôn bị cuốn theo. Nếu ai hỏi về dự định này kia sẽ rất khó vì anh thường không tính toán điều gì xa vời, chỉ biết đó là việc cần làm thì anh sẽ làm. 

Chàng trai Cao Minh Tiến ngày nào đã không biết được rằng sau khi ra trường, anh sẽ mở đến 3 cửa hàng về thời trang cho phụ nữ. Năm 2015, khi việc kinh doanh chững lại, anh đóng bớt 2 cửa hàng. Cùng lúc, thầy giáo cũ gợi ý chuyện nên học cao hơn, vậy là anh đi học thạc sĩ, rẽ hướng làm giảng viên. Năm 2017, anh đón con gái “sao y bản chính” trong tình huống cũng rất bất ngờ, không kịp chuẩn bị trước. Rất nhiều bộ sưu tập đi dọc văn hóa Bắc - Trung - Nam, qua rất nhiều show diễn ở khắp các tỉnh, thành… 

Một thiết kế kết hợp giữa chất liệu jeans và thổ cẩm của Cao Minh Tiến
Một thiết kế kết hợp giữa chất liệu jeans và thổ cẩm của Cao Minh Tiến

Bộ sưu tập nào của Cao Minh Tiến cũng tạo tiếng vang lớn và luôn đắt hàng. Anh chia sẻ: “Năm 2020, khi dịch COVID-19 xảy ra, trong nhà tôi vẫn còn vải tồn kho. Muốn giải quyết bài toán kinh doanh, tôi suy nghĩ rồi bắt tay vào làm bộ sưu tập áo dài Bài chòi từ những gì mình có. Ngờ đâu khi hoàn thiện thì được đón nhận hơn mong đợi, sản phẩm đều có khách hàng đặt mua hết. Nhiều người còn đặt thêm. 

Hay gần đây, mọi người biết đến tôi qua Xuân Trường (rapper Double2T - quán quân trong chương trình Rap Việt mùa 3 - PV). Tôi đã tư vấn và tài trợ toàn bộ trang phục với hình ảnh chàng trai miền núi cho cậu ấy. Tôi đâu nghĩ gì về việc Xuân Trường có đạt được quán quân và quảng bá cho mình hay không vì việc đó vốn chỉ bắt đầu bằng một cuộc điện thoại, cậu ấy nhờ thì tôi giúp. Nhiều người nói tôi hẳn phải tính toán kỹ lắm nhưng không, tôi cứ gặp may và đón nhận”.
Cao Minh Tiến luôn tự nhận bản thân may mắn. Nhưng tôi nghĩ, may mắn ấy đến từ sự chăm chỉ, đào sâu tìm hiểu văn hóa Việt Nam và thái độ làm nghề không thỏa hiệp với những thứ “lờ nhờ”. 

Văn hóa Việt Nam có quá nhiều thứ để làm

Một bài giảng quan trọng mà giảng viên Cao Minh Tiến luôn nói với sinh viên là: Hãy tránh xa những thứ “lờ nhờ”. Vì quan điểm của anh luôn là nên lấy cái gì đó thật đậm đặc, pha thêm cái gì đó cốt lõi để tạo thành cái mới. 
“Tôi nói rõ với sinh viên lý do phải luôn tìm một thứ đậm đặc hoặc cốt lõi để làm. Ví dụ dễ hiểu là nếu bạn muốn pha một chén nước chấm bún chả, bạn sẽ phải lấy nước mắm cốt pha với đường, chanh, tỏi, ớt. Nhưng nếu bạn lấy một loại nước mắm đã được pha sẵn, chẳng hạn như nước chấm ốc, rồi mới pha tiếp thì kết quả sẽ… rất kinh khủng” - nhà thiết kế Cao Minh Tiến chia sẻ.

Như phía sau bộ sưu tập Bài chòi là quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng di sản văn hóa hát bài chòi của Trung Bộ và đào sâu vào lịch sử những tà áo (áo yếm, áo dài ngũ thân, áo dài tứ thân). Anh không muốn chiếc áo dài - quốc phục của Việt Nam - lại bị giới hạn, chỉ phụ nữ mặc được trong những dịp đặc biệt. “Tôi muốn góp phần làm cho giới trẻ hay bất kỳ ai cũng phải yêu và muốn mặc áo dài bất cứ dịp nào” - Cao Minh Tiến bộc bạch. Và anh đã làm được điều đó.

Ngoài việc làm mới chiếc áo dài một cách khéo léo, tinh tế, Cao Minh Tiến luôn cố gắng giữ nguyên bản sắc khi tiếp cận nhiều nét văn hóa khác như: trống cơm, dân ca quan họ Bắc Ninh, mây tre đan, mặt nạ tuồng, nghệ thuật hát bội… 
Bộ sưu tập Món quà từ Tây Bắc của anh, kết hợp giữa jeans và thổ cẩm, mới ra mắt cuối tháng Chín, đã và đang nhận được hiệu ứng lan truyền rất lớn. Phía sau bộ sưu tập này cũng có nhiều điều để nói. 

Nhà thiết kế chia sẻ: “Để tìm được chất liệu thổ cẩm đúng là của đồng bào, tôi phải thông qua một nhóm bạn thường săn lùng những chất liệu hiếm vì thổ cẩm bây giờ bán tràn lan ngoài chợ hầu hết là thổ cẩm dệt máy hoặc của Trung Quốc. Giá thành của những sản phẩm này rẻ, có thể sản xuất đại trà. Tôi muốn tìm về bản sắc Việt nên chấp nhận bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để mua bằng được những mảnh thổ cẩm làm bằng tay”.

Cao Minh Tiến luôn trăn trở khi hiện tại có quá nhiều người quảng bá những thứ “na ná” văn hóa Việt Nam nhưng thực chất không phải. Điều này sẽ khiến cho thế hệ trẻ nhầm rằng những thứ đó là giá trị truyền thống và tung hô sai lệch.
“Tấm vải thật của đồng bào mình khác biệt lắm. Nhìn thật kỹ từng dấu cộng được thêu bằng tay, từng họa tiết hoa văn, tôi thấy rung động khi lịch sử Việt Nam đang ở trước mắt mình. Tôi hiện đang giữ khoảng 30 tấm thổ cẩm làm bằng tay, có từ 100 năm trước nhưng không dám làm vì tôi sợ người sử dụng không cảm nhận được giá trị của nó. Những sản phẩm làm ra, dù đắt và rất kỳ công nhưng tôi sẵn sàng tặng nếu người mặc hiểu được hết giá trị văn hóa đằng sau” - nhà thiết kế 39 tuổi chia sẻ.

Nhiều người hỏi Cao Minh Tiến rằng anh lấy đâu ra nhiều ý tưởng và sức sáng tạo lớn đến thế. Với anh, văn hóa Việt Nam có quá nhiều di sản mà có khai thác mãi cũng không hết. Quan trọng là người thực hiện tiếp cận bằng tâm thế và tình yêu văn hóa ra sao. Nếu gắn với kinh tế hay đòi hỏi phải ra được cái gì rồi mới làm thì rất khó. Vậy nên anh thường cân nhắc, nếu làm điều đó mà mình vui và hạnh phúc thì cứ làm, mọi thứ khác tính sau.

Cát Tường - Ảnh: Andy Bùi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI