Bà hiện đang sống tại Quảng Nam, là chủ sở hữu của thương hiệu AVANA Vietnam. Bà cũng là người lên ý tưởng cho bộ sưu tập CO’TU,RE - những sản phẩm thời trang phối hợp giữa thiết kế hiện đại với thổ cẩm của người Cơ Tu.
Chọn thiết kế chậm và trách nhiệm với thổ cẩm
Phóng viên: Thổ cẩm của người Cơ Tu có gì đặc biệt khiến chị say mê đến vậy?
Nhà thiết kế Aldegonde Van Alsenoy: Thổ cẩm Cơ Tu đơn giản và thô mộc, nhưng kỹ thuật dệt kết hợp việc đính các hạt cườm trắng là điểm độc đáo giúp nó trở nên nổi bật so với các sản phẩm của các dân tộc thiểu số khác. Kỹ thuật này rất hiếm, tôi chưa thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới. Người Cơ Tu sống ở Lào sử dụng kỹ thuật dệt giống như người Cơ Tu ở Việt Nam.
|
Ba mẹ con bà Aldegonde Van Alsenoy và trẻ em địa phương |
Ngoài ra, tôi còn ấn tượng với quy trình pha màu, đòi hỏi óc thẩm mỹ và kinh nghiệm của mỗi nghệ nhân. Đối với công đoạn dệt vải, người dệt phải điều khiển các sợi dệt nhịp nhàng, để tấm thổ cẩm phẳng phiu cùng những đường nét hoa văn nổi bật. Mỗi tấm thổ cẩm luôn độc đáo cả về hoa văn lẫn kiểu dáng. Những thợ dệt Cơ Tu không có những thiết kế trên giấy, họ làm điều đó từ trí nhớ của họ. Đó là một luồng sáng tạo của vô thức.
* Chị thường sử dụng những họa tiết nào để đưa vào các thiết kế của mình?
- Các họa tiết hạt trắng nổi bật, các hoa văn hình học hoặc biểu tượng đơn giản lặp đi lặp lại cùng màu sắc tối giản trong các sợi dọc (màu xanh đậm, màu đỏ, màu trắng) làm cho mỗi tấm thổ cẩm trở thành một thiết kế dệt đương đại. Từ các tấm vải dệt có kích thước lớn, tôi sẽ chia nó thành các kích thước nhỏ hơn và dùng như một vật liệu trang trí trên viền cổ áo, dây áo gile hay đường viền của áo khoác bolero.
* Chiếm dụng văn hóa là một vấn đề gây tranh cãi hiện nay trong lĩnh vực sáng tạo, nhưng sẽ ra sao nếu xem nó là tấm biển cấm?
- Lấy cảm hứng là tốt, nhưng việc thêm nhãn hiệu của bạn vào những thiết kế mà không nhắc đến nguồn cảm hứng, không có xác nhận hàng thủ công và chứng thực chủ thể sở hữu là một điều đáng xấu hổ. Hơn 25 năm theo ngành thiết kế đủ để tôi nhận thức rõ vấn đề bản quyền là một yếu tố rất quan trọng. Là một nghệ sĩ, nếu muốn tạo ra một tuyên ngôn, một câu chuyện nghệ thuật, hãy nhớ rằng bạn phải có khả năng giải thích cho công chúng và những chủ thể văn hóa tại sao bạn muốn sử dụng những biểu tượng văn hóa ấy.
Việc chia sẻ các ý tưởng, truyền thống văn hóa sẽ khiến cuộc sống trở nên thú vị và kết nối. Thật tuyệt vời khi ai đó tìm cách hiểu một nền văn hóa khác trong nỗ lực mở rộng thế giới quan của họ, và kết nối những nền văn hóa đó với nhau.
* Chị có gặp khó khăn gì khi sáng tạo cùng thổ cẩm của người Cơ Tu?
- Chúng tôi đã hướng dẫn thợ dệt đọc thiết kế từ bản vẽ trên giấy. Ban đầu điều đó khá khó khăn, nhưng may mắn là những người thợ dệt luôn khao khát học hỏi. Chúng tôi đã khắc phục hầu hết các khó khăn về kỹ thuật, để họ có thể đọc thiết kế và thực hiện chúng.
Học một thiết kế mới mất khá nhiều thời gian, và quan trọng là việc tính toán chi phí. Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng một bản tính giá thành tùy thuộc vào mức độ phức tạp của thiết kế dệt, và cường độ lao động của nhân công.
Hiện chúng tôi làm việc với 36 thợ dệt, vài người trong số họ đã thạo nghề. Một trong những khó khăn khi thiết lập quy mô sản xuất lớn là tính mùa vụ. Thời gian người Cơ Tu tập trung cho đồng áng và mùa mưa, công việc sẽ rất khó khăn. Cân bằng hoạt động nông nghiệp và nghề thủ công là rất quan trọng. Tôi nghĩ đó cũng là thách thức của Việt Nam trong việc bảo tồn nghề dệt của các dân tộc thiểu số.
|
Một số mẫu thời trang kết hợp với thổ Cẩm của nhà thiết kế Aldegonde Van Alsenoy |
Cơ hội để làm được nhiều thứ ở Việt Nam
* Mỗi tấm thổ cẩm có ý nghĩa riêng, mang tinh thần của cộng đồng dân tộc đã sản sinh ra nó. Tinh thần ấy thể hiện trong mỗi thiết kế của chị như thế nào?
- Chúng tôi chọn CO’TU,RE (ghép hai chữ Cơ Tu và Couture) là tên của bộ sưu tập hợp tác với người Cơ Tu. Mỗi sản phẩm đều mang tinh thần của nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu. Đến nay, tôi vẫn phải “vật lộn” để tận dụng từng tấm vải dệt tay của người Cơ Tu, vì không muốn cắt chúng thành từng mảnh rời rạc vô tội vạ. Mỗi tấm vải đều mang linh hồn và sự lao động chăm chỉ của người thợ dệt, nên tôi không bao giờ vứt bỏ những vụn may nhỏ còn sót lại.
Với CO’TU,RE, chúng tôi tạo ra các sản phẩm dệt được thiết kế sẵn để đính trực tiếp lên trang phục, không phải cắt nhỏ nó thành các chi tiết.
* Người Cơ Tu đồng sáng tạo trong từng thiết kế ra sao?
- Đầu tiên, chúng tôi thành lập một phòng trưng bày các loại vải thổ cẩm mà họ dệt theo cách truyền thống. Sau đó, thành lập một can thiệp thiết kế đồng sáng tạo cho bộ sưu tập phụ kiện du lịch của riêng họ mang tên Cotu Yaya. Sau khi được chúng tôi khởi xướng, các thợ dệt Cơ Tu tự do lồng ghép các yếu tố văn hóa và sáng tạo của riêng họ. Ngày nay họ đã tạo ra sản phẩm của riêng mình, được bán trong cửa hàng của họ trên núi và một số cửa hàng lưu niệm ở miền Trung.
Nếu có cơ hội cộng tác để tạo ra một bộ sưu tập đại diện cho di sản dệt của người Cơ Tu, chúng tôi sẽ làm một nghiên cứu đầy đủ về tất cả các hoa văn biểu tượng, và xác định có phù hợp để đưa vào bộ sưu tập thời trang hay không.
Ở mức độ đồng sáng tạo, họ bắt đầu tích hợp một số họa tiết hạt từ những thiết kế của chúng tôi, và sử dụng nhiều sợi màu hơn trong vải dệt truyền thống của riêng họ. Ban đầu, họ sử dụng hạt kim loại, rồi chuyển sang hạt cườm trắng, và bây giờ đã có nhiều hạt màu hơn trong thiết kế của họ.
* Có thỏa thuận giữa người Cơ Tu và chị khi chị sử dụng thổ cẩm của họ không?
- Có một thỏa thuận về tài chính giữa chúng tôi dựa trên mức độ phức tạp của hoa văn.
Năm 2014, chính phủ Luxembourg cùng Tổ chức Lao động Quốc tế đã tài trợ để lên ý tưởng cho bộ sưu tập Cotu Yaya. Tôi chịu trách nhiệm đào tạo để họ vận hành, với tư cách là nhà cung cấp và đồng thiết kế với họ bộ sưu tập phụ kiện Cotu Yaya. Nele cung cấp thiết kế và các khía cạnh kỹ thuật. Nhóm kinh doanh gồm 36 thợ dệt sản xuất hàng dệt tay phức tạp cho CO’TU,RE, và họ có cửa hàng, xưởng dệt riêng trong làng.
Thông qua một số tài trợ, chúng tôi có cơ hội được đào tạo thêm thợ dệt trong những năm qua. Chủ yếu là để hỗ trợ họ đưa bộ sưu tập Cotu Yaya ra thế giới. Năm ngoái, tôi rất vui khi được mời tham gia đào tạo mười ngày cho các thợ dệt trẻ đến từ các làng khác nhau ở Tây Nguyên. Chúng tôi rất vui khi thấy tâm huyết và tình yêu với nghề dệt thổ cẩm của họ sẽ lan tỏa cho thế hệ sau.
* Theo chị, làm thế nào để thổ cẩm Việt Nam bước ra thế giới nhiều hơn nữa?
- Phát triển sản phẩm là trách nhiệm của nhiều bên. Ngày nay, sự trỗi dậy của thời trang nhanh đôi lúc đã bỏ lại những câu chuyện đằng sau một sản phẩm. Nhóm thiết kế và tiếp thị không dành thời gian để đưa ra ý nghĩa cho các sáng tạo của họ. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế nhỏ hơn thường không có đủ phương tiện và nguồn lực để làm việc chuyên sâu. Một trong những thách thức là phải biết ý nghĩa văn hóa, biểu tượng hoặc tác phẩm nghệ thuật văn hóa mà bạn sử dụng trong thiết kế của mình.
Mỗi thiết kế trong bộ sưu tập CO’TU,RE được giới thiệu ở châu Âu đều thông tin về nghề dệt của người Cơ Tu. Chúng tôi tự hào vì mỗi sản phẩm đều được thiết kế và sản xuất bởi phụ nữ.
* Có lẽ chị đã nhận được rất nhiều điều khi chọn sống và làm việc ở Viêt Nam?
-Tôi đã sống ở Việt Nam từ năm 2006. Từ 2007 đến 2010, tôi hợp tác và tạo ra một cửa hàng thiết kế nhỏ ở Hội An. Các nghệ nhân làng nghề truyền thống trên khắp Việt Nam là nguồn cảm hứng cho các dự án thiết kế mà tôi đảm nhận.
Là một nhà thiết kế người Bỉ sống và làm việc ở miền Trung Việt Nam, chúng tôi có thể làm được nhiều thứ không bao giờ làm được ở các thành phố châu Âu. Tôi có thể sử dụng nhiều chất liệu được làm thủ công tại Việt Nam, đó là giấc mơ thành hiện thực với mỗi nhà thiết kế. Việt Nam cho tôi cơ hội làm việc với các nghệ nhân, đồng nghĩa với việc trở thành một phần của phong trào thời trang chậm.
Bên cạnh đó, việc trở thành một người mẹ và một nhà thiết kế quốc tế ở châu Âu rất khó, và gần như là không thể. Ở đây, hai đứa con của tôi có thể chạy quanh làng núi, và sinh hoạt cùng với những đứa trẻ của những người thợ dệt Cơ Tu. Việt Nam đã trở thành quê hương của tôi. Tôi không muốn đến nơi nào nữa.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Tấn Đồng (thực hiện)