Cán cân đổi chiều
MV mới của Jack - Hoa hải đường được chú ý vì âm nhạc vừa tai, hình ảnh đẹp. Nhưng một số khán giả thấy phiền khi phải xem nhiều cảnh xuất hiện nhà tài trợ.
Hiện tại, nhãn hàng và sản phẩm của nghệ sĩ như hai thành tố không thể tách rời. Nhưng, thời điểm trước, nghệ sĩ, quản lý, nhà sản xuất (NSX) phải chật vật gõ cửa các đơn vị thì nay ngược lại.
Nhãn hàng ngày càng đổ dồn sự đầu tư quảng bá hình ảnh vào trong sản phẩm của nghệ sĩ thông qua các đơn vị, cá nhân trung gian, hoặc trực tiếp tìm nghệ sĩ phù hợp. Sản phẩm của nghệ sĩ có thể là MV, phim ngắn chiếu mạng, hoặc talkshow...
Chị Nam Nguyễn (đại diện Thitkho Entertainment, một đơn vị chuyên "săn" nghệ sĩ cho các nhà tài trợ) cho biết: “Từ sau sự kết hợp của một nhãn hàng với ca sĩ Sơn Tùng thì việc hướng đến đầu tư quảng bá thương hiệu trong các sản phẩm của nghệ sĩ bắt đầu được chú ý. Các nhãn hàng thường chủ động dành một phần (lớn) kinh phí quảng bá để phối hợp với các nghệ sĩ đưa thương hiệu tiếp cận với công chúng. Những nghệ sĩ được nhắm tới thường là những người có sự ảnh hưởng nhất định trên thị trường”.
|
Hình ảnh quảng cáo xuất hiện trong MV Hoa hải đường của Jack |
Giám đốc một công ty truyền thông, quảng cáo cho biết: “Đây cũng là xu thế tất yếu khi thị trường số, đặc biệt mảng giải trí đang phát triển rất mạnh. Thông thường, trước khi ra mắt sản phẩm khoảng 3-6 tháng, nhãn hàng sẽ gửi cho chúng tôi thông tin sản phẩm, các gói tài trợ để làm việc với nghệ sĩ. Khoảng thời gian đó đủ để tìm được nghệ sĩ có tiêu chí phù hợp”.
Nghệ sĩ thường nhận tiền mặt để dễ đầu tư vào sản phẩm. Một số đơn vị có thể sẽ tài trợ địa điểm ghi hình, sự hợp tác này cũng ít thu hút được nghệ sĩ, trừ những nơi sang trọng, nổi tiếng.
Phần tài trợ tuỳ thuộc vào quy mô dự án, danh tiếng nghệ sĩ, thường mức tài trợ sẽ giúp họ giải quyết từ 30-50% gánh nặng kinh tế. Khi nhu cầu đôi bên gặp nhau, nhãn hàng xuất hiện trong sản phẩm của nghệ sĩ từ thoáng qua đến lồng cả hình ảnh, slogan sản phẩm vào nội dung, câu thoại. Không dừng lại ở đó, một số đơn vị còn mở rộng khai thác để đưa MV ca nhạc thông thường trở thành MV-commerce (video ca nhạc thương mại), sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo, tiếp tục thu lợi nhuận trực tiếp hoặc gián tiếp.
|
Phim chiếu mạng Bố già của Trấn Thành ra mắt đầu năm có nhiều nhãn hàng "rót" quảng cáo |
Bản lĩnh nghệ sĩ trong hợp đồng tài trợ
Không chỉ tìm kiếm các nghệ sĩ để đổ tiền vào, một trang thương mại điện tử thành lập hẳn quỹ đồng hành cùng các sản phẩm của sao Việt. Đến tháng 3/2020 (sau 1 năm ra mắt), đã có 80 MV xuất hiện hình ảnh của thương hiệu này, thu về hơn 2 tỷ lượt xem, tiếp cận 300-400 triệu người dùng. Hiệu quả quảng cáo thông qua sản phẩm của nghệ sĩ cao gấp 20 lần so với quảng cáo bình thường trên YouTube.
Tuy nhiên, khi này, bài toán khác được đặt ra là làm thế nào để các thương hiệu không "phá nát" sản phẩm, hoặc biến sản phẩm thành một clip quảng cáo.
|
Quảng cáo thông qua sản phẩm của nghệ sĩ giúp nhãn hàng tiếp cận khán giả dễ dàng, hiệu quả hơn |
MV mới của Jack, không phủ nhận hình ảnh được đầu tư chỉn chu, nhưng việc gắn mũ chiến binh (biểu tượng cho nhân vật trong game chiến binh hiện đại) vào hình tượng cổ trang kèm theo logo thương hiệu to tướng khiến người xem như cắn phải sạn.
Đây không phải là lần đầu sản phẩm quảng cáo không ăn nhập với hình ảnh, khiến người xem khó chịu. Trước đó, một thương hiệu bột giặt lại xuất hiện trong MV cổ trang của Chi Pu khiến người xem... té ngửa. Sản phẩm xe điện trong MV Có chắc yêu là đây của Sơn Tùng không liên quan đến nội dung MV. Hay điện thoại thông minh trong Kẻ cắp gặp bà già của Hoàng Thuỳ Linh; một thương hiệu thương mại điện tử trong Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc cũng gây khó chịu vì "lạc quẻ". Chi tiết nhỏ nhưng làm hỏng cảm xúc của người xem.
|
Một thương hiệu bột giặt xuất hiện trong MV Cung đàn vỡ đôi của Chi Pu |
Chị Nam Nguyễn cho biết thêm, thường những gói tài trợ từ 50-200 triệu đồng, nhãn hàng không can thiệp vào nội dung. Còn những gói tài trợ lên đến hàng tỷ đồng, có khả năng nhãn hàng muốn có một phân đoạn viral để khán giả ghi nhớ.
Một đạo diễn chia sẻ: “Các nhãn hàng ngày càng khôn khéo hơn. Họ ít khi chen vào ý tưởng của nghệ sĩ. Nhưng họ vẫn luôn muốn có được hiệu quả tương xứng với đồng tiền mình bỏ ra. Ê-kíp phải làm việc kỹ trước khi thực hiện, không để phát sinh tình huống bất ngờ. Nghệ sĩ, NSX phải giữ được cán cân thăng bằng giữa tác phẩm của mình và lợi ích của nhà tài trợ. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải biết nhìn xa trông rộng, có bản lĩnh, lập trường vững. Đôi lúc, nghệ sĩ cũng nên biết nói lời từ chối, chứ đừng kiên cưỡng”.
Trung Sơn