Nhà đấu giá lừng danh Christie’s tại Hồng Kông vừa rao bán bức tranh Mơ về một ngày mai (Dream of the following day) ký tên danh họa Tô Ngọc Vân với sự đảm bảo của chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam - Jean François Hubert. Thế nhưng, giới mỹ thuật Việt Nam đã nhanh chóng phát hiện đây chỉ là tranh chép tác phẩm The Young Beggar (Trẻ ăn mày) của họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ XVII Bartolome Esteban Murillo, chứ không phải tranh Tô Ngọc Vân như giới thiệu.
|
Bức tranh Mơ về một ngày mai (phải), được Hubert bảo đảm là của danh họa Tô Ngọc Vân để bán tại nhà đấu giá Christie’s, thực chất là bức tranh chép từ tác phẩm của họa sĩ Tây Ban Nha.
|
Trước đó, vào tháng 7/2016, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM diễn ra triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, giới thiệu 17 tác phẩm (trong đó có tranh của bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái) nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung, cũng liên quan đến nhân vật Jean François Hubert là người bảo đảm cho các tác phẩm. Phần lớn tranh trong triển lãm bị giới chuyên môn đánh giá là tranh “không chính chủ”.
Qua hai vụ việc chấn động nêu trên, giới mỹ thuật Việt Nam rất bức xúc và mong muốn xử lý dứt điểm nhân vật Jean François Hubert, để không hủy hoại uy tín làng mỹ thuật Việt. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã gửi công văn lên Bộ VH-TT-DL và Cục Bản quyền mong các đơn vị này vào cuộc.
Jean François Hubert có danh xưng “chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của nhà đấu giá Christie’s Hong Kong”. Nôm na, ông là nhà môi giới tranh cho sàn Christie’s Hong Kong để bán cho các nhà sưu tập. Chưa bàn đến chuyên môn của Jean François Hubert, nhưng qua những vụ bảo đảm cho tranh giả, tranh nhái, có thể khẳng định rằng Hubert đã lợi dụng tín nhiệm để… lừa đảo.
Ở ta, người đầu tiên môi giới tranh Việt ra thị trường quốc tế là nhà sưu tập Hà Thúc Cần. Vốn là một đạo diễn điện ảnh có tiềm lực tài chính, Hà Thúc Cần nhanh chóng nhận ra sức thu hút của tranh Việt đối với giới thưởng lãm phương Tây, nên ông tìm mua lại nhiều tác phẩm lừng danh của hội họa nước nhà. Trong vòng 10 năm - từ 1985 đến 1995 - Hà Thúc Cần trở thành nhịp cầu kết nối giới chơi tranh các nước với tranh Việt. Một trong những tác phẩm tiêu biểu mà Hà Thúc Cần đã giao dịch quốc tế thành công là bức Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân.
|
Bức tranh của Thành Chương đã bị biến thành tác phẩm của Tạ Tỵ tại Những bức tranh trở về từ châu Âu |
Đáng tiếc, sau khi Hà Thúc Cần qua đời, chúng ta vẫn chưa có nhân vật nào đủ khả năng và uy tín thay thế ông trong vai trò môi giới nghệ thuật - cái nghề đúng nghĩa mà thế giới quen gọi là Art Dealer. Bởi lẽ, một Art Dealer, ngoài kỹ nghệ “mua của người cần bán, bán cho người cần mua”, còn phải có kiến thức hội họa nhất định để chứng minh nguồn gốc chắc chắn của một tác phẩm hoặc xu hướng mỹ thuật của một xứ sở.
Nhà sưu tập tranh quá cố Lê Thái Sơn (1968 - 2012) được giới họa sĩ và những người chơi tranh Việt đặt cho biệt danh “Sơn xúc động”. Với Sơn, trước khi quyết định mua một bức tranh, điều đầu tiên là tác phẩm đó có làm cho anh xúc động hay không. Bộ sưu tập tranh Lê Thái Sơn được ước tính cả triệu USD. Thế nhưng khi còn sống, lâu lâu Sơn rủ bạn đến phòng tranh của anh nằm trong một con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1 (TP.HCM); giới thiệu cho xem vài bức tranh… giả “lỡ xúc động” mua nhầm.
Sơn nói: “Sưu tập tranh không đơn thuần là mua bán. Đó là tình yêu nên nhiều khi cũng yêu nhầm”. Ý tưởng mở một phòng tranh tại Singapore để môi giới tranh Việt của Sơn khép lại khi anh đột ngột qua đời vào năm 2012. Nói thế để thấy, tranh giả vẫn có thể đánh lừa được cả những nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp như Lê Thái Sơn.
|
Bức Ba cô gái của Dương Bích Liên tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu cũng bị cho là giả |
Nhà sưu tập tranh Nguyễn Quang Cường, chủ phòng tranh Phương Mai, cho rằng: “Tranh giả có từ Âu sang Á. Bất kỳ đâu cũng có tranh giả chứ không riêng gì Việt Nam. Ở ta, trong một thời gian dài, các vụ tranh giả thường gắn với tranh của các danh họa Mỹ thuật Đông Dương. Còn các nhà sưu tập mua phải tranh giả phần lớn không có hiểu biết về lịch sử mỹ thuật. Hiện, tranh của các danh họa hay bị làm giả nhất là tranh sơn mài”.
Để có một tác phẩm tốt cho bộ sưu tập, theo Nguyễn Quang Cường, cần hiểu sáu nguyên tắc của “hệ sinh thái nghệ thuật”, gồm: chất lượng nghệ thuật, tình trạng tác phẩm, độ hiếm (không lặp lại bút pháp của họa sĩ), nguồn gốc (bức tranh đó đang ở nhà của họa sĩ, ở gallery hay ở nhà sưu tập), hoạt động của họa sĩ (có học chính quy về mỹ thuật hay không, học thầy nào, có bao nhiêu triển lãm, sự đón nhận của công chúng.
Song, dù có trang bị kiến thức hay kỹ thuật tốt vẫn khó tránh được “ma trận” tranh giả. Bởi, người mua thường nhầm chứ kẻ bán làm sao lộn được, nhất là khi các “tác phẩm” ấy lại được bảo chứng bởi những “chuyên gia” như Hubert và được bán ở những nơi nổi tiếng như Christie’s.
Nếu cơ quan chức năng không can thiệp và không xử lý được, rồi đây, sẽ còn nhiều nhà sưu tập, bạn yêu tranh tiếp tục bị lừa mua hàng giả, hàng nhái và mỹ thuật Việt Nam sẽ khó giữ được uy tín vất vả xây dựng bao năm.
Hoàng Nhân