Nhà sư thi hát - trò câu view của nhà đài?

20/09/2017 - 06:45

PNO - Khi để cho các nhà sư (dù thật hay giả) khoác áo nâu lên sân khấu và chọn họ vào vòng trong, ban tổ chức, ban giám khảo có ý thức được sự “khó coi” của hình ảnh này trong mắt công chúng?

Sau những phản ứng gay gắt của dư luận về vụ “giả danh nhà sư”, Ban tổ chức chương trình Tuyệt đỉnh song ca (TĐSC) đã phải lên tiếng xin lỗi và thông báo sẽ lùi thời gian phát sóng phần dự thi của hai thí sinh Hoàn Nguyên - Nhất Nguyên lại các tập sau thay vì phát vào tối 19/9 như kế hoạch. Trước đó, khi thông tin hai “nhà sư triệu view” sẽ có mặt trong tập 2, vòng Lộ diện của TĐSC, nhiều khán giả đã lên tiếng cho rằng đây là hình ảnh không phù hợp với văn hóa Việt Nam và xúc phạm tinh thần Phật giáo.

Nha su thi hat - tro cau view cua nha dai?

Hình ảnh hai thanh niên mặc áo nâu, được giới thiệu là nhà sư, hát trên sân khấu Tuyệt đỉnh song ca khiến chương trình nhận nhiều chỉ trích từ khán giả

Được biết, thí sinh Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên là hai “nhà sư” rất được chú ý trên mạng chia sẻ video YouTube. Những video hát Giã từ vũ khí, Hát cho người nằm xuống, Liên khúc mưa… của Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên đã thu hút hàng triệu lượt view với những lời khen về chất giọng ấm áp, tình cảm của cả hai.

Thế nhưng, khi hai nhà sư đi thi hát thì lại là câu chuyện khác. Hình ảnh hai thanh niên khoác áo nâu sòng đứng trên sân khấu thi thố tài năng khiến khán giả phẫn nộ. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và khẳng định cả Hoàng Nguyên lẫn Nhất Nguyên và sư phụ của hai anh - ông Thích Tâm Đức - đều là nhà sư giả mạo, rằng trên địa bàn huyện Đức Hòa (Long An) không có chùa nào mang tên gọi Bồng Lai.

Chuyện Hoàn Nguyên - Nhất Nguyên - Tâm Đức có phải là nhà sư hay không có lẽ cần được xem xét lại, bởi các quy định của pháp luật hiện hành không cấm cá nhân lập chùa và tự tu tập. Song dù họ là ai, vấn đề nằm ở cách họ được giới thiệu tại TĐSC.

Theo thông tin từ đơn vị truyền thông của chương trình, “Trong trang phục áo nâu của nhà chùa, hai thí sinh khiến cả hội trường kinh ngạc khi thể hiện ca khúc Cỏ xót xa đưa của Trịnh Công Sơn một cách nồng nàn, cảm xúc”.

Nha su thi hat - tro cau view cua nha dai?
 

Phải chăng việc nhấn vào hai nhà sư cũng như các clip triệu view của họ là cách chương trình mời gọi khán giả, bởi trước nay chưa từng có bất cứ nhà sư nào tham gia thi hát và đây chính là yếu tố độc - lạ của TĐSC?

Khi để cho các nhà sư (dù thật hay giả) khoác áo nâu lên sân khấu và chọn họ vào vòng trong, ban tổ chức, ban giám khảo có ý thức được sự “khó coi” của hình ảnh này trong mắt công chúng?

Kể cả trong trường hợp đơn vị sản xuất bất chấp sự tế nhị trong văn hóa - tín ngưỡng của người dân mà chấp nhận tiết mục dự thi của Hoàn Nguyên - Nhất Nguyên thì bộ phận kiểm duyệt của đài Vĩnh Long ở đâu khi vẫn cho phép chúng xuất hiện (dù mới chỉ là trên thông tin giới thiệu). Phải chăng chính Truyền hình Vĩnh Long cũng ủng hộ chuyện tăng lữ đi thi, tranh giải?

Câu trả lời từ phía những người liên quan chắc chắn sẽ là “không” (vì có ai lại tự nhận như thế bao giờ). Nhưng dù Công ty Sen Vàng và đài Truyền hình Vĩnh Long nói gì, khán giả vẫn gọi đây là trò câu view quá lố. 

Hoàng Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI