Nhà sư bán sữa ngô trên mạng xã hội lấy tiền nuôi trẻ mồ côi

20/11/2016 - 11:30

PNO - Chỉ trong vòng một tháng chùa Phước Sơn (TP Sóc Trăng) đã tiếp nhận ba bé sơ sinh bị bỏ lại cổng chùa. Để có tiền nuôi những đứa trẻ, sư trụ trì đã tự làm sữa ngô bán trên zalo và cho Phật tử tới viếng chùa.

Ba đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa trong 1 tháng

Mấy tháng qua chùa Phước Sơn (P.6, TP Sóc Trăng, T.Sóc Trăng) bỗng nhiên trở nên nhộn nhịp hơn. Bởi lẽ nhiều người đến chùa không chỉ để lễ bái, công quả mà còn tìm đến để được tận mắt nhìn thấy ba đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại cổng chùa.

Theo Đại Đức Thích Từ Minh - trụ trì chùa Phước Sơn: “Ba đứa trẻ bị bỏ lại chùa như một cái duyên với nhà chùa. Ở Sóc Trăng có rất nhiều chùa nuôi trẻ con sao người ta không bỏ mà lại mang bỏ tại chùa Phước Sơn. Có lẽ do cha mẹ 3 đứa nhỏ đã tin tưởng giao con cho chùa nên nhà chùa sẽ nhận nuôi cả 3 bé cho tới lớn”.

Chia sẻ về việc phát hiện 3 đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa, Đại đức Thích Từ Minh cho biết, một buổi sáng sớm giữa tháng 6/2016, cũng như mọi ngày thầy dậy từ 4 giờ sáng để mở cổng chùa và quay vào tụng kinh. Sau khi tụng kinh xong thầy ra đóng lại cửa chùa thì bất ngờ thấy một đứa trẻ trên người quấn ba chiếc tã, đầu có dính máu được để ngay dưới chân tượng Phật. Lại gần thấy em bé đang ngủ rất ngon và không khóc. Ngó xung quanh không thấy ai, thầy Minh vội bế bé vào chùa và nhờ người đi mua sữa và tắm cho bé. Sau đó thầy Minh nhờ người tới trình báo sự việc với chính quyền địa phương.

Trong chùa chỉ có mình thầy Minh nên việc chăm một đứa trẻ sơ sinh rất khó khăn. Thầy Minh tự mày mò lên google để tìm hiểu cách chăm sóc cho bé, ban ngày thì nhờ một vài phật tử của chùa tới tắm và chăm sóc bé. Để đảm bảo tốt hơn cho bé 2 ngày sau đó sư trụ trì đã nhờ tới bà Nguyễn Thị Hoa là người mợ dưới quê lên đảm nhận việc chăm sóc cho bé.

Nha su ban sua ngo tren mang xa hoi lay tien nuoi tre mo coi
Thầy Từ Minh đang cho những đứa trẻ uống sữa

Nửa tháng sau (ngày 30/6) chùa lại tiếp nhận một đứa trẻ sơ sinh khác bị bỏ rơi. Theo thầy Minh, buổi tối hôm đó có mấy phật tử của chùa qua tập múa dâng hoa chuẩn bị cho lễ ngày 27/7 bên chùa Từ Thuyền (cách đó chừng 1km). Tới hơn 9 giờ mấy phật tử ra về và chùa chỉ khép cửa để đó. Tới khoảng hơn 10 giờ đêm thì thầy nghe có tiếng khóc của trẻ con, lúc đó ngoài trời đang mưa. Thấy cũng muộn nên thầy Minh ra đóng cửa chùa. Vừa bước tới cổng thầy Minh đã thấy một bé được bỏ lại ngay cổng chùa. Bé bị ướt do dính nước mưa. Sau đó bé bị ốm sốt phải nằm viện một tuần mới khỏi. Lúc này may có bà mợ của sư thầy phụ giúp nên cũng đỡ vất vả.

21 giờ ngày 15/7 lại một lần nữa nhà chùa nghe có tiếng trẻ con khóc. Như hai lần trước thầy Từ Minh lại trở ra cổng chùa và trở vào với một em bé trên tay. Nghe tin báo có thêm một đứa bé bỏ lại chùa, sợ một mình bà mợ không thể chăm sóc cả 3 bé nên ngay sáng hôm sau bà Trương Thị Thu mẹ của thày Từ Minh đã bắt xe từ quê lên để phụ chăm sóc cho các bé.

Sư thầy 30 tuổi có 5 đứa “con”

Ngay từ khi còn nhỏ Đại Đức Thích Từ Minh (tên ở nhà là Trang Võ Tòng) đã theo mẹ và bà nội hay lui tới chùa để công quả, lĩnh hội được đạo lý của Đức phật từ bi. Võ Tòng lúc đó còn là một cậu bé nhưng đã nhận thấy việc đập đầu một con các để làm thịt là ác. Nên cuối năm lớp 11 Võ Tòng đã ăn chay trường. Gia đình lúc đó có can ngăn vì sợ con ăn chay không đủ chất. Nhiều người hàng xóm thì cười và nói: “Con nít mà bày đặt ăn chay”. Thời đó rất khổ cực, ngày ngày Võ Tòng nhờ mẹ đi bẻ lấy ngọn lục bình về nấu canh, lâu lâu mới có tàu hũ ăn. Khi lên lớp 12 thì ở lại lớp học cả ngày nên Võ Tòng nhờ mẹ nấu cơm chay đem theo ăn tại trường luôn.

Khi học xong 12 thì Võ Tòng gặp được sư phụ là thầy Thích Chiếu Thường trụ trì chùa Từ Thuyền (TP. Sóc Trăng) và đi theo thầy đến phụ việc nơi cửa chùa. Năm 19 tuổi Võ Tòng xuống tóc quy y cửa Phật và được đặt pháp danh à Từ Minh.

Theo thầy Từ Minh trước đây thầy từng nhận được 2 đứa nhỏ bị bỏ lại trước chùa. Khi đó thầy mới chỉ ngoài 20, thầy còn đi học trên thành phố nên gửi người chăm sóc bé được 7 tháng. Sau đó, vì không an tâm nên thầy Từ Minh đã gửi 2 bé qua chùa Từ Thuyền (nơi sư phụ của thầy Từ Minh đang tu hành). Giờ chùa lại nhận thêm 3 đứa nhỏ này nữa nên nhiều người vẫn nói tếu sư thầy mới 30 tuổi mà có tới 5 đứa con.

Bà Trương Thị Thu (mẹ thầy Từ Minh) tâm sự: “Nhận được điện của thầy, tôi phải thu xếp việc nhà lên gấp. Ở quê có vài công đất giờ giao lại hết cho chồng để lên đây với con. Nhà chỉ có 2 đứa con, thằng anh lớn thì đã quy y cửa chùa, một cô con gái thì đã lập gia đình và mới có cháu ngoại. Mọi người vẫn nói tôi chỉ được làm bà ngoại chứ không được chăm cháu nội. Nhưng bây giờ chăm 3 đứa nhỏ này, tôi cũng coi như chăm cháu nội. Nhìn 3 đứa trẻ kháu khỉnh này không chỉ tôi mà bất cứ ai tới chùa nhìn thấy chúng cũng đều vui”. Bà Thu cũng cho biết thêm, vì vừa mới có cháu ngoại nên bà có khá nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh. Bà sẽ ở lại đây chăm cho tới khi 3 đứa bé lớn hẳn mới thôi.

Còn bà Hoa thì cho hay, năm nay bà cũng ngoài 60 tuổi, việc cùng lúc chăm 2, 3 đứa nhỏ không phải điều dễ dàng. Nhiều khi cả hai bé đều thức và đòi ăn. Bà vừa phải kê gối để giữ bình sữa cho bé bú, vừa pha sữa cho bé còn lại. Buổi đêm bà Hoa và bà Thu phải thay nhau chăm sóc cho 3 bé để người còn lại được đi ngủ.

Thầy Từ Minh cho biết: “Từ khi nghe tin có 3 đứa trẻ sơ sinh cũng có rất nhiều người tới chùa muốn xin các bé về nuôi. Thậm chí có nhiều người miền Bắc gọi điện muốn nuôi các cháu. Còn có người hứa cho thầy nhiều tiền để thầy xài. Tuy nhiên, điều này là xúc phạm tới nhân phẩm của nhà chùa. Như thế khác nào nhà chùa lại bán các bé để lấy tiền xài. Tôi không làm được điều này.

Ba bé được bỏ lại cửa chùa, chắc chắn gia đình chúng đã tin tưởng giao cho nhà chùa nuôi. Họ hy vọng con mình sẽ được nhà chùa bao bọc, nên nhà chùa sẽ nuôi tất 3 bé chứ không trao cho ai. Hy vọng gia đình của các chú cũng yên tâm. Người ta đã mang tới cửa Phật rồi mà mình lại đem cho người khác là mang tội. Giờ nếu có nhiều bé khác nữa nhờ tới của chùa thì nhà chùa vẫn sẽ nhận nuôi hết. Có thể gia đình của các bé có hoàn cảnh riêng không thể nuôi dưỡng tốt được nên giao cho nhà chùa. Chắc chắn gia đình các bé cũng phải suy nghĩ rất nhiều trước khi làm thế. Nhiều phật tử muốn giúp chùa, xin mang các bé về nhà chăm sóc, nhưng tôi nói nếu muốn chăm sóc các bé thì phải tới chăm sóc tại chùa chứ không được mang các bé về nhà. Phần vì thày không an tâm, phần vì thầy thương các bé quá nên không lỡ xa chúng”.

Bán nước lấy tiền nuôi trẻ mồ côi

Ba bé được lấy theo họ của sư trụ trì và lần lượt có tên là: Trang Phước Ân, Trang Phước Thân, Trang Phước Giới. Theo thầy Từ Minh, hiện 3 cháu bé phát triển rất tốt, nhưng các bé càng lớn thì chi phí để nuôi các bé lại càng nhiều hơn. Do đó, ngoài việc trông đợi vào tiền cúng dường của Phật tử, sư Minh đã nghĩ mình phải làm một cái gì đó để kiếm tiền để nuôi các bé.

“Bản thân tôi và nhiều người dân miền Tây rất thích uống sữa ngô, sữa hạt sen và nước nha đam vì rất mát và bổ. Tuy nhiên tôi thấy rằng nhiều nơi họ nấu nước không đảm bảo vệ sinh và chất lượng. Do đó tôi quyết định tự làm những thứ nước này vừa để mọi người trong chùa uống, vừa để bán cho những người có nhu cầu”, thầy Từ Minh chia sẻ.

Nha su ban sua ngo tren mang xa hoi lay tien nuoi tre mo coi
Thầy Từ Minh tự tay nấu sữa ngô bán lấy tiền nuôi trẻ mồ côi

Theo thầy Từ Minh, những nguyên liệu đều được sư trực tiếp lựa chọn loại tốt nhất và tươi ngon nhất, sau đó mang về chùa, cùng với sự phụ giúp của một số phật tử, sư Từ Minh sẽ chế biến thành những chai sữa ngô, sữa hạt sen và nước nha đam ngon bổ mát. Những chai nước được thầy bán bằng với giá thị trường mà chất lượng lại tốt hơn nên rất nhiều người tìm tới mua. Ngoài việc bán tại chùa, sư Từ Minh còn đăng lên zalo để bán qua mạng. Thông qua nhiều kênh bán hàng như vậy, ngày ít thì thầy bán được vài chục chai, ngày nhiều thì bán được khoảng 100 chai nước các loại. Trừ chi phí cũng thu được một khoản tiền để lo cho cuộc sống của những đứa trẻ mà thầy đang cưu mang.

Nha su ban sua ngo tren mang xa hoi lay tien nuoi tre mo coi
Thầy Từ Minh đăng bán sữa ngô, sứa hạt sen trên zalo

Thầy Từ Minh cho biết, sẽ nuôi các bé đến lớn và cho các bé đi học hành tới nơi, tới chốn. Khi các bé được 18 tuổi, thầy sẽ hỏi ý kiến chúng, nếu ai theo nghiệp tu hành của thầy thì thầy sẽ truyền dạy cho Phật pháp, còn nếu không muốn xuất gia thì thầy sẽ giúp đỡ để trở thành người có ích cho xã hội.

Sao Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI