Phụ nữ thời nào cũng luôn thiệt thòi
Phóng viên: Bên cạnh tình yêu dành cho văn chương Nguyễn Ngọc Tư, những phụ nữ trong Tro tàn rực rỡ có sức hút gì để chị chọn đưa họ lên màn ảnh trong vai trò nhà sản xuất?
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc: Có khá nhiều yếu tố đưa tôi đến với một dự án. Tuy nhiên, điều chắc chắn không thể thiếu là sự đồng cảm, yêu thích một cái gì đó trong câu chuyện. Một “cái gì đó” rất nhỏ này sẽ giúp mình giữ được sự bền bỉ để đeo đuổi nó và khát khao hiện thực hóa bộ phim.
Phụ nữ Á Đông thường cam chịu, hy sinh và nhường hết những thứ tốt đẹp cho chồng con, đến mức chuyện đó được coi là đương nhiên. Tôi thấy vẻ đẹp của những phụ nữ như thế trong câu chuyện này. Có những thứ tình yêu nhẹ nhàng, âm ỉ, bền bỉ, không tắt. Có lẽ tại tôi chưa bao giờ dám yêu hết mình như vậy nên cũng muốn tham gia thử một cuộc chơi.
* Khi người ta đang cổ vũ bình quyền, cổ vũ phụ nữ thôi sống cam chịu và làm chủ cuộc đời, chị đã chọn đề tài về những phụ nữ dám sống cho điều họ yêu, cho người đàn ông họ yêu dù bị ghẻ lạnh, bạo hành. Dẫu biết đó là hiện thực cuộc sống nhưng có lúc nào, tình cảm ấy của họ khiến chị khó chịu?
- Tôi cho là do góc độ mình nhìn sự việc mà thôi. Với những người đàn ông chịu nhiều mất mát thương tổn, người ở lại bên họ sẽ là ai? Nếu nhìn câu chuyện từ góc này thì tình yêu của những phụ nữ kia thật dễ hiểu.
|
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc (bìa phải) tại Liên hoan phim Tokyo 2022 |
* Người vợ ba là về phụ nữ, đến Tro tàn rực rỡ lại là một kiểu phụ nữ khác. Dường như phụ nữ luôn có nhiều câu chuyện để kể hơn đàn ông dù trong văn chương, điện ảnh hay vì bẩm sinh phụ nữ đã đa đoan, yếu thế và thiệt
thòi hơn?
- Là do chúng ta đang khép gọn lại vấn đề đấy thôi, chứ phim về đàn ông, về tuổi mới lớn cũng nhiều mà. Vậy nhưng, đúng là phụ nữ thời nào cũng thiệt thòi hơn. Những phong trào đòi hỏi sự bình đẳng cho phụ nữ hay giúp phụ nữ tham gia xã hội nhiều hơn đều rất hay. Mặt khác, những phong trào đó khiến đời sống phụ nữ căng thẳng hơn bởi những kỳ vọng về vai trò của phụ nữ trong gia đình Á Đông vẫn không hề giảm xuống. Họ đáng được ngợi ca và được “nhìn thấy” chứ nhỉ?
* Nếu được kể về bản thân, chị sẽ kể về điều gì? Một phụ nữ mà tình yêu phim ảnh đã chảy trong huyết quản từ bé, một phụ nữ quá yêu công việc đến mức quên đi hạnh phúc cá nhân hay một người mạnh mẽ và điềm nhiên xem mọi thứ xảy ra với mình, với cuộc sống đều là kết quả của sự lựa chọn và bình thản chấp nhận?
- Ngày xưa, cha tôi luôn nói phải phấn đấu làm người bình thường. Tôi thấy mình không có gì đặc biệt. Tôi hay gặp may, hay được cộng tác với người giỏi, có tâm trong nghề nghiệp. Tôi luôn cần làm tốt nhất mọi chuyện trong khả năng, hoàn cảnh của mình và bình thản đón nhận mọi chuyện xảy ra.
|
Cảnh trong Tro tàn rực rỡ - bộ phim chị Trần Thị Bích Ngọc tham gia với vai trò nhà sản xuất vừa ra rạp |
Đam mê cũng chỉ là mỹ từ
* Chạy từ dự án này sang dự án khác, từ phim thương mại (tạm gọi là như vậy) đến phim độc lập mà dự án nào cũng hăng say, cũng hết lòng; làm thế nào chị giữ được sức bền và sự cân bằng như vậy, bởi ngay cả đam mê cũng thỉnh thoảng khiến người ta kiệt sức?
- Đúng đấy! Đam mê đôi khi cũng chỉ là một mỹ từ. Đối mặt với công việc khó khăn hằng ngày, ít ai có thể nghĩ rằng mình đang đi làm vì đam mê. Tôi làm việc thường kỹ càng và cẩn trọng quá nên nhiều khi mệt. Đến tuổi này, tôi quan niệm đơn giản lắm, mệt thì nghỉ ngơi, bởi mình chỉ có thể làm việc tốt và hiệu quả khi cơ thể khỏe mạnh và đầu óc minh mẫn. Nhiều khi mình cứ phức tạp hóa mọi chuyện nhưng thực ra cuộc sống cũng đơn giản, làm gì cũng nên làm hết sức, mệt thì
nghỉ thôi.
|
Cảnh trong Người bất tử - một phim thương mại chị Trần Thị Bích Ngọc làm sản xuất |
* Chẳng ngọn lửa nào có thể cháy mãi nếu chỉ cháy một mình. Đó phải chăng là lý do chị luôn “tìm đường” ra các chợ phim quốc tế, không chỉ vì có một dự án nào đó cần hỗ trợ?
- Chợ dự án chỉ là nơi kết nối. Ngoài giá trị về giải thưởng (nếu có) và “dấu mốc” (của chợ dự án) khẳng định đó là một dự án tiềm năng; giá trị lớn nhất là việc gặp nhau, cập nhật những xu thế đang xảy ra tại các nền điện ảnh ở các quốc gia. Cũng có thể cơ hội hợp tác đến ngay từ những bạn bè làm công tác sản xuất phim trong khu vực và quốc tế. Hoặc đôi khi đó cũng chỉ là cơ hội để mình uống với nhau một ly rượu, ăn một bữa ăn ngon và… trò chuyện thân tình về vài điều xung quanh. Cuộc sống mà!
* Chị nổi tiếng trong giới là nhà sản xuất “chiều” đạo diễn. Có giới hạn nào cho mức độ này không? Có phải vì từng học đạo diễn nên chị thấu hiểu và cảm thông với cộng sự?
- Tôi nhìn một dự án hay một bộ phim ở cái nhìn vĩ mô, tổng thể. Khi đi vào sản xuất thực sự, rất nhiều yếu tố trong quá trình này bị biến động, thay đổi. Quá trình này rất thú vị khi liên tục phải thích nghi. Tôi thấy trong khả năng cho phép thì nên tạo môi trường để đạo diễn có được cảm giác an tâm làm việc. Làm ra một bộ phim tốt, chất lượng là đích đến, nhưng con đường để đi đến đó cũng rất quan trọng.
* Một dự án như thế nào sẽ được chị chọn đồng hành trong vai trò sản xuất?
- Mỗi giai đoạn, tôi có sự quan tâm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, tôi rất quan tâm đến chuyện làm việc chung với ai và liệu trong hành trình 7, 8 năm của bộ phim, mình có thể làm việc, tin nhau và lắng nghe nhau hay không. Tất nhiên bên cạnh đó là kịch bản, tài năng của đạo diễn.
Tôi thấy nhiều nhẩn xuất trẻ tài năng
* Đâu là những kinh nghiệm quan trọng và hiệu quả nhất nếu một nhà sản xuất phim muốn đưa phim tìm tài trợ ở các chợ phim, khi mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn?
- Tôi không thấy có công thức nào. Việt Nam có nhiều câu chuyện hay, thú vị để kể. Mình cần chân thành với nó và chỉn chu trong cách trình bày. Mọi chi tiết đều có giá trị cho thấy tác giả quan tâm và chăm chút cho dự án của mình đến đâu. Công việc của tôi là làm ra bộ phim nhưng quy trình làm việc liên quan đến con người với nhau. Việc một quỹ điện ảnh quyết định hỗ trợ cho mình cũng một phần đến từ chính cá nhân đạo diễn, nhà sản xuất nữa. Các nhà làm phim luôn cần tận dụng mọi cơ hội để kết nối, giao lưu, giữ cho mình là một phần của cộng đồng làm phim khu vực và quốc tế.
* Đâu là dấu ấn nhận diện điện ảnh Việt so với những nền điện ảnh khác ở các liên hoan phim và chợ phim quốc tế?
- Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ, chưa thể tạo được một nhận diện. Vì không có sự thường xuyên nên chúng ta cứ phải tiếp tục cập nhật để kêu gọi sự chú ý. Song, con đường từ lúc được chú ý đến lúc ra được một bộ phim hoàn chỉnh là quá xa.
* Để làm ra một bộ phim độc lập, mất rất nhiều thời gian và nguồn lực. Chị nghĩ như thế nào khi đổi lại, khả năng đón nhận của những phim này với số đông khán giả vẫn khá ít ỏi?
- Tôi thấy khán giả bây giờ quan tâm đến nhiều thể loại phim khác nhau và đặc biệt quan tâm đến những bộ phim được làm tận tâm, chỉn chu. Bất kể nền điện ảnh nào muốn phát triển đều cần phải có được sự đa dạng. Tôi nghĩ Tro tàn rực rỡ đã góp phần làm được điều đó. Chúng ta đã thấy Ròm, Thưa mẹ con đi hay gần đây là Đêm tối rực rỡ đều là những phim độc lập được khán giả đón nhận. Rõ ràng khán giả Việt ngày càng tinh tế và kỹ tính hơn. Tôi luôn đặt nhiều sự quan tâm và lo lắng vào việc phải thế nào để làm ra một bộ phim tốt nhất, chỉn chu nhất trong quá trình sản xuất. Đó là cách mình tôn trọng khán giả.
* Chị có nhìn thấy nhà sản xuất nữ nào tại Việt Nam trẻ hơn, nhiệt huyết hơn mình?
- Có chứ! Tôi thấy nhiều bạn trẻ như Xuân Trang, Lương Hằng, Lệ Hằng… và còn nhiều nữa. Các bạn sẽ còn tiến nhanh hơn vì sự tiếp nối thế hệ và vì các bạn có điều kiện học hành bài bản hơn thế hệ chúng tôi. Chúng tôi phải tự mày mò và học từ những sai lầm rất nhiều.
* “Gặp gỡ mùa thu” đã đi một chặng đường đáng nể và có nhiều thành tựu, nhưng kế hoạch mở rộng chương trình này thay vì chỉ là một chương trình nho nhỏ đến nay vẫn chưa thể hiện thực hóa. Vì sao lại như vậy?
- Việc các tổ chức hay hoạt động văn hóa của nước ngoài vận hành lâu dài đều phải có sự hỗ trợ một phần tài chính từ chính phủ hay những cam kết lâu dài của các doanh nghiệp, doanh nhân có tinh thần dân tộc. Cách vận hành như của chúng tôi thì chưa thể đi xa được, khi năm nào cũng lặp lại quy trình đi xin tài trợ; nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ. Có lẽ chính chúng tôi cũng phải nhìn lại mô hình của mình và tìm cách thay đổi thì mới hy vọng đi tiếp quãng đường dài phía trước.
* Cuộc sống của chị thế nào nếu không có phim ảnh?
- Nhiều khi tôi cũng tự hỏi mình có thể làm được gì khác nếu không làm phim nhưng có lẽ đó là nghiệp rồi nên câu hỏi cũng là thừa. Thời gian dịch bệnh vừa qua, tôi trở lại trường học trong một môi trường rất khác, được học hành với các bạn bè từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Những điều đó cho tôi cảm hứng tò mò về nhiều thứ: năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp sạch… Gần đây, tôi đọc nhiều về dòng Mê Kông, biến đổi khí hậu và tác động của con người đang gây ra cho mảnh đất này. Một phần cũng bắt nguồn từ những ngày đi làm Tro tàn rực rỡ khiến tôi quan tâm nghiên cứu về thực trạng vùng đất này nhiều hơn.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc là con gái của nhà quay phim kỳ cựu - NSƯT Trần Trung Nhàn. Tên tuổi NSƯT Trần Trung Nhàn gắn liền với những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu như Tội lỗi cuối cùng, Đứa con nuôi, Đêm hội Long Trì, Tướng về hưu, Hồi ức tình yêu, Sông Hồng reo… Tình yêu và đam mê làm phim của chị Ngọc được kế thừa từ cha. Trong ký ức của chị vẫn vẹn nguyên những ngày chị theo chân cha đến khắp các đoàn phim, nhìn cách làm việc, vận hành của các bộ phận khác nhau trong đoàn. Dù chỉ là người quan sát nhưng phim ảnh dần trở thành hơi thở của chị, khiến chị yêu thích công việc này. Lớn lên, chị theo học Khoa Đạo diễn của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Việc vào trường điện ảnh là điều rất tự nhiên dù thời điểm đó chị đậu vài trường khác. Một lần thay thế chị gái làm phiên dịch cho một đoàn phim nước ngoài quay tại Việt Nam, chị Ngọc nhận ra sản xuất mới là công việc chị yêu thích và muốn theo đuổi. Chị tâm sự: “Ra trường, tôi cũng nghĩ mình sẽ thành đạo diễn, nhưng đi làm vài phim rồi mới ý thức rõ đạo diễn là nghề không dành cho mình. Nếu mình vẫn yêu điện ảnh, vẫn muốn tham gia tác phẩm và muốn nhìn cái máy quay vì nó làm mình sung sướng khủng khiếp thì phải làm sao đây? Tôi đi làm sản xuất vậy”. Thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và là nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam, chị Ngọc đã trở thành “bà đỡ” cho rất nhiều dự án phim độc lập Việt Nam ra các chợ phim quốc tế. Nhiều phim trong số đó là của Bùi Thạc Chuyên (Tro tàn rực rỡ) hay Phan Đăng Di (Cha và con và…) - bạn đồng khóa với chị ngày nào. Không chỉ có phim nghệ thuật, chị còn là nhà sản xuất cho “kha khá” phim thương mại, có thể kể đến: Mỹ nhân kế, Quả tim máu, Người bất tử… Chị còn là đồng sáng lập chương trình “Gặp gỡ mùa thu” - sự kiện điện ảnh phi lợi nhuận thường niên với các lớp học dành cho đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng, đồng thời trao cơ hội đầu tư cho nhiều dự án điện ảnh thương mại và nghệ thuật triển vọng. |
Thư Hiên (thực hiện) Ảnh: Nhân vật cung cấp