Nhà sản xuất có nguy cơ thất nghiệp khi 'đụng' phim nhượng quyền

23/08/2019 - 19:00

PNO - Việc quy tụ các thương hiệu nhượng quyền vào tay một hãng phim sẽ xóa bỏ sự đa dạng vốn có của Hollywood, bởi những ý tưởng khác biệt, những ý kiến bất đồng sẽ bị đè bẹp.

Các bộ phim phần tiếp theo, tiền truyện, hậu truyện đã và đang mang về cho các hãng phim ở Hollywood hàng tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, các phần phim độc lập (tức là phim không có khả năng làm phần tiếp theo) ngày càng thưa thớt vì khả năng thu hồi vốn phập phù.

Xu hướng này ngày càng lấn lướt khi các hãng phim thực hiện việc thu hẹp sản lượng phim trung bình hằng năm. Năm 2007, Paramount phát hành 25 bộ phim thì hiện tại chỉ còn 9 phim/năm. “Ông lớn” Disney cũng không là ngoại lệ. Năm 2003, ở thời kỳ đỉnh cao, trung bình Disney có 24 phần phim đầu tiên nhưng hiện tại, con số này là 7. Sony Pictures cũng đã cắt giảm, từ 29 phim trong năm 2003 xuống còn 8 phim trong năm 2019. Universal là ngoại lệ duy nhất khi vẫn giữ nguyên số lượng phim so với năm 2003.

Điều này đồng nghĩa, rất nhiều nhà sản xuất dù giỏi nhưng không hợp thời vẫn bị đào thải, còn các nhà sản xuất mới càng thêm chật vật để tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực này.

Nha san xuat co nguy co that nghiep khi 'dung' phim nhuong quyen
Nhiều nhà làm phim Hollywood hoảng loạn trước nhượng quyền thương mại

Matt Kline - một luật sư của Công ty O'Melveny & Myers - cho biết: “Công việc kinh doanh đã thay đổi trong 10 năm qua với rất nhiều yếu tố góp phần như chi phí, cách tiếp cận, quản lý và một số thỏa thuận mới. Rõ ràng, nếu bạn chỉ tập trung vào các dự án chủ đạo các hãng phim lớn từng làm thì giao dịch đương nhiên sẽ ít hơn”. Một số nhà làm phim cho rằng, việc quy tụ các thương hiệu nhượng quyền vào tay một hãng phim sẽ xóa bỏ sự đa dạng vốn có của Hollywood, bởi những ý tưởng khác biệt, những ý kiến bất đồng sẽ bị đè bẹp.

“Mọi nhà sản xuất độc lập hiện đang phải đối mặt với cùng một trận chiến. Vấn đề không nằm ở việc đầu tư kinh phí cho các kịch bản phim hấp dẫn mà là các bộ phim sẽ được phân phối như thế nào, ai quan tâm đến việc trả tiền để tiếp thị phim. Cho dù bạn làm ra một bộ phim hay đi chăng nữa thì bạn vẫn có nguy cơ bị bỏ rơi vì thiếu sự quan tâm của các nhà phát hành” - nhà sản xuất Matthew Baer nói.

Số khác thì lạc quan tin rằng, ba hãng phim lớn nhất - Disney, Warner Bros. và Universal - đang tạo thành thế chân vạc để bảo vệ tính độc đáo các bộ phim Hollywood. Cách thức của cả ba là đầu tư vào các dịch vụ phát hành phim trực tuyến, từ đó thúc đẩy nhu cầu đổi mới nội dung. Điều này đồng nghĩa họ sẽ cần thêm nhiều nhà sản xuất cho các dự án phim. Gần đây, Universal đã mời Phil Lord và Chris Miller - hai nhà sản xuất bộ phim Spider-Man - vào đội ngũ sản xuất của hãng.

“Chúng tôi đang trong thời điểm chuyển đổi. Các hãng phim truyền thống đang bước vào nền tảng trực tuyến và họ sẽ phải đẩy mạnh phát triển nội dung để cạnh tranh. Vì thế, họ sẽ cần các nhà sản xuất để lên ý tưởng và giám sát sản xuất” - Chris Bender, nhà sản xuất có hợp đồng trực tuyến đầu tiên tại New Line, cho biết.

Trên thực tế, Bender tin rằng, một trong những công việc khó khăn nhất đối với nghề nghiệp của anh là biết nên tập trung vào lĩnh vực nào. Anh đặt câu hỏi: “Trong khi chờ các hãng phim lớn tìm ra chiến lược phát trực tuyến, tôi nên dành sự tập trung vào Netflix, HBO Max hay Quibi? Cơ hội sẽ đến theo cách mà bạn không ngờ, do đó bạn phải luôn chuẩn bị tâm thế. Tôi cảm thấy rất phấn khích và chờ đợi sự thay đổi này”.

Minh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI