Nhà quê mùa cũ

22/12/2020 - 15:56

PNO - Quê giờ còn đó, nhưng những bóng hình xưa đã mất theo vườn xoài quê ngoại. Nhiều năm tháng theo nhau đi qua...

Vườn của ngoại hồi xưa trồng nhiều xoài lắm. Xoài cát ngọt mịn như từng hạt đường chao trong vòm miệng. Mùa mưa, xoài trổ bông trắng xóa. Trưa hè, tước miếng lá chuối bản rộng, ngồi dưới gốc xoài nhìn mấy con chim nhỏ chuyền cành, gió sông thổi mát rượi. 

Vườn không có rào nên ngoại trồng chanh xen quýt làm bờ giậu. Hàng rào chanh quýt coi vậy mà lợi hại vô cùng, gai đâm tua tủa đố ai làm gan mà băng qua nổi. Hoa chanh lại nở giữa vườn chanh, rồi chanh lúc lỉu đầy cành, rụng tràn mặt đất, ai mà thèm hái, chỉ có thỉnh thoảng chạy ra bứt ít lá chanh thả vô nồi luộc ốc, bẻ thêm ít gai quýt để lể ốc cho thơm.

Mà ốc vườn thiệt là ngon, con nào con nấy mập úc núc, chỉ cần xách cái rổ ra lội mương khua khoắng một hồi là có cả nồi ốc béo, pha chén nước mắm tỏi ớt cay cay, chua chua, ngọt ngọt, thơm nồng vị tỏi (mấy đứa nhỏ ăn tham còn bưng cả chén nước mắm mà húp xì xụp). Với chén nước mắm pha khéo vậy, thì ngồi lể ốc chấm mút cả buổi trời cũng chưa thấy đã thèm. 

Quê giờ còn đó, nhưng những bóng hình xưa đã mất theo vườn xoài quê ngoại. Nhiều năm tháng theo nhau đi qua, xoài cỗi đi, lớp người già đã khuất bóng, lớp nhỏ lớn lên, một số tiến về thành thị, bỏ mặc mảnh vườn với bao công sức người đi trước vun bồi trên miếng đất ông bà để lại. Từng gốc xoài, cây ổi xá lỵ giờ bỏ đó cho lũ kiến vàng ngơ ngác bò quanh. 

Con đường về quê ngày xưa chỉ có đò dọc - Ảnh minh họa
Con đường về quê ngày xưa chỉ có đò dọc - Ảnh minh họa

Cái thuở ấu thơ của tôi, đường về quê ngoại chỉ có phương tiện duy nhất là đò dọc. Chuyến đò đi theo dòng sông quê từ cầu Cai Lậy, tới tận cửa Ba Rày, rồi tuốt ra sông Cái. Tôi chỉ mơ hồ nghe vậy mà hình dung ra sông Cái chắc là to lắm, đứng bên bờ này mịt mờ không thấy bờ kia. Chắc là có sóng vỗ ì oạp, chắc là con đò sẽ còn như chiếc lá trên sông…

Mỗi bến đều có cái cầu bắc ra sông để tắm gội, xách nước sông vào nhà lóng phèn rồi dùng. Dọc cả dòng sông thơ ấu, tôi chưa từng thấy chỗ nào có cái cầu bắc ra bến sông như cái cầu của ông ngoại. Cầu của ngoại bắc bằng thân cây so đũa, ngoại lót thêm lên một tấm gỗ dài, bề ngang chừng hai tấc làm mặt cầu, kỹ lưỡng thì đóng thêm mấy thanh nẹp ngang trên mặt để chống trượt. Cầu bắc từ trong bờ, de ra sông chừng đâu non hai thước, và đặc biệt nhất là cầu của ngoại có thêm cái băng gỗ dọc theo thân cầu, vừa làm tay vịn, vừa làm ghế băng ngồi hóng mát ngay trên sông. Ông ngoại “thiết kế và thi công” cái cầu đó là dành cho bà ngoại tôi ngồi ngắm sông, đọc truyện Quỳnh Dao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngồi trên cầu de ra khỏi bờ sông như ngồi thủy tạ, có cả thanh ngang để dựa lưng, dưới chân cầu là nước chảy miên man theo bờ cỏ, vài cụm lục bình trôi theo con nước, điểm hoa tim tím ngọt ngào thiệt là lãng mạn vô kể!

Ngày hai buổi con nước lớn ròng, tán lá dừa xập xòe xào xạc, che mát rượi ven bờ. Trải chiếu dưới tán dừa, kê cái gối, nằm ôm cuốn Nhạc Phi diễn nghĩa, dõi theo tích truyện tận xứ xa thẳm bên Tàu là một trong những thú vui khoan khoái nhất của cô nhỏ hồi xưa. Lâu lâu ngồi dậy ngó con đò chạy ngang, hay canh chờ nước lớn rồi chạy vô rủ đám anh em họ ôm cây chuối nhảy ùm xuống sông mà tắm mát buổi trưa quê. 

Kỳ Nam 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI