Các con hẻm vốn nhỏ hẹp nhưng ngày càng bị xà xẻo bởi tình trạng xây cất lấn chiếm. Thậm chí, có căn nhà “mọc” lên trên nền đất hẻm khiến người dân bức xúc, lo sợ. Nhất là khi xảy ra hiểm họa cháy nổ, không có đường thoát thân hoặc xe chữa cháy cũng không có chỗ… nhích.
Người dân ở tổ 99, hẻm 266 Lê Trọng Tấn (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đang hết sức bất bình vì nhà số 266/13 xây dựng lấn lộ giới, khiến đầu hẻm bị “teo tóp”. Ngay từ khi nhà này còn đang xây dựng, bà con đã lên tiếng phản ánh, nhưng đến nay, công trình đã vào giai đoạn hoàn thiện vẫn không thấy chính quyền địa phương can thiệp.
Thách thức người dân
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, đại diện người dân tổ 99, giấy phép xây dựng Q.Tân Phú cấp cho nhà 266/13 ghi rõ “lộ giới 5m”, tức từ tim đường vào đến ranh lộ giới hai bên là 2,5m; nhưng hiện khoảng cách từ giữa hẻm đến bức tường kiên cố của nhà 266/13 chỉ còn 1,4m.
“Chỉ số lộ giới của một căn nhà không có vỉa hè như thế là sai. Đã vậy, chúng tôi còn phát hiện nhiều chi tiết của căn nhà thi công sai so với giấy phép xây dựng như các lỗ thông tầng tại các tầng 1, 2, 3, trổ các cửa lớn và cửa sổ… Khi phát hiện sai phạm, chúng tôi đã báo với phường, rồi gọi cho đường dây nóng của Bí thư Đinh La Thăng, phản ánh tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhưng vẫn chưa thấy giải quyết”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết thêm, khi người dân lên tiếng, con rể của chủ nhà tên Trí đã ngang nhiên thách thức “muốn gì cứ làm đơn lên phường, tôi đi tiếp cho”. “Chúng tôi nghe nói ông Trí là cán bộ của phường hay quận gì đó”, ông Thanh bức xúc.
|
Công trình lấy đất hẻm làm nhà của bố mẹ chủ tịch phường (khoanh tròn) - Ảnh: Nam Anh |
Trả lời phản ánh của người dân, UBND P.Tây Thạnh cho rằng, công trình trên không vi phạm lộ giới (?) và vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của Thanh tra Sở Xây dựng (?). UBND phường đã có văn bản gửi thanh tra sở đề nghị kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, UBND phường lại đề ra phương hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ xử lý của thanh tra sở đối với “công trình sai phép” này (?). Khi chúng tôi xác minh việc ông Trí có phải là cán bộ của phường hay không, lãnh đạo P.Tây Thạnh cho rằng “nội dung này không nằm trong đơn khiếu nại của dân”, nên từ chối trả lời.
Hẻm thành nhà của bố mẹ... chủ tịch phường
Ai đến cư xá Phan Đăng Lưu, P.3, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cũng ngỡ ngàng với tấm băng rôn đỏ kêu cứu treo dài từ tầng 3 xuống đất tại căn nhà số 9B Phan Đăng Lưu của bà Đỗ Thụ y Xuân Cúc. Theo bà Cúc, vào lúc khó khăn, ông Hà Thanh (ngụ nhà 2E gần đó) có xin che chắn tạm khoảnh đất công, thuộc con hẻm chung phía sau nhà bà làm quán bán hàng. Theo thời gian, gia đình đã khá giả lên, căn nhà 2E của ông Thanh đã được xây đến ba-bốn tấm.
Con gái ông Thanh hiện đang là Chủ tịch UBND P.19, Q.Bình Thạnh. Lúc này, thay vì trả lại đất hẻm cho bà con, ông Thanh lại “nâng cấp” cái quán che tạm năm xưa thành một “công trình không phép” với kết cấu thép, lợp tôn. Căn nhà “bất thình lình” này đương nhiên là lấn hẻm, lại choán gần hết mặt tiền phía sau và cửa ra vào nhà bà Cúc. Bà Cúc đã gửi đơn khiếu nại, UBND P.3 lập biên bản đình chỉ thi công nhưng không buộc tháo dỡ nên công trình vẫn trơ trơ như thách thức người dân.
Thực tế, trong nhiều văn bản của UBND P.3 và UBND Q.Bình Thạnh cũng xác nhận ông Thanh “tự dựng lều”, “chiếm hẻm công”, “công trình xây dựng trên đất là đường đi của khu trại gia binh cũ”… nhưng trong lúc vụ việc đang bị tố cáo, ông Thanh vẫn ung dung đo vẽ, làm hồ sơ xin hợp thức hóa cái chòi. UBND P.3 nhận hồ sơ, còn ra thông báo “UBND phường có nhận hồ sơ xin hợp thức hóa phần đất” nói trên. Thông báo này vừa được niêm yết, lập tức cả tổ dân phố phản đối.
UBND P.3 xác nhận, từ năm 1986 đến 2014 (thời điểm xây chòi thành nhà), ông Thanh không đăng ký chủ quyền mảnh đất này, khi “sửa” quán, ông Thanh có làm đơn xin phép, cho thấy đây là hành vi chiếm dụng đất công, phường đã tham mưu cho UBND quận giải quyết. Tuy nhiên, quán ông Thanh đã tồn tại 30 năm nên hiện bị vướng (?), trước mắt phường đã đình chỉ thi công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hồng Thắng - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết, vụ việc đang được UBND TP.HCM thụ lý giải quyết. Trước đó, ông có thông báo số 209/TB-UBND, khẳng định quán của ông Thanh là công trình xây dựng không số, có nguồn gốc nằm trên đất là đường đi của khu gia binh chế độ cũ (nay là cư xá Phan Đăng Lưu, P.3).
Vì vậy, nội dung bà Cúc tố cáo ông Thanh có hành vi chiếm hẻm công cộng để xây dựng công trình không số là đúng. Mới đây, UBND TP.HCM đã nhận đơn tố cáo của bà Cúc và có văn bản chỉ đạo Thanh tra TP xem xét, tham mưu giải quyết.
Sợ không may xảy ra hỏa hoạn
Bà Cúc khẳng định, sẽ đấu tranh đến cùng buộc ông Thanh phải tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm hẻm, để ông Thanh phải bị xử lý về hành vi vi phạm Luật Đất đai, “tự dựng lều quán” chiếm hẻm công cộng… theo quy định pháp luật. “Phải trả lại cho tôi và các hộ dân trong hẻm lối đi chung thông thoáng, đảm bảo việc phòng cháy chữa cháy. Nếu không may xảy ra chuyện, xe cứu hỏa đến đây chắc chắn là không vào được”, bà Cúc chia sẻ.
Bà Cúc cũng đề nghị, chính quyền phải dừng ngay việ c xem xét “đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” đối với công trình lấy đất hẻm làm nhà của ông Thanh.
Tương tự nỗi lo của bà Cúc, trước cách giải quyết “nhẩn nha” của UBND P.Tây Thạnh, người dân tổ 99 cũng nơm nớp lo công trình lấn hẻm sẽ ngang nhiên được tồn tại, gây cản trở lưu thông và ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy cho cư dân hẻm 266 Lê Trọng Tấn.
Nam Anh