Nhà quản lý nên làm gì khi nhân viên thiếu chủ động?

15/01/2020 - 08:00

PNO - Nếu nhân viên lúc nào cũng phục tùng, nghe lời răm rắp trong công việc có thực sự là điều bạn mong muốn? Sự phục tùng “hoàn hảo” đó thường đi kèm với hiếm khi có ý kiến, đề xuất mới trong công việc, thiếu chủ động. Điều đó cũng chính là tác nhân làm suy yếu tính sáng tạo, giảm hiệu suất công việc… đồng thời tạo nên một tập thể ù lì, trì trệ. Đối mặt với vấn đề này, nhà quản lý nên làm gì? Hãy cùng tham khảo một số gợi ý sau đây nhé.

Nhìn nhận lại bản thân

Để phán xét một ai đó thì trước hết hãy tự nhìn lại và tự hỏi liệu nguyên nhân có đang xuất phát từ bản thân mình hay không. Cụ thể như “Mình có đang là người sếp quá cầu toàn, tỉ mỉ đến độ không tạo cơ hội cho nhân viên chủ động đưa ra ý kiến?”, “Mình luôn sợ cấp dưới làm sai, không đúng ý nên nhiều khi tự đứng ra làm thay việc cho họ?”, “Mình có phải là người lãnh đạo “độc tài” và quá tự cao về năng lực khi muốn một mình làm hết mọi chuyện vì không tin vào giá trị của tập thể?”. Việc trả lời xác đáng các câu hỏi trên để tìm ra nguyên nhân liệu nhân viên thiếu chủ động có xuất phát từ bạn hay không là điều không dễ dàng. Bạn cũng có thể tìm một cố vấn, hay một nhân viên thân tín - người hiểu bạn, người có thể cho bạn những lời khuyên khách quan để hỗ trợ bạn có được những câu trả lời tốt nhất.

Không ngừng học hỏi và áp dụng vào công việc quản lý

Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink chia sẻ, để là một quản lý tốt phải học hỏi rất nhiều thứ. Bởi để “dưới một người, trên vạn người” chưa bao giờ là điều dễ dàng, phải luôn sẵn sàng trong tâm thế đối đầu với nhiều tính cách nhân viên khác nhau, đặc biệt là những nhân viên thụ động. Vì vậy, điều quan trọng ở đây chính là hãy học cách truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên.

Bạn có thể thực hiện 7 điều sau mỗi ngày “ghi nhận - thúc đẩy - giao tiếp - tin tưởng - phát triển - dẫn dắt - đồng hành”. Đặc biệt, hãy học cách lắng nghe, chia sẻ, biết cách tạo động lực bằng cách khen ngợi khi nhân viên làm việc tốt. Nhiều khi bạn cũng cần “lùi lại phía sau” để thử đặt niềm tin vào họ cùng với suy nghĩ chấp nhận có làm thì có sai. Khéo léo thể hiện điều bạn muốn họ thay đổi, khiến nhân viên cảm thấy họ là một phần đặc biệt và những nỗ lực của họ luôn được đánh giá cao.

Tạo ra một môi trường làm việc chủ động, tích cực, sáng tạo

Môi trường làm việc chủ động chính là tạo cơ hội để nhân viên đưa ra ý kiến, lập kế hoạch, háo hức được phê duyệt, chủ động thực hiện và tự mình kiểm soát vấn đề phát sinh… Điều này chính là cách bạn giao quyền tự chủ cho nhân viên. Hãy luôn nhấn mạnh mục tiêu, còn việc thực hiện cụ thể và giải quyết như thế nào thì cứ để nhân viên tư duy. Để cho họ chủ động trong mọi việc chính là cách để đề cao giá trị và vai trò của họ. Trao cho họ quyền chủ động từ mọi vấn đề dù nhỏ nhất, đề xuất công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình, không chờ cấp trên giao việc; chủ động tìm kiếm giải pháp để hoàn thành công việc; chủ động tìm kiếm và phát hiện các vấn đề, rủi ro có thể xảy ra; chủ động đánh giá kết quả hoàn thành công việc; chủ động nhìn nhận trách nhiệm và sửa sai khi mắc lỗi… Song, điều đó không có nghĩa là bạn không cần đề ra deadline cho công việc cũng như giám sát họ. Hãy đứng ở vai trò là một quản lý chia sẻ và đồng hành cùng họ, nếu được thì hãy là một cố vấn nhiệt tình khi cần thiết.

Bạn cũng cần đề ra mức thưởng - phạt cụ thể, rõ ràng để nâng cao sự cố gắng, cũng như tinh thần cạnh tranh lành mạnh trong tập thể. Trong môi trường cạnh tranh đó, biết đâu bạn phát hiện được dù một nhân viên bị đánh giá là thụ động lại có năng lực tiềm ẩn đáng quý. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả của tập thể mà còn góp phần giúp bạn củng cố vị trí người quản lý tài ba trong mắt nhân viên.

Sở hữu một nguồn nhân lực chủ động trong mọi tình huống luôn là điều kỳ vọng của bất kỳ người quản lý nào. Điều này không hề dễ dàng nhưng không có nghĩa không làm được. Trong một tổ chức vẫn luôn tồn tại những cá nhân thụ động mà nguyên nhân có thể xuất phát từ bạn, hoặc từ phía nhân viên. Chỉ cần xác định được lí do, bạn có thể thay đổi để khơi gợi sự năng động, sáng tạo từ phía nhân viên.

                                                      Mai Hương

 

 

Được tài trợ bởi CareerLink

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI