Nhà ống dễ cháy khó thoát, làm sao để sống an toàn?

31/03/2021 - 08:55

PNO - Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an TPHCM, trên 50% vụ cháy, nổ tại TPHCM xảy ra ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại 83% về người và tài sản trong tổng số vụ.

Nhiều người tử vong do cháy nhà phố

Rạng sáng 30/3, một vụ cháy đã xảy ra tại nhà số 899 Nguyễn Thị Định, khu phố 3, phương Cát Lái, TP. Thủ Đức, TPHCM khiến sáu người trong một gia đình thiệt mạng và một người bị thương, năm chiếc xe máy và nhiều vật dụng khác bị thiêu rụi. Người duy nhất còn sống sót là ông L.C.T., 54 tuổi, hiện đang được điều trị tại bệnh viện.

Theo quan sát của chúng tôi, căn nhà bị cháy được xây theo kiểu nhà ống, bốn bức tường xi măng, mái nhà được lợp tôn rất kín. Đây là lý do khiến các nạn nhân không thể thoát ra ngoài.

Những vụ cháy nhà phố thường gây thiệt hại lớn về người do không có lối thoát. Ảnh: Sơn Vinh
Những vụ cháy nhà phố thường gây thiệt hại lớn về người do không có lối thoát - Ảnh: Sơn Vinh

“Do vụ cháy xảy ra trong đêm khuya và người dân phát hiện muộn nên khi lực lượng chữa cháy có mặt, lửa đã bùng lớn. Cảnh sát chữa cháy đã phá tường nhà để cứu nạn nhân nhưng chỉ đưa được một người vào bệnh viện cấp cứu, số còn lại đã tử vong trước đó” - nguồn tin từ Công an TPHCM cho hay. 

Đây là vụ cháy thứ hai gây thiệt hại lớn về người tại TPHCM trong vòng chưa đầy một tuần. Trước đó, ngày 25/3, vụ cháy lúc rạng sáng tại căn nhà trong hẻm 150 Cao Lỗ, phường 4, quận 8 đã khiến ba người trong gia đình anh L.N.H.H. tử vong, gồm vợ chồng anh H. và con gái.

Hiện TPHCM đang mùa khô, được xem là “mùa cháy” do nắng nóng cao độ. Trong tháng Hai vừa qua, cả nước xảy ra 205 vụ cháy công trình và 15 vụ cháy rừng khiến 11 người thiệt mạng, 14 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 25,47 tỷ đồng và 11,26ha rừng. Đáng chú ý, số vụ cháy ở khu vực thành thị chiếm tới 62,8% tổng số vụ, tập trung ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong 63 vụ cháy đã được điều tra nguyên nhân, có 44 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện và sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt. Số vụ cháy đang điều tra nguyên nhân chiếm 69,3% (142/205 vụ) cho thấy việc điều tra nguyên nhân cháy rất khó khăn. 

Theo thống kê của PC07 Công an TPHCM, trên 50% vụ cháy, nổ tại TPHCM xảy ra ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại 83% về người và tài sản.

Một cán bộ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Công an quận 5, TPHCM cho biết, các vụ cháy vào rạng sáng thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản là do lúc đó, người dân đang ngủ say, không phát hiện cháy kịp thời. Thêm vào đó, người dân thường khóa chặt cửa khi ngủ nên các lối thoát hiểm bị bịt kín, không thể thoát ra ngoài.

Để giảm thiệt hại khi cháy nhà phố

Theo PC07 Công an TPHCM, trong mùa khô, thời tiết oi bức, nắng nóng, nhu cầu sử dụng thiết bị điện gia tăng nên dễ quá tải, chập mạch, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ. Trong những ngày hè, nhiệt độ ở miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng thường ở mức cao, dao động trong khoảng 350C. Nhiệt độ cao là yếu tố khiến đám cháy bùng mạnh, lan nhanh.

Hiện trường vụ cháy ở P.Cát Lái, TP.Thủ Đức khiến sáu người trong một gia đình tử vong
Hiện trường vụ cháy ở phường Cát Lái, TP. Thủ Đức khiến sáu người trong một gia đình tử vong

Theo lực lượng chức năng, một điều đáng lo ngại là hệ thống dây tải điện ở một số khu vực, nhất là các khu vực đông dân cư, các chung cư lâu đời, khu tập thể, chợ… được thiết kế chồng chéo và xuống cấp. Bên cạnh yếu tố lịch sử hoặc do xây dựng, ý thức an toàn PCCC trong sử dụng điện của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. 

“Khi đi kiểm tra, PC07 phát hiện không ít trường hợp câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị điện đã sử dụng lâu năm, tự ý cơi nới, lắp thêm các thiết bị điện mà không nâng cấp dây dẫn điện. Đây là những nguyên nhân dẫn đến các sự cố hệ thống điện, thiết bị điện, làm tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ” - PC07 thông tin.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho biết, cháy lớn, cháy nhỏ ở nhà phố đều có thể gây thiệt hại rất lớn về người. Nhiều khu nhà phố không có hệ thống báo cháy và đội ngũ kỹ thuật. Kết cấu của nhà phố thường có ba mặt giáp nhà hàng xóm, chỉ có lối thoát duy nhất là mặt trước. Trong khi đó, cửa sổ mặt trước thường bị che chắn bởi pano, bảng hiệu, khung sắt chắn nên khó thoát theo lối này khi có cháy. 

“Cửa sổ bị bịt kín, còn cửa chắn bên dưới thường được khóa bằng hai ổ khóa trở lên để ngừa trộm nhưng chìa khóa thì bữa chồng giữ, bữa vợ giữ, bữa con giữ nên khi cháy thì không biết tìm đâu” - ông Đực nói về nguyên nhân chết nhiều khi cháy ở nhà phố.

Theo ông Đực, để giảm thiểu thiệt hại do cháy nhà phố, người dân cần thay đổi thói quen. Đối với cửa, chỉ cần móc khóa bên trong thay vì bấm khóa; khi có cháy, ta chỉ cần mở là thoát ra ngoài, không cần đi tìm chìa khóa. Ngoài ra, người sống ở nhà phố cũng nên trang bị kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy. Trong nhà nên thủ sẵn đèn pin để thoát hiểm vì khi cháy, nhà thường bị mất điện.

“Quan trọng nhất là phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà, xem hệ thống dây điện móc nối trong nhà an toàn chưa, có hư hỏng không, dây điện có quá tải không. Nếu thấy hư hỏng, cần sửa chữa, thay mới ngay, không được chủ quan” - ông Đực khuyên.

PC07 cũng khuyến cáo, đối với cửa có nhiều khóa, người dân nên sử dụng các loại khóa có kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt và quy định nơi để chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Đối với các cửa phía trong nhà, nên sử dụng loại chốt gạt, không nên dùng khóa. Người dân không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng; nếu đã lắp thì phải có chốt trong và không được khóa. Các hộ nên chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi nhà bị cháy. 

Cách báo cháy nhanh và hiệu quả trên điện thoại thông minh

PC07 cho biết, ngoài cách báo cháy thông thường (gọi đến số 114), người dân có thể tải ứng dụng Help 114 từ App Store trên điện thoại iPhone và CH Play trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. Khi phát hiện sự cố cháy, nổ, người dân bấm vào nút 114 thì vị trí của người bấm sẽ hiển thị trên bản đồ, lực lượng PCCC sẽ xác định được nơi cháy, các trụ nước, đơn vị cấp cứu, công an trong bán kính 5km, 10km, 30km. 

4 biện pháp giảm nguy cơ cháy nổ do sự cố điện

Để đảm bảo an toàn PCCC và giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do sự cố điện trong mùa nắng nóng, PC07 đề nghị người dân lưu ý:

1. Hệ thống điện cần được thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng; phải lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn.

2. Không cắm nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm. Tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà.

3. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon; không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát các trần, vách, các vật liệu dễ cháy.

4. Không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện qua đêm.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI