Bà Ngô Thị Bích Hiền (Phó Tổng giám đốc Công ty BHD - đơn vị sản xuất, phát hành phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác):
Sự tham gia của Nhà nước mang một ý nghĩa quan trọng
Phóng viên: Xin chị cho biết phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác nhận được sự hỗ trợ thế nào của Nhà nước?
Bà Ngô Thị Bích Hiền: Khi chúng tôi giới thiệu với Cục Điện ảnh, dự án đã nhận được sự quan tâm, vì đây là phim hiếm hoi dành cho trẻ em, gia đình. Qua thẩm định, cục thấy đây là dự án tốt, sẽ được nhiều khán giả ủng hộ nên chọn đầu tư. Cụ thể tỷ lệ phần trăm kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho phim bao nhiêu chúng tôi không thể tiết lộ, vì liên quan đến điều khoản hợp đồng, nhưng có thể khẳng định Nhà nước đầu tư lớn.
* BHD có thể làm phim này một mình, nhưng vì sao lại muốn có Nhà nước tham gia?
- Sự tham gia của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng. Thực tế cho thấy như ở Hàn Quốc, khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, nền điện ảnh của họ nhanh chóng tiến xa. Nên những người làm phim như chúng tôi mong Nhà nước cũng sẽ có ưu đãi cho các ngành văn hóa, cho điện ảnh, như ưu đãi với nông nghiệp. Một khi ngành nào được Nhà nước chung tay, thì sẽ phát triển rất nhanh. Nếu có sự chung tay này, các nhà làm phim chúng tôi sẽ tự tin hơn khi có những dự án lớn, những ý tưởng lớn muốn thực hiện. Đó là cách cùng nhau xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam tốt hơn.
* Tiến độ làm phim với Nhà nước có bị chậm so với tư nhân tự làm vì chuyện thủ tục xét duyệt không thưa chị?
- Từ khi gửi kịch bản Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, trình bày dự án cho đến lúc lên chi phí thực hiện và đi vào sản xuất mất khoảng một năm. Thời gian này không lâu, vì thông thường các dự án phim cũng phải mất hai năm mới hoàn tất ra rạp. Thủ tục xét duyệt theo tôi nhận thấy dễ dàng, vì những người ở Cục Điện ảnh đã hiểu, chịu khó lắng nghe các nhà làm phim hơn. Điển hình như trong việc góp ý Luật Điện ảnh sửa đổi, cục đã tích cực gặp gỡ nhiều để lắng nghe hết các ý kiến của người làm phim.
* Vậy có chăng áp lực hơn khi làm phim hùn vốn với Nhà nước?
- Không phải áp lực từ phía Nhà nước, mà là áp lực thị trường. Trước đây, chúng tôi có thể dự đoán được doanh thu phim, nhưng giờ thì không. Làm phim thể loại nào, đề tài nào cũng có áp lực, dù cho phim được làm tốt.
* Sau Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, BHD có còn tiếp tục bắt tay với Nhà nước làm phim?
- Hai bên sẽ đồng hành trong một dự án lớn làm về một nhân vật lịch sử. Bộ phim dự tính sẽ phát hành vào dịp lễ 30/4/2025 nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thông tin chi tiết về dự án tạm thời xin được giữ kín cho đến một, hai tuần nữa.
Hương Nhu (thực hiện)
Đạo diễn Mai Thế Hiệp và dự án phim Thạch Thảo (2018) do Nhà nước đầu tư:
Đâu có ai làm phim mà không cần khán giả?
Phóng viên: Phim Thạch Thảo từng được Nhà nước đầu tư, kết hợp cùng tư nhân thực hiện với số vốn 15 tỷ đồng, cụ thể tỷ lệ như thế nào và quá trình làm phim có khó khăn gì không thưa anh?
Đạo diễn Mai Thế Hiệp: Phim Thạch Thảo được Nhà nước đầu tư 70% và 30% còn lại do các đơn vị tư nhân bỏ vốn. Hành trình phim không có gì trở ngại, thậm chí rất thuận lợi. Thời điểm đó, tôi được giới thiệu về việc Nhà nước đang tìm kịch bản để đầu tư, tôi có sẵn kịch bản Thạch Thảo và gửi đi. Sau khi được duyệt kịch bản, mọi công việc thuận lợi cho đến ngày bản phim hoàn thiện, gửi Cục Điện ảnh duyệt và đưa phim ra rạp.
* Thạch Thảo có hành trình suôn sẻ khi thực hiện, nhưng thời điểm ra rạp chưa được khán giả đón nhận, anh cho rằng lý do nằm ở đâu?
- Hiện các nhà làm phim khá khó đoán biết được ý thích của khán giả Việt, đặc biệt khi họ có nhiều lựa chọn nghe - nhìn hơn để giải trí. Khi một bộ phim đã hoàn thiện, ra mắt, người quyết định số phận của phim là khán giả, tôi có muốn thay đổi cũng không được. Sở dĩ tôi nói thế, bởi khi viết kịch bản và thực hiện, bản thân và ê-kíp đã rất nỗ lực để hoàn thành dự án, đâu ai biết chắc phim mình sẽ lời, lỗ ra sao. Còn nếu biết chắc là lỗ, là sẽ bị người xem phản ứng, thì tôi tin không nhiều đạo diễn cố công thực hiện tác phẩm làm gì. Hơn nữa, kịch bản đã qua nhiều khâu duyệt, chọn lọc.
* Vậy theo anh, điều khó nhất khi thực hiện một bộ phim do Nhà nước đặt hàng là gì?
- Tôi nghĩ việc cân bằng giữa yêu cầu về mặt chủ đề kịch bản và yếu tố thương mại, thị trường là điểm khá khó, chắc thuộc hàng khó nhất. Mặc dù cởi mở về chủ đề, nhưng Nhà nước vẫn có một số yêu cầu nhất định, để vừa mang đến bộ phim chất lượng, vừa có thông điệp, vừa có thể tuyên truyền và phục vụ nhiều mục đích khác ngoài giải trí. Do đó, đòi hỏi nhà làm phim phải cân đối lại, khéo léo chọn chi tiết, câu chuyện.
* Từ sau Thạch Thảo, anh có rút ra được bài học nào cho việc làm phim?
- Tôi thấy mình càng phải sáng tạo, tư duy nhiều hơn. Đó cũng là yếu tố sống còn với nghệ thuật. Hiện tôi cũng vừa gửi một kịch bản đến Cục Điện ảnh để chờ xét duyệt. Tôi chưa thể tiết lộ nội dung trước, nhưng nếu được chọn, đó sẽ là một dự án khá thách thức với tôi, vì khai thác sâu nội tâm con người. Sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân cho đến hiện tại, tôi thấy đây là cách thức tốt để hỗ trợ, giúp các đạo diễn hiện thực hóa ước mơ làm phim, cho thấy sự quan tâm từ phía Nhà nước với điện ảnh Việt nói chung.
Diễm Mi (thực hiện)