Nhà nước - tư nhân hợp tác làm phim: Đông tay mới vỗ nên kêu

01/06/2022 - 10:06

PNO - Cái bắt tay giữa Nhà nước - tư nhân giúp phát huy lợi thế mỗi bên, góp phần tạo ra một tác phẩm điện ảnh dung hòa hai yếu tố nghệ thuật và thương mại, giàu ý nghĩa xã hội mà vẫn ăn khách.

Những ngày qua, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi tiếp tục được thảo luận trong kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XV. Ở lần chỉnh sửa mới nhất của dự thảo, cụm từ Công nghiệp điện ảnh được định nghĩa “là ngành kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa sử dụng tài năng nghệ thuật, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh, để tạo ra các tác phẩm điện ảnh và dịch vụ điện ảnh” chứ không còn là “hoạt động điện ảnh nhằm tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật, kinh tế và thị trường điện ảnh” như bản dự thảo trước đó.

Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác - bộ phim hợp tác nhà nước - tư nhân mới nhất
Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác - bộ phim hợp tác nhà nước - tư nhân mới nhất

Việc xác định công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế, thay vì chỉ đơn thuần là hoạt động điện ảnh cho thấy Nhà nước ngày càng nhận ra tầm quan trọng của ngành này đối với sự phát triển của đất nước. Để trở thành ngành kinh tế, phim ảnh phải làm ra tiền, phải có doanh thu. Muốn đạt mục đích đó, không còn cách nào khác cần có sự đồng lòng, hợp tác từ phía Nhà nước và những người làm phim. Mô hình công - tư cùng nhau làm phim là bước đi cần thiết trên con đường đưa công nghiệp điện ảnh tiến lên một ngành kinh tế.

Mô hình này gần như cũng là lựa chọn duy nhất, khi mà câu chuyện Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn gặp khó, vì chưa xác định nguồn thu ổn định để hoạt động. Không có quỹ, việc hỗ trợ các nhà làm phim không thể tiến hành, phim Việt khó có những tác phẩm mang tính đột phá để thúc đẩy nền điện ảnh phát triển. Thị trường chỉ có dòng phim Nhà nước và tư nhân, mà dòng phim nào cũng có hạn chế, khuyết điểm.

Cái bắt tay giữa Nhà nước - tư nhân giúp phát huy lợi thế mỗi bên, góp phần tạo ra một tác phẩm điện ảnh dung hòa hai yếu tố nghệ thuật và thương mại, giàu ý nghĩa xã hội mà vẫn ăn khách. Phim ảnh là một ngành nghề nhiều tốn kém và đầy rủi ro. Mức quy định kinh phí Nhà nước đầu tư 15-20 tỷ đồng dành cho phim đặt hàng không phải ngoài tầm chi của các đơn vị tư nhân, vì một vài phim Việt hiện nay của tư nhân kinh phí đã 50-60 tỷ đồng, nhưng những đồng vốn nhà nước đó mang đậm giá trị tinh thần. Sự đồng hành của Nhà nước sẽ tiếp thêm lửa nghề cho những người làm phim tài năng. 

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh- bộ phim hợp tác đạt kỷ lục doanh thu
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh- bộ phim hợp tác đạt kỷ lục doanh thu

Mô hình công - tư hợp tác làm phim đã trải qua bảy năm thực hiện, kể từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ). Không phải phim nào đi theo cách làm này cũng thành công, nhưng con đường này vẫn phải đi tiếp. Nhìn vào những sản phẩm đã thất bại, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu kịch bản. Vì vậy, việc Cục Điện ảnh tổ chức cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020 là tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực của Nhà nước, để đồng vốn ngân sách được sử dụng hiệu quả. 

Đông tay mới vỗ nên kêu. Làm phim là công việc của tập thể, nên để cùng nhau đưa điện ảnh tiến nhanh, tiến xa, càng không thể để chỉ một mình Nhà nước hay tư nhân tự lực cánh sinh, mà nhất thiết phải dựa vào nhau.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI