Chuyên đề: Tìm lối đi cho tác phẩm 'Nhà nước đặt hàng'

Nhà nước trợ vốn làm phim: cứ mãi loay hoay

11/01/2020 - 08:06

PNO - Nhiều năm qua, những phim mang tính định hướng, phục vụ nhiệm vụ chính trị không thể ra đời, gây mất cân đối thị trường điện ảnh.

Tác phẩm Nhà nước đặt hàng chủ yếu phục vụ yêu cầu chính trị, an ninh quốc phòng, hỗ trợ đối tượng bạn đọc vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo… Đặt hàng xuất bản những công trình/bộ sách đồ sộ, có hàm lượng tri thức cao; đấu thầu sản xuất phim, dàn dựng các vở diễn sân khấu… Thế nhưng, trong nhiều năm qua, công tác triển khai quảng bá tác phẩm “Nhà nước đặt hàng” vẫn mãi là vấn đề chưa được tháo gỡ. 

Tuân theo quy định trong Luật Điện ảnh 2006 là mọi hoạt động sản xuất hàng hóa dùng ngân sách nhà nước phải qua đấu thầu thì chưa có văn bản hướng dẫn đấu thầu, còn nếu muốn bỏ đấu thầu chuyển sang hình thức đầu tư khác thì phải chờ sửa luật. Đây là thế khó của việc sản xuất phim dùng tiền nhà nước, khiến nhiều năm qua, những phim mang tính định hướng, phục vụ nhiệm vụ chính trị không thể ra đời, gây mất cân đối thị trường điện ảnh.

Mắt biếc được đánh giá cao, thu hơn 150 tỷ đồng, Song lang thắng năm giải tại Liên hoan phim Việt Nam 2019, trong đó có giải Bông sen vàng, là hai bằng chứng về thành công của những bộ phim tư nhân sản xuất. Đặt hiệu ứng nghệ thuật, thương mại của hai phim này bên cạnh sự “im ắng” của Truyền thuyết về Quán Tiên, Thạch Thảo, Nơi ta không thuộc về, Hợp đồng bán mình - bốn phim đánh dấu sự trở lại của dòng phim nhà nước kể từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), sẽ thấy câu chuyện về hiệu quả đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực làm phim luôn là điều đáng lưu tâm.

Phim Nơi ta không thuộc về, một trong bốn phim năm 2019 được Nhà nước trợ vốn, nhưng ít được công chúng biết đến
Phim Nơi ta không thuộc về, một trong bốn phim năm 2019 được Nhà nước trợ vốn, nhưng ít được công chúng biết đến

Kể từ khi Luật Điện ảnh ra đời (năm 2006) đến nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn chưa xây dựng được thông tư hướng dẫn việc đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước theo hình thức đấu thầu. Vướng mắc nằm ở chỗ phim ảnh có đặc thù là hai thành tố sáng tác kịch bản và phương án sản xuất không thể tách rời, đồng thời mỗi phim là một sản phẩm không lặp lại, không có khuôn mẫu chung về giá cả sản xuất, nên không thể làm theo cách chủ đầu tư tuyển chọn kịch bản văn học, rồi chọn doanh nghiệp sản xuất phim theo quy định của Luật Đấu thầu như Luật Điện ảnh quy định.

Để gỡ khó, thời gian qua, việc đặt hàng phim dùng tiền nhà nước tạm thời thực hiện theo quyết định cá biệt số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Quyết định này hạn chế ở chỗ việc giải ngân thường khá chậm do chờ hoàn thành các thủ tục hành chính. Đến khi tiền rót xuống thì thời gian còn lại quá ngắn không đủ làm phim, nếu không làm xong trong năm, kinh phí đó sẽ bị hủy chứ không được chuyển sang năm sau bởi Luật Ngân sách đã quy định.

Vì vậy, bỏ đấu thầu là một trong những đề xuất được quan tâm nhất, vì một khi Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực, việc đặt hàng có thể triển khai ngay mà không cần chờ thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật, bởi đã có các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy định quy trình thực hiện đặt hàng sản xuất phim nhà nước, với tư cách một dịch vụ công, như Nghị định 32/2019/NĐ-CP, Quyết định số 1992/QĐ-TTg, Quyết định số 17. Mặt tiêu cực của chuyện bỏ thầu là nếu thẩm định kịch bản, năng lực sản xuất không chặt chẽ, thiếu khách quan, phim làm ra sẽ kém hấp dẫn, không có người xem. 

Truyền thuyết về quán Tiên
Truyền thuyết về Quán Tiên - phim Nhà nước có tư nhân góp vốn

Lối đi nào hiệu quả cho đầu tư công trong phim ảnh là điều dư luận quan tâm, bởi làm phim là lĩnh vực nhiều rủi ro, mạo hiểm. Nhìn vào dự kiến kinh phí sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018-2021 mà cục gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn những con số hơn trăm tỷ, mà choáng: năm 2018 gần 115 tỷ đồng; năm 2019 hơn 147 tỷ đồng; năm 2020 hơn 148 tỷ đồng; năm 2021 hơn 148 tỷ đồng. Vài năm gần đây, phim tư nhân đã và đang tạo được tiếng vang lớn về mặt chuyên môn lẫn doanh thu phòng vé, không ít trong số đó là những bộ phim khai thác các giá trị truyền thống, dân tộc - chủ đề được khuyến khích ở dòng phim nhà nước.

Việc rót tiền vào những dự án phim như vậy của những hãng phim tư nhân uy tín cũng là một hình thức đầu tư công hiệu quả, nhanh chóng, như thành công của mô hình Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Hiệu quả hợp tác của mô hình Nhà nước - tư nhân cũng thấy rõ ở bốn phim đặt hàng năm 2019, khi mà Truyền thuyết về Quán Tiên, Thạch thảo - hai phim do hãng tư nhân sản xuất với vốn góp của Nhà nước chất lượng hơn hẳn Hợp đồng bán mình, Nơi ta không thuộc về - hai phim do hãng phim nhà nước làm. Ngoài ra, một giải pháp đầu tư hiệu quả khác nữa là Nhà nước có thể tự tìm đến các nghệ sĩ điện ảnh có “thương hiệu” để trực tiếp đặt hàng. 

Thị trường điện ảnh trong nước luôn cần sự song hành của phim nhà nước và tư nhân, việc lựa chọn phương thức đầu tư công trong phim ảnh sao cho hiệu quả đã đến lúc cần sự thay đổi quyết liệt từ những người làm ra chính sách, bởi luật làm ra để đi vào cuộc sống chứ không thể mãi nằm trên giấy. Thời gian 14 năm chờ đợi đã quá dài so với tốc độ vận hành và phát triển không ngừng của thị trường điện ảnh Việt Nam. 

Nguyễn Ngọc


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI