Nhà nước phải định hướng, nông dân phải thay đổi

10/10/2018 - 10:00

PNO - Nông dân phải học cách làm ăn và tính toán, cùng sự trợ giúp của các cơ quan chức năng. Đồng thời trong thế giới phẳng như hiện nay, sự trung thực và tử tế khi cung cấp thực phẩm cũng hết sức cần thiết.

Do phát hiện nhiều lô ớt từ Việt Nam nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép nên Malaysia đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu ớt Việt Nam từ ngày 14/9. 

Trong một diễn biến khác, Bộ Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc vừa phát hiện một lô đu đủ chế biến từ Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc là sản phẩm chuyển gen. Theo quy định của Hàn Quốc, sản phẩm chuyển gen không được chấp nhận, phải tiêu hủy hoặc tái xuất.

Cùng lúc, thanh long dội chợ vì không xuất qua được Trung Quốc bán đầy đường với giá rẻ bèo hoặc đổ cho bò ăn, ngay tại thủ phủ của thanh long là Bình Thuận.

Nha nuoc phai dinh huong, nong dan phai thay doi
Malaysia đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu ớt Việt Nam từ ngày 14/9

Vậy là nông dân ta khổ. Thấy nông dân khổ thì cư dân mạng lại kêu gọi giải cứu cho thanh long, cho ớt như đã từng nhiều lần vô cùng giải cứu các sản phẩm như thịt lợn, khoai lang, gừng…

Một vòng lẩn quẩn tiếp tục. Mà chính một phần đông cư dân mạng cũng quá chán chường nên đã kêu gọi nông dân phải học cách làm ăn và tính toán, cùng sự trợ giúp của các cơ quan chức năng. Đồng thời trong thế giới phẳng như hiện nay, sự trung thực và tử tế khi cung cấp thực phẩm cũng hết sức cần thiết.

Ví như với Malaysia, ớt là loại gia vị không thể thiếu của người dân Malaysia. Năm 2016, chính quyền nước này cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, sản lượng ớt tại Malaysia giảm sút mạnh, dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn cung.

Đánh giá cao chất lượng ớt của Việt Nam, Malaysia chính thức nhập khẩu ớt đỏ từ Việt Nam để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước từ năm 2016. Nhưng nếu nông dân dùng quá nhiều chất bảo vệ thực vật thì có thể mất luôn thị trường Malaysia chưa biết chừng. 

Hay với Hàn, một quốc gia rất coi trọng an toàn thực phẩm cho dân của họ, vi phạm các quy định của xứ họ là không xong rồi.

Hệ thống kiểm soát thực phẩm của Hàn Quốc do ba Bộ giữ vai trò chính: Bộ Y tế và Phúc lợi (MOHW); Bộ Nông-Lâm nghiệp (MAF) và Bộ Hàng hải và Thủy sản (MOMAF). Riêng MOHW và MAF sẽ phải chịu trách nhiệm tổng thể cho các vấn đề an toàn thực phẩm.

Trong đó, Cục Quản lí Thuốc và Thực phẩm (KFDA) thuộc MOHW có vai trò chủ yếu trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Cơ chế đảm bảo an toàn thực phẩm trên của Hàn Quốc được thể hiện rõ qua hoạt động phối hợp chặt chẽ của KFDA với Viện Quốc gia Đánh giá an toàn Thuốc và Thực phẩm (NIFDS) để đánh giá khoa học và mức độ rủi ro đối với các chất gây ô nhiễm khác nhau đến các vật liệu có liên quan đến thực phẩm.

Để nhổ tận gốc việc sử dụng thực phẩm bẩn trong nấu ăn, KFDA còn dự định thiết lập kiểm soát hàng tháng đối với các thực phẩm nấu chính được bán trong các cửa hàng, nhà hàng giảm giá, nhà hàng gia đình, sản phẩm được bán chiết khấu, ghi nhãn tiêu chuẩn… 

Mặt khác, để đảm bảo truyền thông tin an toàn thực phẩm tới cho người dân, Hàn Quốc cũng hình thành các trung tâm cung cấp thông tin an toàn thực phẩm. Các trung tâm này sẽ thu thập thông tin, phân tích đánh giá khoa học và truyền thông thông tin tới người tiêu dùng. Quá trình phân tích và phản hồi thông tin đều dựa vào khoa học, tạo ra một vòng tròn khép kín trong chuỗi cung ứng thông tin về an toàn thực phẩm.

Còn thanh long, vấn đề không nằm ở an toàn thực phẩm mà chính ở thông tin thị trường không được cung cấp. Ban đầu các  doanh nghiệp xuất khẩu cho biết thanh long ta ế vì thị trường Trung Quốc giảm nhập. Nhưng vì sao họ lại giảm nhập? Đó chính là nhiều năm qua, Trung Quốc đã phát triển mạnh diện tích trồng thanh long nhằm cung cấp cho thị trường trong nước. Nay họ không cần tới thanh long Việt Nam nữa.

Nha nuoc phai dinh huong, nong dan phai thay doi
Giá thanh long thương lái mua rẻ như cho, nhiều nông dân phải tự đem bán lề đường mong thu lại chút tiền đầu tư

Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha, kế đó là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới.

Ở khía cạnh này, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước như một người định hướng cho nông dân có vẻ rất mờ nhạt. Hầu như khi nào sự vụ xảy ra rồi bà con mới hay biết thông tin.

Ví như tin Trung Quốc tăng diện tích và sản lượng thanh long hay  việc nhắc nhở về chất lượng ớt xuất sang Malaysia. Khi sự vụ xảy ra thì  Cục Bảo vệ thực vật mới yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Malaysia, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng cần rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu và thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ ban đầu để tránh tái diễn vi phạm.

Nếu nông dân không thay đổi và cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục chạy theo đuôi này, sẽ tới lúc mọi nông sản dư thừa chỉ có cách đổ bỏ vì bị cộng đồng tiêu dùng trong và ngoài nước cùng lúc quay lưng.

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI