“Nhà nước cấm thơ đồi trụy, còn thơ dở thì sao?”

01/07/2020 - 13:16

PNO - “Ngộ độc thơ còn nguy hiểm hơn ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng một số người. Ngộ độc thơ có thể nguy hại cả một thế hệ hoặc nhiều thế hệ…”

Đó là băn khoăn của nhà thơ Vũ Quần Phương tại sự kiện “Văn học Nghệ thuật Việt Nam - 45 năm thống nhất đất nước“ do Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tổ chức tại TP.HCM mới đây. Khi nói về thành tựu của đổi mới (trong lĩnh vực văn học), ông cho rằng, phong trào làm thơ ở ta rất hùng hậu. Số lượng người làm thơ khi làm danh thiếp đề là “nhà thơ” có khoảng… 30.000 người. Bởi vậy, có người còn đề nghị suy tôn nước ta là “thi quốc”.

Tuy nhiên, tréo ngoe ở chỗ, trong khi rất nhiều người tự hào về nền thơ ca hùng hậu, các hiệu sách ở Hà Nội không nhận bán thơ. Nhà thơ Vũ Quần Phương kể, khi hỏi mua thơ thì người ta nhìn ông như… “thằng dở người”. Thơ in ra không bán được, chỉ còn cách đem tặng. Từ đó, dân gian mới có câu nửa đùa nửa thật: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Từ thực trạng này, ông cho rằng rất nên “dán nhãn” các ấn phẩm thơ, để phân biệt giữa thơ của các tác giả thực thụ với thơ phong trào. “Nhà nước cấm làm thơ đồi trụy; nhưng thơ dở nhà nước không cấm”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói.

Những cuốn thơ đồng giá 2.000 đồng/ cuốn tại một sự kiện về sách - Ảnh: AS
Những cuốn thơ đồng giá 2.000 đồng/ cuốn tại một sự kiện về sách - ảnh: AS

Có lẽ, không phải vô cớ mà nhà thơ Vũ Quần Phương tỏ ra ngao ngán trước “nạn” thơ dở. Chỉ cần nhớ lại cách đây vài tháng, khi cả thế giới đang điêu đứng vì dịch COVID-19; ở Việt Nam, trên “cõi” Facebook ngập tràn thơ phòng, chống dịch. Gọi là “thơ” cho vừa ý những người làm ra nó, còn thực tế thì tội cho thơ vô cùng! Bởi đó chỉ là những câu được “đột ngột xuống dòng”, ngô nghê và thật thà như đếm.

Một số người “vặc” lại, cho rằng đó là cảm xúc cá nhân, không ai có quyền cấm đoán. Thì rõ là như vậy, nhưng đã nhân danh “cảm xúc cá nhân”, sao không tự viết tự đọc đi, đăng lên mạng xã hội chi cho “thêm rầu nồi canh”. Nếu vẫn còn “ngoan cố”, cứ thử mang ra đọc cho con cháu trong nhà, xem chúng nó có “mặt xanh như đít nhái” hay không?

“Thơ dở cũng là thứ rác”. Đó là nhận định của nhà thơ Phan Hoàng cách đây hai năm, khi đang là chủ tịch Hội đồng thơ và Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM. Nhận định đó nằm trong bài viết Ngộ độc thơ được ông đăng tải trên trang Facebook cá nhân để nói về một hiện tượng: trên Facebook hiện đang có nhiều thơ rác và thứ thơ này có thể làm bạn đọc bị ngộ độc.

Bài viết của nhà thơ Phan Hoàng ngay lập tức “dậy sóng” cộng đồng mạng; đến mức, trang Facebook của ông phải “đóng cửa” đến tận bây giờ vẫn chưa mở lại, còn Ban Thường vụ Hội Nhà văn TP.HCM phải họp khẩn tìm giải pháp xoa dịu dư luận. Thế mới thấy, người làm thơ, nhất là những người làm thơ dở, cũng đầy “tự trọng”.

Cả nước có khoảng 30.000 người làm thơ - nói theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nhưng lạ là, thơ in ra không bán được. Và éo le hơn nữa khi nhiều người làm thơ dở nhưng tuyệt nhiên không biết, hoặc giả vờ không biết đó là thơ dở.  Thậm chí, có người còn rất tự tin với cái “mác” nhà thơ. Nguy hại hơn của tình trạng vàng thau lẫn lộn ấy là… ngộ độc thơ - nói theo cách của nhà thơ Phan Hoàng.

“Ngộ độc thơ còn nguy hiểm hơn ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng một số người. Ngộ độc thơ có thể nguy hại cả một thế hệ hoặc nhiều thế hệ…” (Trích bài viết Ngộ độc thơ). Rõ ràng, sự lo lắng của nhà thơ Phan Hoàng không phải không có lý; chỉ tiếc rằng, trước đây, ông đã không đủ quyết liệt để bảo vệ quan điểm của mình. Vì vậy, một khi chưa có giải pháp nào, thì chúng sinh của “thi quốc” cũng chỉ còn cách là phải sống chung với thơ dở mà thôi! 

An Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI