edf40wrjww2tblPage:Content
Tên gọi “dân lập”, bản chất “bán công”
Trường THPT Dân lập (DL) Văn Hiến - được thành lập năm 1989 với tên ban đầu là Trường cấp II-III DL Văn Hiến, đặt tại trung tâm thị xã (TX) Long Khánh (trước là H.Xuân Lộc) tỉnh Đồng Nai. Đến tháng 4/2009, theo chủ trương, Trường THPT DL Văn Hiến làm hồ sơ chuyển đổi sang loại hình trường tư thục.
Theo hướng dẫn tại Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT ngày 8/5/2009 của Bộ GD-ĐT, các trường bán công sẽ chuyển sang công lập, các trường dân lập sẽ chuyển sang tư thục, nên việc Trường THPT DL Văn Hiến chuyển sang loại hình trường tư thục là lẽ đương nhiên.
Mọi chuyện tưởng đã “xuôi chèo mát mái” thì vào phút chót, UBND TX Long Khánh lên tiếng và quyết liệt đề nghị chuyển ngôi trường này thành trường công lập với lập luận: tuy gọi là trường “dân lập” nhưng thực chất lại là “bán công”, bởi từ đất đai, trường sở, cơ sở vật chất và con người ban đầu đều là của Nhà nước! Thứ nữa là tỷ lệ học sinh (HS) THCS được vào lớp 10 công lập trên địa bàn TX hiện mới chỉ khoảng 28%, quá thấp, trong khi học phí trường tư đang là gánh nặng với một bộ phận lớn dân cư. Thị ủy TX Long Khánh và dư luận quần chúng tại địa phương này cũng có chung tiếng nói với chính quyền TX.
Đề nghị của chính quyền TX Long Khánh không phải là vô lý. Theo đó, vào những năm 1990, mỗi huyện chỉ có một trường THPT nên cả H.Xuân Lộc lúc ấy (nay tách ra thành TX Long Khánh, H.Xuân Lộc và H.Cẩm Mỹ) chỉ có một trường THPT, tỷ lệ HS được vào lớp 10 là rất ít. Trước áp lực phải có thêm chỗ học cho con em nhân dân, chính quyền H.Xuân Lộc đã đề nghị tỉnh cho thành lập Trường cấp II-III DL Văn Hiến.
Để hợp thức hóa thủ tục, UBND huyện phân công ông Nguyễn Thanh Ngạn, cán bộ văn phòng huyện, đứng đơn xin thành lập. Ngày 2/8/1989, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định 946/QĐ-UBT cho phép ông Nguyễn Thanh Ngạn mở trường; ủy quyền cho UBND H.Xuân Lộc xem xét giải quyết mặt bằng xây dựng, cơ sở vật chất cho trường; chấp thuận cho ông Nguyễn Thiệp - Trưởng phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc kiêm chức vụ hiệu trưởng trường.
Học sinh trường THPT Văn Hiến sẽ phải học trường tư?
Sau khi có quyết định trên, UBND H.Xuân Lộc đã bố trí toàn bộ cơ sở vật chất của Phòng GD-ĐT huyện với 5.940m2 đất và toàn bộ hệ thống phòng làm việc, phòng học sẵn có, đồng thời cử ông Ngạn và ông Thiệp kiêm nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng Trường cấp II-III DL Văn Hiến.
Năm 1991, ông Thiệp được điều chuyển công tác, UBND huyện lại đề nghị và được Sở GD-ĐT tỉnh bổ nhiệm ông Bùi Công Thuấn, giáo viên Trường THPT Xuân Lộc, sang làm hiệu trưởng thay ông Thiệp. Đến năm 2000, ông Nguyễn Thanh Ngạn nghỉ hưu. Trong suốt 11 năm từ 1989-2000, ông Ngạn vẫn hưởng lương ngân sách.
Như vậy, Trường THPT DL Văn Hiến được thành lập hoàn toàn bằng vốn (đất đai, trường sở, con người) Nhà nước và vận hành bằng học phí đóng góp từ cha mẹ HS thì đích thị nó phải là trường bán công chứ không thể là trường DL!
Vấn đề là “tại sao không đặt tên là trường “bán công” mà lại là trường “dân lập” và tại sao lại để ông Nguyễn Thanh Ngạn đứng đơn xin thành lập?”. Ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND TX Long Khánh - lý giải: “Do lúc đó chưa có quy định cho thành lập trường bán công. Hơn nữa, một cơ quan nhà nước không thể đứng đơn xin thành lập trường DL”.
Do chính quyền từ bỏ quyền làm chủ
Về nguyên tắc, khi muốn thành lập, trường DL phải có các cá nhân góp vốn và có cơ quan hoặc tổ chức (có pháp nhân và con dấu) đứng ra bảo trợ. Trường hợp ra đời của trường THPT DL Văn Hiến là “độc nhất vô nhị” vì không có cá nhân nào góp vốn, UBND H.Xuân Lộc (một đơn vị nhà nước) chính là cơ quan bảo trợ, đồng thời cũng là pháp nhân góp vốn bằng cơ sở vật chất, đất đai, con người.
Nhưng công bằng mà nói, sau khi cho ra đời, chính quyền địa phương đã không ý thức được vị thế và vai trò làm chủ của mình, dẫn đến việc buông lỏng quản lý và mất quyền kiểm soát đối với ngôi trường, đặc biệt là từ năm 2000 - sau khi ông Nguyễn Thanh Ngạn về hưu. Hậu quả là có nguy cơ mất hẳn ngôi trường. Hiện tại, hồ sơ chuyển đổi Trường THPT DL Văn Hiến sang loại hình tư thục gần như đã hoàn tất, tất cả các sở ban ngành của tỉnh đều đã “gật đầu” sau khi UBND tỉnh có chủ trương.
Nhưng như đã phân tích, việc mang tên “dân lập” là sai với bản chất “bán công” ban đầu nên trong quá trình chuyển đổi loại hình trường, nhất thiết phải xem lại quá trình hình thành (kể cả việc xác định lại tên gọi) và quá trình góp vốn của các cá nhân (nếu có), nhằm tránh tình trạng tài sản công biến thành tài sản tư.
Theo tính toán, chỉ riêng 5.940m2 đất mà trường THPT DL Văn Hiến đang tọa lạc đã có giá trị gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, trường còn có khoảng hơn 2.650 HS với nguồn thu học phí lên trên 18 tỷ đồng/năm.
“Mọi thứ đều của Nhà nước, giao cho cá nhân làm một thời gian, bây giờ thành tài sản cá nhân. Riêng tôi thấy điều này là không thỏa đáng” - ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND TX Long Khánh, nói.
MINH NHẬT