Nhà nông Việt không thể cứ mãi như đứa trẻ

19/03/2018 - 14:00

PNO - Sự việc nông dân ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội phải đổ bỏ hàng ngàn tấn củ cải trắng lại một lần nữa gây xôn xao dư luận về câu chuyện “giải cứu hay không giải cứu nông sản cho người nông dân”.

Xã Tráng Việt, huyện Mê Linh mấy ngày qua là tâm điểm chú ý của dư luận, khi hàng ngàn tấn củ cải trắng (có tin nói 3.000 tấn) lần lượt “cùng chung số phận” với khoai lang ở Trà Vinh, khóm (dứa) ở Long An, chuối ở Đồng Nai, dưa hấu ở Quảng Ngãi… vì nhà nông buộc phải đổ bỏ, bán không ai mua, cho không ai lấy.

Không chỉ củ cải trắng mà cả su hào và một số rau màu khác của địa phương này cũng cùng chung số phận, rớt giá thảm hại. 

Trong khi người nông dân “ngửa mặt kêu trời”, nhiều người mềm lòng xót xa, các cơ quan chức năng tìm cách “giải cứu củ cải” thì vẫn có những ý kiến bình tĩnh hơn, thận trọng hơn khi cho rằng, thị trường có quy luật của nó và tại sao không để người nông dân phải tự thích nghi với sự điều tiết của thị trường?

Nha nong Viet khong the cu mai nhu dua tre
Hàng ngàn tấn củ cải ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) phải đổ bỏ vì không có đầu ra.

Giải pháp mà chính quyền Hà Nội và huyện Mê Linh đề ra trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay là huy động các doanh nghiệp (DN) kinh doanh nông sản tại TP. Hà Nội thu mua giúp bà con và mua với giá cao chứ không nên ép giá.

Hành động “ra tay nghĩa hiệp” này của chính quyền Hà Nội như “chiếc phao cứu sinh” cho nông dân, được nhiều người tán dương rằng, đây là một việc làm nhân văn của các cấp, các ngành đối với “nghịch cảnh” của nhà nông. 

Tuy nhiên, theo giải thích của Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP. Hà Nội Nguyễn Duy Hồng thì: “Nguyên nhân chính của sự việc này là do đây là thời điểm chuyển đổi mùa vụ cây trồng, cả nước đều có tình trạng khủng hoảng thừa nông sản. Rồi do sau tết, nhu cầu mua nông sản cũng giảm đi nhiều. Đợt xuống giá này dự báo chỉ kéo dài vài ngày nữa, sau đó thị trường sẽ trở lại cân bằng”.

Cách giải thích này khiến nhiều người nghĩ ngay rằng, đây là đợt “khủng hoảng thừa” tự nhiên và thị trường rồi cũng sẽ trở lại bình thường.

Không chỉ củ cải trắng ở Mê Linh, Hà Nội mà ngay cả bắp cải, su hào ở Tứ Kỳ, Hải Dương vừa qua cũng vậy: người trồng nhổ lên, đổ bỏ đầy ngập hai bên đường do không bán được và bán chẳng ai mua.

Về việc này, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hồng Sơn nhận định, không phải do giá thấp (chỉ khoảng 300-500 đồng/củ) mà vì người dân muốn kéo dài để chờ giá cao nhưng do nhiệt độ tăng khiến su hào bị xơ, không thể ăn được.

Còn từ bây giờ, người dân đang bắt đầu bán củ su hào non khoảng 35 ngày tuổi và giá đã tăng lên hằng ngày. Cụ thể, giá su hào hiện đã tăng lên 1.200-1.500 đồng/củ, vị “tư lệnh ngành” này tính toán rằng, người dân hoàn toàn có lãi bởi dân thường trồng được 2.000 củ/sào, tương đương với 2,4 triệu đồng/sào, trong khi chi phí chỉ hơn 1 triệu đồng/sào. 

Nhà nông không thể cứ mãi chờ “giải cứu” sản phẩm do mình làm ra như một đứa trẻ luôn được che chở, bảo bọc. 

Giải thích trên có thể cho thấy hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, xét về bài toán kinh tế, việc đầu tư này là có lợi nhuận, chưa tính rủi ro (mà trồng trọt ngắn vụ thường có rủi ro khá cao, khó dự đoán).

Người nông dân cần phải bình tĩnh, bằng kinh nghiệm về trồng trọt và thị trường của mình để tự tính toán, cân đối bài toán trồng trọt - kinh doanh, không chạy theo lợi nhuận trước mắt (“câu giờ, chờ giá”, trồng thâm vụ dù đã được khuyến cáo…).

Thứ hai, nhận xét này dù có hơi “vô tâm” nhưng lại như một “gáo nước lạnh” làm giảm nhiệt những luồng dư luận mang tính “thổi phồng” những thiệt hại của nhà nông khi mà lẽ ra, nhà nông cần phải hiểu biết sâu về công việc của mình, không thể cứ mãi được “giải cứu” như một “đứa con” luôn được che chở, bảo bọc, không thể tự lập. 

Mối liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp thu mua, nhà nước) mặc dù được nói khá nhiều trên các hội nghị, diễn đàn nhưng trên thực tế, chỉ được coi như một “cuộc chơi” của người trồng và người mua (nhà nông và thương lái). Và một nền kinh tế thị trường thì không có sự can thiệp của nhà nước. Người nông dân cần phải tự đứng trên chính đôi chân của mình. 

Xuân Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI