Gia đình nhà chị Lan kinh doanh vật liệu xây dựng. Chị khá giả nhất nhóm chúng tôi, lại là người khéo ứng xử nên không phải đau đầu về khoản này. Chị bảo, hai bên nội ngoại lúc nào cũng như nhau và phải "được được chút" cho ông bà ăn tết thoải mái.
Cứ đến ông Công, ông Táo là chị mang tặng mỗi bên ông bà 10 triệu đồng. Vì cũng là người sành sỏi, rành mua bán, nên chị Lan cũng đứng ra sắm toàn bộ đồ thờ, đồ ăn thức uống trong Tết cho cả hai bên. Sang năm mới, vợ chồng chị lại lì xì cho ông bà và các anh chị em, con cháu trong nhà mỗi người 200.000 đồng. Vợ chồng chị chưa bao giờ phải cãi nhau về việc biếu tết nội ngoại bên nào nhiều hơn. Tính ra, tổng tiền tết lo cho hai bên dao động khoảng 25-30 triệu đồng.
|
Biếu nội ngoại quà gì, bao nhiêu tiền luôn là đề tài nóng mỗi dịp cuối năm - Ảnh minh họa |
Chị Như là người tỉnh xa, lấy chồng người thành phố hơn 1 năm nay. Cưới xong, vợ chồng chị ra ở riêng tại căn chung cư mẹ chồng cho mượn, và cũng gần ngay nhà mẹ chồng. Vì bố chồng mất sớm, mẹ chồng cũng hiu quạnh nên thường xuyên sang nhà anh chị chơi.
Mỗi lần sang, bà lại mang rau củ, thịt, trứng. Vợ chồng chị ăn đồ bà cho, gần như không tốn tiền đi chợ. Tuy vợ chồng mới cưới khó khăn về kinh tế, nhưng chị cũng cố gắng gom góp, biếu mẹ chồng 5 triệu đồng sắm tết. Còn mẹ đẻ chị thì ở xa, bà vẫn đi làm có lương nên anh chị thống nhất biếu bà 2 triệu đồng. Chị Như chia sẻ: “Mình không chi li hai bên nội ngoại phải bằng nhau, mình nhờ bà nội nhiều thì biếu lại bà nhiều hơn là phải đạo.”
Hiện đại nhất trong hội bạn là vợ chồng chị Phương. Tết nào cũng thấy chị đặt tour đi chơi nước ngoài. Năm nay vướng dịch COVID-19, chị nói: "Cũng phải đi đâu trong nước, chứ không thể ở nhà ăn ăn uống uống, mập lắm. Ra Giêng không giảm cân được, lại tốn tiền mua quần áo mới và thuốc tiêu mỡ".
Chị Phương có con trai 4 tuổi. Cả hai vợ chồng đều thích xê dịch, nên từ lúc bé nhỏ xíu, chị đã địu con đi khắp nơi. Với gia đình nhỏ của chị, tết là dịp đi du lịch thuận tiện vì vợ chồng không phải thu xếp công việc hay nghỉ phép. Do không ăn tết với ông bà, mà chỉ "chạy sô" từ nhà ngoại sang nhà nội đêm giao thừa chúc tết, nên anh chị cũng không sắm sửa gì cho nội ngoại.
Dù tiền thưởng tết của anh chị cộng vào được gần 40 triệu đồng, vậy nhưng chị Phương chỉ biếu mỗi bên nội ngoại chỉ 1 triệu đồng, bỏ vào bao thư lì xì ông bà đêm 30.
Theo lời chị, mẹ chồng chẳng bao giờ chê số tiền ít ỏi anh chị biếu. Thậm chí đêm 30 bà còn lì xì bọn nhỏ nhiều gấp mấy lần, dù bà cũng không giàu có gì.
Ít tuổi nhất hội chúng tôi là Thu Thanh. Làm cơ quan nhà nước ổn định nên em cưới sớm, chưa tới 30 em đã một nách hai con. Vì hai vợ chồng ở gần nhà ngoại, quanh năm qua lại với ông bà ngoại, mấy ngày trước tết cũng phải gửi 2 con cho ngoại trông cả ngày, nên năm nào em cũng về bên nội ăn tết.
Thường cơ quan Thanh và chồng Thanh phải làm đến 28, 29 tết mới nghỉ, đồ cúng trên bàn thờ và đồ ăn thức uống ngày tết đều do một tay mẹ chồng sắm sửa. Vì vậy, Thanh tính toán và nói với chồng: Gửi về quê cho mẹ chồng 5 triệu đồng từ trước tết nhờ bà mua sắm thực phẩm tết. Chồng Thanh sẽ mua gói quà tết nhỏ kèm phong bì 2 triệu đưa tặng bố mẹ vợ. Đầu năm, vợ chồng Thanh sẽ mừng tuổi ông bà nội ngoại mỗi người 5 trăm ngàn đồng.
Thanh ấm ức: "So với người ta thì chẳng bao nhiêu, nhưng số tiền tặng ông bà đi đứt nửa tháng thu nhập của cả hai vợ chồng. Vậy mà em và anh ấy cũng tranh cãi căng thẳng. Anh nói em phải cư xử sao cho coi được, để mẹ chồng vui và các anh chị bên chồng không so bì, tị nạnh".
Chồng Thanh muốn vợ rộng tay hơn, nếu thiếu thốn cũng phải vay mượn bạn bè để tặng mẹ chồng ít nhất 10 triệu đồng. Thanh không đồng ý, cho rằng nhà ngoại đã "chịu thiệt" với mức thấp hơn rồi, cô càng không quan tâm việc phải hơn thua với anh chị giàu có và con đã lớn trong nhà.
Mấy ngày trời vợ chồng cự nự, hậm hực nhau. Tới nay chúng tôi vẫn chưa biết phương án "chốt hạ" nhà Thanh ra sao...
|
Lì xì cha mẹ bao nhiêu thì vừa đây? - Ảnh minh họa |
Chuyện đưa tiền cho nhà nội - nhà ngoại tiêu Tết là đề tài muôn thuở dịp cuối năm. Có nhà thì việc ấy nhẹ như không, có nhà thì cãi nhau, giận nhau tới... mất tết. Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai, kinh tế khó khăn với nhiều gia đình, mức chi tiêu tết có lẽ cũng phải cân đối lại cho phù hợp.
Tùy hình kinh tế gia đình, hoàn cảnh hai bên mà vợ chồng nên thống nhất với nhau cho khéo léo. Làm sao để cha mẹ hai bên đều cảm nhận được tấm chân tình khi con biếu tiền tiêu tết, đó mới là điều quan trọng, đáng quý, chứ không hẳn ở số tiền ít hay nhiều...
Nguyễn Thị Thu Thuỷ