Nhà nhà làm nước rửa tay chống dịch

29/02/2020 - 07:12

PNO - Nhiều chị em đang truyền tai nhau đủ công thức làm nước rửa tay khô sát khuẩn, phòng chống dịch.

Chị em hào hứng

Vừa “lượm” được bí kíp làm nước rửa tay khô trên mạng, chị Lương Ngọc Hoài (ngụ Q.3, TPHCM) lập tức thực hành. Công thức cực kỳ đơn giản là dùng cồn 70 độ, nước chưng cất, vài giọt vitamin E “mix” (trộn) với nhau, sau đó cho vào chai có vòi hoặc chai xịt là có ngay nước rửa tay chống dịch, nhanh gọn mà không phải tốn công chen lấn, xếp hàng tranh mua.

Vừa làm được sản phẩm, Ngọc Hoài liền khoe trên mạng, quay hẳn clip đang thực hiện và chia sẻ công thức cho bạn bè facebook. “Không ngờ cách làm lại đơn giản như vậy. Tôi chưa bao giờ làm mỹ phẩm handmade mà giờ chỉ cần bắt tay vào làm là thành công ngay” - cô thỏa mãn.

Kỹ lưỡng hơn, chị Kiều Nhi (nhân viên văn phòng) định lượng tỷ lệ thành phần nước, cồn khi làm nước rửa chứ không kiểu “nhắm đại” như chị Ngọc Hoài. Theo đó, cần 2/3 cốc cồn 99% hoặc ethanol, 1/3 cốc gel lô hội (gel nha đam), 8-10 giọt tinh dầu tùy chọn (như hoa oải hương, vani, bạc hà, bưởi). Cuối cùng là trộn các thành phần với nhau.

Chị Nhi vui vẻ: “Chi phí cho nguyên liệu chưa tới 200.000 đồng mà làm được gần 3 lít nước rửa tay, trong khi ngoài thị trường bán gần cả trăm ngàn 500ml. Vậy mà mua còn không có. Bây giờ tôi làm được, tha hồ cho cả nhà xài, còn dư để tặng bạn bè, hàng xóm”.

Nhiều trường tại TP.HCM tự làm nước rửa tay dùng trong nhà trường và tặng học sinh
Nhiều trường tại TPHCM tự làm nước rửa tay dùng trong nhà trường và tặng học sinh

Trong mùa dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nhiều trường đại học (ĐH) tại TPHCM đã tận dụng lợi thế về chuyên môn, nhân lực... để tự nghiên cứu và điều chế những sản phẩm y tế hữu dụng nhằm phục vụ cho nội bộ trường. Như nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Công nghệ sinh học và Khoa dược, cùng với trạm y tế của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng vừa điều chế thành công dung dịch rửa tay nhanh để phát cho cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường sử dụng nội bộ. Hiện nhóm đã điều chế gần 500 chai dạng gel và dạng lỏng. Thành phần chính gồm: ethanol 70%; tinh dầu thiên nhiên tràm gió, cam, bưởi, dầu dừa, tinh chất dưỡng da và các thành phần phụ vừa đủ.

Nhóm sinh viên thuộc câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng đã sản xuất và phát miễn phí hơn 9.000 chai nước rửa tay sát khuẩn do nhóm tự chế tạo và được kiểm định từ năm 2017.

Tương tự, nhóm cán bộ và sinh viên bộ môn kỹ thuật hóa hữu cơ, Khoa kỹ thuật hóa học của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện đã tự pha chế hơn 200 lít nước rửa tay kháng khuẩn để cán bộ, sinh viên của trường sử dụng.

Nhà nhà thành...… xưởng sản xuất

Nước rửa tay nhà làm, nước rửa tay handmade… do cá nhân tự sản xuất gần đây được bán tràn lan trên Zalo, Facebook, thậm chí kênh thương mại điện tử. Các sản phẩm có nhiều loại, được quảng cáo chiết xuất trà xanh, tỏi, lá trầu không… công dụng chung là dùng để rửa khô mọi lúc mọi nơi, không cần rửa lại bằng nước, giúp làm sạch, kháng khuẩn giữa mùa dịch Covid-19.

Chị Đào Thị Thu Trang (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) lo lắng: “Tôi đi tìm tại nhiều nhà thuốc nhưng đều không còn gel rửa tay khô. Cuối cùng, phải đặt mua loại không có thương hiệu bán trên mạng”. Theo chị Trang, từ ngày Bộ Y tế khuyến cáo giữ vệ sinh để phòng bệnh, ngoài khẩu trang, chị luôn cất sẵn một chai nhỏ nước rửa tay khô trong túi để dùng khi ra khỏi nhà. Đến bất cứ nơi đâu, từ công sở, siêu thị, bệnh viện, tàu xe, lúc giao tiếp, thậm chí khi đi ăn, chị phải dùng nước rửa tay khô để vệ sinh mới yên tâm.

Facebook Nuocruataykho livestream chai nước rửa tay khô có giá sale chỉ 60.000 đồng/chai 250ml, với lời quảng cáo rất kêu: “Nước rửa tay không hóa chất, chiết xuất trà xanh, tràm trà, phân tử nano Ag+ giúp diệt khuẩn lên đến 99,99%, giữ ấm và phòng chống sự lây lan của vi-rút, thời gian sử dụng 3 năm. Chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ để rửa tay, xoa đều, để tầm 30 giây cho đến khi khô hẳn, không cần rửa lại bằng nước lã. Chỉ như vậy là đủ để bạn diệt khuẩn, diệt vi-rút, diệt nấm... chứ không chỉ diệt mỗi Covid-19”.

Quan sát nhãn mác của sản phẩm này không thể hiện bất cứ thông tin nào liên quan đến nguồn gốc, địa chỉ cơ sở sản xuất cũng như giấy phép sản xuất, tiêu chuẩn y tế. Không ít khách hàng thắc mắc, người bán cho hay đây là sản phẩm nhà làm, không sử dụng hóa chất nên rất an toàn cho người sử dụng.

Chị Hồng Hoa (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết đã mua sản phẩm dùng, thấy da tay rất khô, phải dùng kèm sữa dưỡng da sau khi dùng nước diệt khuẩn. “Mua xài cho yên tâm thôi chứ tôi không biết sản phẩm có an toàn, có diệt được vi khuẩn  như quảng cáo” - chị Hoa trăn trở.

Sự xuất hiện của loại dung dịch rửa tay không rõ nguồn gốc đang làm loạn thị trường, người tiêu dùng không thể biết rõ công dụng (cũng như cả tác hại nếu có) nếu cơ quan chức năng không vào cuộc kiểm soát chặt chẽ. Đáng nói, do quan niệm “có còn hơn không”, hiện nhiều người vẫn chấp nhận mua để sử dụng với tâm lý giúp các thành viên trong gia đình an toàn hơn trước dịch Covid-19. Nhiều công ty mỹ phẩm dù chưa hề sản xuất nước rửa tay, nay cũng nhanh nhạy trước nhu cầu thị trường, chuyển sang làm nước rửa tay diệt khuẩn phòng bệnh.

Coi chừng rước họa

Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Minh Vinh, ĐH Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho rằng, việc người dân có ý thức rửa tay diệt khuẩn là điều rất tốt. Đây cũng là cách bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều sản phẩm rửa tay diệt khuẩn được quảng cáo trên thị trường nên người tiêu dùng khó biết được sản phẩm nào tốt, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn thực hay không. 

Nếu quảng cáo chất dùng để tiêu diệt vi khuẩn, cần phải xem xét lại các yếu tố từ chất tạo thành, nồng độ... Bởi không phải cứ cho rằng cồn là có tác dụng diệt khuẩn. Thực tế cho thấy, cồn 70 độ trở lên mới có khả năng sát trùng. Cồn này phải đảm bảo các chỉ tiêu do Bộ Y tế ban hành, còn cồn tự chưng cất đôi khi không có tác dụng.

“Dùng nước rửa tay kém chất lượng có thể ảnh hưởng nhiều đến da tay, đặc biệt gây viêm da kích ứng. Đó là tình trạng da tay bị phản ứng với nồng độ của hóa chất có trong nước rửa không an toàn. Nồng độ chất gây ra kích ứng càng nhiều, càng mạnh thì tổn thương da càng cao với các biểu hiện như đỏ, rát, nổi mụn nước. Khi mụn nước bị bể thì gây ra hiện tượng nhiễm trùng” - bác sĩ Minh khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, rửa tay với các loại nước rửa tay khô chứa cồn hiệu quả trong trường hợp tay bạn bẩn không nhìn thấy rõ ràng. Các sản phẩm này có tác dụng diệt khuẩn cực nhanh nhưng lại không thể diệt sạch tất cả các loại khuẩn. Vì vậy, nếu có quá nhiều vết bẩn trên tay, thành phần gel kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến các vi sinh vật nằm dưới những vết bẩn đó. Tốt nhất không nên dùng nước rửa tay khô như một thói quen trong phòng tắm, bếp hay nhà vệ sinh mà chỉ dùng như một giải pháp thay thế trong các hoạt động hằng ngày khi không có nước sạch rửa tay.

Ông Trần Tiến Châu, thành viên hội hóa học TPHCM, lưu ý: "Nước rửa tay trôi nổi có thể được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu chứa các tạp chất nguy hiểm, có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Thí dụ, glycerin có thể bị nhiễm diethylene glycol, một chất độc gây suy thận cấp, suy gan cấp, có thể gây hôn mê và tử vong. Hương liệu tổng hợp có thể chứa các tạp chất thơm có nguy cơ gây ung thư… Vì thế, người tiêu dùng đừng vì tâm lý “có còn hơn không” mà thiếu chọn lựa kỹ càng". 

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI