Nhà người khác vui hơn

18/01/2022 - 11:00

PNO - Có những đứa trẻ chỉ thích sang nhà người khác để được trò chuyện, tâm sự.

 

“Cô ơi, cô cho con ăn cùng nha!" 

Là mẹ đơn thân của một cô con gái, tôi luôn cố gắng ăn sáng và ăn tối cùng con. Buổi trưa đi làm, tôi gửi con sang nhà người chị họ sống cùng chung cư để cháu cảm nhận được bữa cơm gia đình. Tôi hay nghĩ con thiệt thòi, cô đơn hơn các bạn đầy đủ bố mẹ, anh chị. 

Một hôm con gái xin phép mẹ cho một bạn gái tên Ry lên nhà chơi. Bé Ry, sáu tuổi, bằng tuổi con tôi, cuối tuần bé mới sang ở với bố mẹ, các ngày còn lại trong tuần, cháu ở với ông bà nội bên quận khác. 

Tới bữa cơm trưa, tôi mời Ry, cháu đồng ý ngay lập tức, ngồi vào bàn ăn, vẻ mặt rất háo hức, dù ăn rất chậm, tới mức như đếm từng hạt cơm. Thấy lạ, tôi hỏi, cơm không ngon hay con không đói mà ăn ít vậy. Ry nói cháu vừa ngủ dậy, mới ăn sáng xong nhưng cháu ít được ăn cơm kiểu cả gia đình quây quần trò chuyện vui vẻ như vậy, nên tò mò muốn thử, dù bụng đã no.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Từ đó, cuối tuần nào, Ry cũng đến chơi với con gái tôi và chủ động nói: “Cô ơi, cô cho con ăn cùng nha”. Đợt nghỉ học dài vì dịch, cháu xin ông bà sang ở hẳn cùng bố mẹ, gần nhà tôi, mục đích chính là có bạn chơi và được ăn hai bữa cơm trưa - tối cùng mẹ con tôi.

Con gái tôi cũng vài lần xuống nhà Ry chơi, ăn cơm cùng bạn. Con tôi tỉ tê với mẹ: “Con thấy Ry cô đơn lắm. Nhà bạn tới bữa ai đói, cứ ăn trước, mọi người ít khi cùng ăn chung. Ry không phải làm việc nhà như con, nhưng mẹ Ry ít quan tâm tới bạn ấy. Con thấy ba chị em Ry cũng không chơi với nhau. Chị của Ry hay ngồi vẽ, lại lầm lì ít nói. Thằng Siêu Nhân, em Ry, nghịch kinh khủng, toàn phá lúc con với Ry chơi xếp hình… Nên mỗi khi được lên nhà mình ăn cơm, Ry thích lắm”.

Từ đó, tôi để ý Ry hơn, giao vài việc nhẹ cho cháu làm cùng con tôi để cháu có cảm giác có thêm một gia đình. Ry không thích làm người mẫu, nhưng mẹ lại bắt theo học lớp người mẫu nhí. Nhiều lần thấy móng chân, móng tay cháu dài và dơ, tôi giúp Ry cắt gọn.

Dần dần Ry biết cách tự giữ sạch sẽ tóc, móng và những chuyện vệ sinh cá nhân khác. Theo lời Ry kể, mẹ cháu có thể dành hàng giờ chọn đồ, ép cháu mặc bộ này, bộ kia mỗi khi Ry ra ngoài cùng bố mẹ, nhưng việc vệ sinh móng tay, tóc… mẹ Ry ít bày cho con gái.

Ở nhà nội, Ry được ăn cơm cùng ông bà, nhưng bữa cơm có quy định phải giữ im lặng, chứ không vừa ăn vừa trao đổi như khi Ry ở nhà tôi. 

Cô độc vì được bao bọc 

Ngoài Ry, mỗi bữa cơm tối cuối tuần nhà tôi còn có Ben. Ben kém con gái tôi một tuổi nhưng cháu sinh non nên cơ thể nhỏ bé hơn tuổi rất nhiều. Ben kén ăn, lười ăn, hội tụ đủ tính “đỏng đảnh” của một đứa trẻ được chiều. Vì gửi con gái ăn trưa nhà mẹ Ben nên tối tôi thường mời Ben qua ăn cùng, cũng là để giúp cháu bớt kén ăn. 

Ben có một kiểu cô đơn khác với Ry. Được bố mẹ bao bọc kỹ theo cách muốn giữ cho đầu óc con trong sáng, nên kiến thức cũng như kỹ năng ứng xử xã hội của Ben không tốt bằng các bạn cùng lứa. Ba mẹ Ben đều làm ngành IT, phải làm việc online cả ngày, thực phẩm luôn mang tới tận nhà, Ben ít được ra ngoài, thời gian rảnh cháu chỉ được đọc sách, rất hiếm khi bố hay mẹ có thời gian chơi cùng con…

Tôi nhận thấy Ben có EQ thấp: dễ nóng giận, dễ bỏ cuộc, thường xuyên đổ lỗi, hay quên, kém tập trung…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Ngày nay tại nơi công cộng, trong các quán cà phê, khu vui chơi, chúng ta không còn lạ với hình ảnh những ông bố bà mẹ ôm điện thoại, để con chơi một mình. Tôi từng chứng kiến trên vỉa hè chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) một người mẹ trẻ ngồi trên yên xe máy, mải mê bấm điện thoại. Cậu con trai bốn tuổi xém chút nữa bị xe cán khi đột nhiên chạy vọt xuống đường. Đến khi bác xe ôm vừa kéo đứa bé vào, hét lên với chị, chị mới biết con mình vừa thoát chết. 

Châu Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI