Nhà ngoại yêu chiều cháu trai quá mức

11/04/2022 - 13:51

PNO - Điều quan trọng, là sự an toàn và sức khỏe của bà. Tốt nhất là hãy tự mình ở bên bà và lo cho bà

Chào chị Hạnh Dung.

Em năm nay 24 tuổi nhưng rất ít khi trò chuyện được với người bên ngoại vì bên nhà mẹ đẻ của em sống theo tư tưởng trọng nam khinh nữ, gần như là chỉ có cháu trai mới là người được yêu quý nhất thôi. Có một lần em bảo bà ngoại để bát đấy cho thằng cháu trai thua em 1 tuổi rửa, nó liền cãi tay đôi với em: "Mày biết gì mà dám nói tao".

Em nói bà là già rồi, gần 80 rổi, cũng phải để cho nó tự lập, còn mình nghỉ ngơi thôi. Ấy vậy mà bà lại nghĩ là em móc mỉa nó. Bà bảo: "Kệ. Con trai không cần làm cũng được. Còn con gái thì không được phép nói xấu nó". Thế là được thể nó cãi hăng hơn và còn suýt đánh em.

Một lần, nó ngồi chơi game, còn bà rửa bát. Do không cẩn thận bà ngã chảy máu ra trán. Vì nhà em có người làm y tế nên các dì, cậu cuống cuồng gọi điện lên nhà em bảo đưa bà đi viện.

Em bảo mãi bà đừng làm thay nó nữa mà bà vẫn không nghe. Chán quá. Theo chị thì em nên làm gì trong lúc này? Vì đến giờ hơn 80 rồi mà có lúc bà vẫn đi quét dọn trên các bậc thang. Em sợ có ngày con cháu không để ý mà bà ngã cầu thang thì bà đi chầu trời luôn. Lúc ấy có hối hận cũng đã muộn màng.

Liễu Linh Chi

Linh Chi thân mến,

Để có thể nói cho ai đó hiểu và làm theo lời mình thì em cần phải biết cách nói thuyết phục trước đã. Đọc thư của em, Hạnh Dung nghĩ em chưa có được kỹ năng nói chừng mực, nghiêm túc, có tình có lý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Từ một dẫn chứng nho nhỏ như thế, Hạnh Dung cho rằng có thể em có cách nói chuyện với bà và người cháu kia, có lẽ cũng không được ôn tồn, bình tĩnh, ít lý lẽ phân định phải trái nên cậu ta mới quát: "Mày biết gì mà nói tao"? Và ngay cả với bà, nếu em nói chuyện như thế, bà cũng khó đồng ý với em, khi không cảm thấy ở em sự chăm chút, cẩn trọng, yêu thương, trưởng thành...

Cách nói chưa đúng của em thể hiện ngay ở câu em nói về bà: "Vì đến giờ hơn 80 rồi mà có lúc bà vẫn đi quét dọn trên các bậc thang. Em sợ có ngày con cháu không để ý mà bà ngã cầu thang thì bà đi chầu trời luôn". Sao có thể dùng hai từ "chầu trời" một cách đùa bỡn, thiếu tôn trọng, bỗ bã như thế, em nhỉ.

Thay vì cãi vã vào những lúc mâu thuẫn đang lên cực điểm, em nên chọn lúc có thể nói chuyện đàng hoàng, bình tĩnh để nhắc nhở cậu ấy, để phân tích cho bà thấy những nguy hiểm cho an toàn và sức khỏe của bà. Một mình em không nói được thì em vận động cả nhà nhắc nhở, kể cả cho bà thấy rằng cả nhà bất an nếu bà cứ làm những công việc đó.

Hạnh Dung cũng không hiểu hoàn cảnh sống của bà, bà một mình hay có người nào khác bên cạnh ngoài người cháu trai kia? Thay vì chỉ cằn nhằn, lo lắng thì gia đình nên chọn một cháu gái, nếu là em thì càng tốt, sống với bà, để nhắc nhở và chăm sóc bà. Bà 80 tuổi sống một mình hoặc sống với một cháu trai vô tâm và ỷ lại là điều không thể được.

Về phần cậu cháu trai kia, nhắc nhở được đến đâu thì em cố gắng, nhưng nên có cách nói chuyện thể hiện vai trò và sự chững chạc của mình. Cậu ta 23, em 24 tuổi, cũng là tuổi trưởng thành cả, lại là họ hàng trong nhà, sao có thể để cho mâu thuẫn đến mức suýt dùng tay chân với nhau.

Điều quan trọng, theo Hạnh Dung là sự an toàn và sức khỏe của bà. Nếu không thay đổi được cậu trai kia và ý thức của bà, nên nhớ vào tuổi bà rất khó để thay cái gì đó, thì tốt nhất là bỏ qua những cãi cọ, tự mình xung phong ở bên bà và lo cho bà.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI