Nhà ngoại quá thực dụng

29/04/2025 - 08:00

PNO - Có thể bây giờ đây các cháu chưa hiểu hết những gì ông truyền dạy nhưng đó chắc chắn là những hạt giống tốt gieo vào lòng các cháu, chờ đủ thời gian, đủ nắng, đủ gió sẽ nảy mầm.

Gửi cô Hạnh Dung,

Tôi là cựu chiến binh. Những năm tháng hào hùng chiến đấu bên đồng đội thực sự là một phần ký ức thiêng liêng trong tôi. Có lẽ vì thế, tôi rất mong hướng con cháu đến những giá trị lịch sử, cội nguồn.

Những ngày này, TPHCM có rất nhiều hoạt động chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi định sẽ từ quê lên thành phố chơi, sẵn dịp dẫn 2 đứa cháu nội (học lớp Bảy và lớp Ba) ra trung tâm để xem tập luyện diễu binh, diễu hành, trưng bày vũ khí; thăm các bảo tàng... 2 đứa cháu ban đầu rất hào hứng nhưng sau đó lại bảo rằng ông bà ngoại không cho đi, nói “cái đó chán ngắt, có gì mà xem, vừa đông, vừa ồn ào, nguy hiểm”.

Thông gia của tôi làm nghề buôn bán, quen kiểu tính toán sòng phẳng, đôi khi thực tế đến mức thực dụng. Ông bà bên đó cũng không cho các cháu tham gia hoạt động tập thể, cộng đồng, từ thiện vì “chả ích gì”. Vợ chồng con trai tôi sống ở thành phố, gần gũi bên ngoại hơn còn tôi lại ở quê, lâu lâu mới lên chơi. Tôi lo các cháu nhiễm tính thực dụng thì sau này rất khó uốn nắn. Suy nghĩ của tôi có quá lạc hậu trong nhịp sống hiện đại không cô? Tôi cần phải làm gì để giúp cháu mình?

Văn Thắng (Cà Mau)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Bác Văn Thắng kính mến,

Thư bác dẫu ngắn gọn nhưng gây cho Hạnh Dung niềm xúc động và trân quý bởi tình cảm bác dành cho quê hương, đất nước, đồng thời thể hiện tấm lòng của một người ông đầy yêu thương và trách nhiệm với cháu mình. Mong muốn gieo mầm kiến thức, tình yêu về nguồn cội, các giá trị lịch sử cho thế hệ trẻ là đúng đắn, đáng trân trọng, dù trong thời đại nào. Bác không cần lo mình là người lạc hậu.

Bác lo các cháu sẽ “nhiễm” tính thực dụng của nhà ngoại - đó cũng là nỗi lo có căn cứ. Bằng chứng là ông bà ngoại thường không thích, không cho các cháu tham gia hoạt động tập thể, cộng đồng, từ thiện - những việc không mang đến lợi ích trực tiếp đo đếm được. Điều đó xuất phát từ quan điểm, góc nhìn mỗi người. Vì nhiều lý do tế nhị, bác không thể và cũng không nên làm điều gì nhằm thay đổi suy nghĩ của ông bà thông gia. Việc đó rất khó, lại có nguy cơ làm mất hòa khí giữa 2 nhà.

Người bác có thể tác động là con trai và con dâu. Trong chuyến đi này, bác hãy lựa lời nói chuyện với các con; cho con hiểu về suy nghĩ, mong muốn của bác để các con ủng hộ. Bác cũng đừng phán xét, đánh giá cách nghĩ của ông bà thông gia trước mặt con, cháu. Việc ông bà ngoại không cho cháu đi xem tập luyện diễu binh, diễu hành có thể đơn giản là lo cho sức khỏe, sự an toàn của trẻ nhỏ. Nếu bác tranh thủ được sự đồng tình của con thì con trai và con dâu sẽ có cách nói chuyện với ông bà ngoại sao cho êm đẹp nhất. Các con cũng sẽ hỗ trợ chuyện đưa đón, các phương án ăn uống, nghỉ ngơi, góp phần cho kế hoạch của ông cháu được trọn vẹn.

Giáo dục truyền thống cho trẻ nhỏ là một quá trình. Bác có lợi thế rất lớn khi chính cuộc đời, sự nghiệp của bác cũng là một phần lịch sử. Dù không ở gần, bác hoàn toàn có thể biến mỗi lần lên thăm cháu là một lần giúp cháu thêm yêu lịch sử dân tộc. Đó có thể là những câu chuyện sinh động ông kể về những anh hùng dân tộc, về “ngày ấy ông đã chiến đấu ra sao”; là những lần ông dẫn cháu đi thăm bảo tàng, di tích; là những bộ phim lịch sử ông cháu cùng xem; là những quyển sách ông mua tặng cháu…

Với trẻ nhỏ, tình yêu đến rất tự nhiên; không cần lên gân, khoa trương. Chỉ cần bác yêu thương thật lòng, các cháu sẽ cảm nhận được, sẽ cùng yêu thương, trân quý những gì ông nội yêu thương, trân quý.

Bác cũng đừng nôn nóng. Có thể bây giờ đây các cháu chưa hiểu hết những gì ông truyền dạy nhưng đó chắc chắn là những hạt giống tốt gieo vào lòng các cháu, chờ đủ thời gian, đủ nắng, đủ gió sẽ nảy mầm.

Chúc bác vui khỏe, kiên trì với những giá trị tốt đẹp bác mong trao gửi.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI