Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng: "Đọc sách để làm việc và làm người"

07/02/2024 - 06:00

PNO - Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng vẫn thường mua sách tặng và khuyến khích con cháu đọc. Ông nói đọc sách để làm việc, thêm hiểu biết và để học làm người.

Khảo luận về Tết là một trong những tựa sách được in gần đây của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Ngày 25 tháng Chạp vừa qua, ông đã về Đường sách TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) trò chuyện về chủ đề Tết với bạn đọc đồng bằng

Trong câu chuyện trước thềm Xuân, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM cũng ghi nhận những chia sẻ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng về ký ức đọc sách của ông từ những mùa xuân xưa.  

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã in gần 100 đầu sách nghiên cứu văn hóa. Ảnh: Quỳnh My
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã in gần 100 đầu sách nghiên cứu văn hóa - Ảnh: Quỳnh My

* Phóng viên: "Lan tỏa văn hóa đọc", "truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh, sinh viên" là những cụm từ được dùng trong nhiều năm trở lại đây. Không biết câu chuyện về việc đọc sách của ông trong những năm tháng còn đi học như thế nào? 

Giai đoạn làm việc ở Viện Khoa học Xã hội miền Nam, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng được phân công phụ trách nghiên cứu văn học - văn hóa dân gian của người Chăm, Khmer, người Việt...

Ông đã viết hàng chục đầu sách nghiên cứu văn học - văn hóa Việt Nam. Một số tác phẩm của ông được xuất bản gần đây: Nghìn năm bia miệng - Sự tích và giai thoại dân gian Nam Bộ, Câu chuyện văn hóa, Thần Đất - ông Địa và thần Tài,  Khảo luận về tết, Đồng dao và trò chơi truyền thống...

- Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Năm 1971, tôi từ quê nhà Quảng Ngãi vào Sài Gòn học tập. Lúc đó trọ học, cũng phải làm đủ mọi việc để mưu sinh: gia sư, khiêng vác thuê, bán báo... Tôi tham gia hoạt động nội thành nên lúc đó đọc báo chủ yếu quan tâm đến thông tin thời sự về tình hình chính trị, chiến sự mà chưa để tâm đến những bài viết về đời sống xã hội.

Cho đến khi về công tác tại Viện Khoa học xã hội miền Nam (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam), do yêu cầu công việc, tôi đọc tư liệu nhiều hơn. Mà chủ yếu là đọc sách ở thư viện. Tôi thường xuyên đọc, dịch bài từ sách nước ngoài. 

Một số tựa sách đã in của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Ảnh: Quỳnh My
Một số tựa sách đã in của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - Ảnh: Quỳnh My

* Năm tháng ấy ông có từng được tặng món quà sách đặc biệt nào không?

- Không có đâu (cười). Lúc đó lương tháng 5-6 đồng mà giá sách thì đắt, có cuốn vài ba cắc nhưng cũng có cuốn phải mất đến vài đồng bạc. Hồi ấy sách bán phổ biến là truyện, tiểu thuyết, chứ cũng không có nhiều sách nghiên cứu. Tôi rất thích đọc Bách khoa toàn thư, các sách về mỹ thuật kiến trúc và cũng chủ yếu là đọc từ nguồn sách báo phương Tây. Rồi cũng hay đi mấy khu chợ sách tìm kiếm sách tư liệu. 

"Kiến thức trong những bộ bách khoa thư là cả kho tàng tri thức quý báu của nhân loại mà không chỉ trẻ con, người lớn cũng rất nên tìm đọc".

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Năm 1978, tôi mua được bộ Bách khoa toàn thư cho trẻ em (6 tập), được in bìa cứng, rất đẹp. Đọc thấy tâm đắc quá, tôi và vài người bạn nữa cùng nhau dịch ra tiếng Việt rồi gửi cho một anh bạn làm xuất bản.

Bẵng đi vài năm sau, tôi thấy sách in ra nhưng đứng tên anh ấy. Giận quá tôi viết thư gửi nhà xuất bản thì bộ sách ngừng phát hành các tập sau. Cho đến giờ, bản dịch gốc năm ấy cũng đã mất, tôi thật sự rất tiếc. 

Sau này, Bách khoa toàn thư được dịch, in rất nhiều và cũng rất đẹp. Tôi luôn mua tặng và khuyến khích con cháu trong nhà đọc. 

Ngày 3/2, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có buổi giao lưu nói chuyện về Tết, tại Đường sách TP Cao Lãnh. Ảnh: Quỳnh My.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: "Văn hóa có 2 đặc điểm cơ bản là luôn thay đổi và có thể học tập được" - Ảnh: Quỳnh My

* Cả cuộc đời gắn bó với sách và để lại cho đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, ông gửi gắm điều gì đến người trẻ hôm nay về giá trị của việc đọc sách?

- Tôi đọc sách có mục đích là để phục vụ công việc nhưng cũng từ quá trình đọc phục vụ cho công tác nghiên cứu mà bản thân cũng tăng thêm kiến thức, hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Thế giới bao la, bể học vô tận và tri thức thì vô hạn, cho nên người đọc cũng cần có sự chọn lọc phù hợp giá trị cho bản thân. 

Giá trị của việc đọc sách, tôi nghĩ có 2 điều quan trọng cần nói: đó là đọc sách để làm việc và đọc sách để làm người. Hay nói cách khác là khai trí và khai tâm, mở rộng kiến thức, vốn hiểu biết và cũng là khai mở nhận thức, trí tuệ. Tôi tin rằng sự tri nhận sẽ giúp bạn trẻ có tư duy phản biện tốt, có chính kiến và nhìn nhận mọi việc sáng rõ hơn. Suy cho cùng, mọi giá trị đều hướng đến chân thiện mỹ. 

* Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

Quà sách ngày xuân sẽ trở thành một giá trị văn hóa mới

Văn hóa là những giá trị được cộng đồng chấp nhận và sẻ chia, gìn giữ qua thời gian. Ở góc độ tiếp cận mới, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ: "Văn hóa ở đó như chúng ta biết có 2 đặc điểm cơ bản là luôn thay đổi và có thể học tập được. Ở mỗi tọa độ địa lý lịch sử, người ta luôn phải tiến hành việc tổng hợp mới - cũ và tích hợp nội - ngoại để xác lập lên cơ cấu văn hóa đương đại cho cộng đồng mình".

Nhiều năm trước, khi bàn về văn hóa tặng quà tết, người ta vẫn thường nhắc đến vật phẩm, những phong bao đỏ... Nhưng vài năm trở lại đây, quà sách tết đã luôn được gợi nhớ và truyền cảm hứng đến bạn yêu sách. Một món quà sách ngày xuân tao nhã, có giá trị về tinh thần và ý nghĩa như một kỷ niệm quý trong năm tháng của mỗi người. 

Sách rực rỡ mừng xuân. Ảnh: nhà xuất bản Trẻ
Sách rực rỡ mừng xuân - Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Mùa xuân năm 1944, khi nhận được quà sách từ bạn hữu, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã viết bài tản mạn Ngày xuân đọc sách trên Nam Kỳ tuần báo (số ra ngày 13/4/1944). "Ngày xuân mà được đọc sách thì may mắn biết chừng nào. Có lẽ nhờ vậy mà ra Giêng bắt đầu làm việc lại, tinh thần thêm mạnh mẽ, tâm trí như thanh xuân. Nhờ mấy quyển sách này mà năm nay tôi được ăn tết với một tâm hồn vừa thanh cao vừa thơ bé, vừa nồng nàn ái quốc vừa ẩn nhẫn từ bi..." - nhà văn viết. 

Trước thềm Xuân 2024, nhiều bạn đọc/phụ huynh đã chia sẻ về những quyển sách mua làm quà, tặng sách cho con hoặc những món quà sách được nhận. Trong niềm hân hoan mừng xuân mới, quà sách hiện diện như một phần của niềm vui, một giá trị được trao nhận và chia sẻ. Với những giá trị ý nghĩa được cộng đồng tích cực lan tỏa, lì xì sách tết sẽ trở thành nét đẹp văn hóa bền vững cho những mùa xuân sau. 

Lục Diệp (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI