Truyện Kiều hiện đã có hơn 70 bản dịch ở nhiều quốc gia và đã trở thành danh tác, nhân vật Thúy Kiều đã trở thành “công dân quốc tế”. Trong cuốn Những kiệt tác văn chương ngoài phương Tây của Thomas L. Cooksey có dành hẳn một chương để nói về Truyện Kiều. Truyện Kiều còn được viết trong một cuốn sách hướng dẫn giảng viên giảng dạy văn học thế giới.
Trong các dự án kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du đã được khởi động từ vài tháng cuối năm nay, đều có nguồn tài trợ từ các tổ chức văn hóa nước ngoài. Chẳng hạn như vở kịch đương đại Nàng Kiều do Viện Goethe tại Việt Nam tổ chức, hay vở nhạc kịch Kim Vân Kiều do Viện Pháp tại Việt Nam và IDECAF phối hợp với Trung tâm Văn học Nghệ thuật TP.HCM tổ chức…
Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, cho đến nay, các nhà làm văn hóa ở Việt Nam chưa có được những hoạt động văn hóa hay những nghiên cứu đúng tầm về Nguyễn Du, hay về Truyện Kiều - một tác phẩm lớn của dân tộc. Đó là một điều đáng buồn.
Phóng viên: Ông có thể nói sơ lược vài ý để bạn đọc có thể hình dung được phần nào tầm vóc của Nguyễn Du và Truyện Kiều?
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Thứ nhất: về ngôn ngữ, ngay câu mở đầu: Trăm năm trong cõi người ta, nếu người đọc sâu sắc sẽ tìm thấy ít nhất sáu tầng nghĩa. Trăm năm: 1/ Quy ước về một đời người, 2/ Mãi mãi - vĩnh viễn, 3/ Trời định, 4/ Tình duyên, 5/ Đối sánh câu đầu và câu cuối của Truyện Kiều: “Trăm năm… trống canh” sẽ thấy triết lý đời là phù du, vô thường, mộng ảo, 6/ Đối sánh ngay trong câu ấy sẽ thấy tương quan của thời gian và không gian: “trăm năm” (thời gian) tương sánh với “cõi người ta” (không gian).
Nguyễn Du còn là vua của trò chơi “vu hồi ngôn ngữ”, khuyến khích người đọc suy nghĩ đa chiều để thấy cuộc sống luôn tồn tại nhiều mặt trong cùng một vấn đề: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều, hay Có trời mà cũng tại ta… Ông không đánh lừa người đọc, mà từ sự vu hồi ấy cho thấy ở đời mọi sự đều phức tạp.
Tiếng Việt có những điểm thua các ngôn ngữ khác, nhưng riêng hai phương diện: nhạc điệu và hình ảnh thì xếp vào hàng… thượng thừa. Đại thi hào Nguyễn Du chính là người làm cho tiếng Việt và thể thơ lục bát lên đến đỉnh cao. Đáng lưu ý là Truyện Kiều ra đời cách đây hơn 200 năm, khi hệ thống chữ nôm còn chưa hoàn thiện, mà Nguyễn Du đã sáng tác một tác phẩm hoàn chỉnh đến vậy.
Thứ hai: sống trong một xã hội mặc định “nam tôn nữ ti” mà ông lại viết về phụ nữ trìu mến nhất, tôn trọng nhất. Từ cái rất nhỏ trong cuộc sống, ông nâng tầm thành cái chung của mọi người, vì vậy người ta có thể lẩy Kiều trong nhiều hoàn cảnh, chẳng hạn câu: Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần có thể sử dụng dịp đỗ đạt, khi hạnh phúc, lúc cưới hỏi… Tiếp cận Truyện Kiều nên tiếp cận ở yếu tố vũ trụ và nhân sinh, vượt ra khỏi cái nhìn hạn hẹp. Thế giới kính nể Nguyễn Du vì cái nhìn nhân văn, triết lý nhân sinh, tinh thần cởi mở đó.
* Ông từng nói mối quan hệ của các nhân vật trong Truyện Kiều tương ứng với bốn nguyên tố tạo nên thế giới là đất, nước, gió, lửa. Ông có thể cụ thể điều này?
- Khi đọc sách cỗ bài Tarot đúc kết minh triết phương tây về 4 nguyên tố đất, nước, gió, lửa (tôi đã nói trong cuốn Người về với Như), rồi đọc mấy chục cuốn của triết gia Gaston Bachelard, tôi thấy hay quá. Điều này trùng hợp với khái niệm thân tứ đại của phương Đông, bốn yếu tố đó có ở bên ngoài cảnh vật, bên trong thân và tâm mỗi người.
Nhiều câu thơ của Nguyễn Du mang ba tầng nghĩa như vậy. Kiều với Kim Trọng là nước, Kiều với Từ Hải là gió, Kiều với Thúc Sinh là đất và Kiều với Giác Duyên là lửa. Trong đó, chỉ có thành tố nước là có tính phản chiếu, vì vậy đó là mối quan hệ của tình yêu. Đất vừa có nghĩa là sinh sôi, nhưng cũng vừa mang nghĩa chết chóc, chôn vùi. Vì vậy đại diện cho mối quan hệ đầy thực tế, dựa trên tiền bạc giữa Thúc Sinh và Kiều. Gió mang hình ảnh đại diện là gươm đao, và đó là mối quan hệ giữa Kiều và Từ Hải. Lửa vừa là hình ảnh trí huệ của Phật giáo, vừa là lửa đốt tâm dục vọng, vì vậy đó là mối quan hệ giữa Kiều và Giác Duyên.
Người đọc có thể thấy những câu thơ mang ảnh tưởng nước mỗi khi Kiều và Kim Trọng gặp nhau: Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha, hay Đủ điều trung khúc ân cần/Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng. Tương tự, nhiều hình ảnh liên quan đến gió, lửa và đất cũng có trong các câu thơ khi Kiều xuất hiện cùng các nhân vật khác. Rõ ràng thiên tài Nguyễn Du vẫn còn khiến ta bỡ ngỡ.
* Truyện Kiều đẹp là thế, nhưng vì hệ thống chữ nôm không hoàn chỉnh nên có nhiều dị bản khiến bạn đọc bối rối, thưa ông?
- Chính vì điều đó mà tôi có khuynh hướng đọc Kiều theo kiểu so sánh các bản khác nhau, và chọn những từ cho là tinh túy, xứng đáng với thiên tài của Nguyễn Du. Ví dụ hai câu nói về Đạm Tiên: Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng. Theo tôi đây không phải là câu thơ hay, nhiều nhà thơ khác cũng nói được không cần đến Nguyễn Du. Hai câu trong bản Liễu Văn Đường năm 1871: Sống thì tình chẳng riêng ai/ Khéo thay thác xuống ra người tình không.
Rất có thể Nguyễn Du nói như vậy khi xét về mặt dùng chữ xuất chúng. Tôi không phải là người phát hiện, cũng như có bằng chứng, nhưng tôi thấy hai câu này tài tình. Hoặc hai câu khác lúc Kiều gặp Kim Trọng: Hải đường lả ngọn đông lân/ Giọt sương chíu nặng cành xuân la đà. Chữ chíu, có bản in chữ trĩu, có bản in chữ gieo, tôi chọn chữ chíu vì nó nhẹ hơn chữ trĩu và gieo, làm cho hình ảnh trong câu thơ đẹp hơn.
* Có rất nhiều câu thơ xuất chúng trong Truyện Kiều, nhưng câu nào khiến ông tâm đắc nhất?
- Thân tàn gạn đục khơi trong/ Là nhờ quân tử khác lòng người ta. Lỡ từ lạc bước bước ra/ Cái thân liệu những từ nhà liệu đi. Liệu bài mở cửa cho ra/ Ấy là tình nặng ấy là duyên sâu. Hoặc câu: Sư rằng: Song chẳng hề chi/ Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều. Những lúc tuyệt vọng, đọc câu này lên thấy được giải thoát, thấy cơ duyên còn nhiều. Ở đây, Nguyễn Du dùng thủ pháp tách ghép chữ cân nhắc và chữ đi lại rất tài tình.
Tôi thích những câu trên vì nó đơn sơ và Việt Nam vô cùng. Nó có cái nhìn mở về tương lai. Tôi yêu những cái nhìn vươn lên, hướng về phía ánh sáng như vậy. Câu nào của Nguyễn Du cũng đầy tư tưởng, triết lý nhưng nói ra rất nhẹ, không làm dáng, không nhại tàu, không nói theo Khổng Tử.
* Ở vị trí một nhà giáo, theo ông nên có một chương trình dạy Truyện Kiều như thế nào ở các trường trung học và đại học, để học sinh - sinh viên từng bước thấy được cái tầm của Nguyễn Du và Truyện Kiều?
- Thật ra tôi không lo học sinh sẽ cảm nhận Truyện Kiều như thế nào, mà chỗ đáng lo hơn là giáo viên. Bao nhiêu năm qua, giáo viên vẫn thường dạy Kiều theo kiểu không để học sinh tư duy, đúng hơn là bắt học sinh tư duy theo một kiểu có sẵn. Các kiểu dạy như tư tưởng chống phong kiến, lên án đồng tiền của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Tư tưởng của Nguyễn Du không hạn hẹp như thế.
Mộng Liên Đường chủ nhân đã nói về Nguyễn Du: Nhãn phù lục hợp/ Tâm quán thiên thu, mà tôi dịch thành Mắt trôi sáu cõi/ Tâm tràn thiên thu. Một quyển sách xứng đáng cho thấy cái đẹp và cái tầm của Nguyễn Du cũng chưa có. Giáo viên cứ nói mãi những điều không phải của Nguyễn Du như chống phong kiến, lên án đồng tiền. Nguyễn Du không biết xã hội ông sống là xã hội phong kiến. Tôi cho rằng dùng từ chống phong kiến là sai cơ bản. cái ông chống là cái ác, cái xấu, mà ông gọi là những người bạc ác tinh ma. Nếu có sống dậy, thì ông vẫn chống điều ấy.
Trong khi đó, trong giáo trình hướng dẫn dạy Truyện Kiều của nước ngoài, họ đưa ra những khuynh hướng đọc Kiều, những gợi ý và đặt ra những câu hỏi theo hướng mở để sinh viên tư duy.
Họ đặt ra một số câu hỏi dành cho sinh viên như: “Kiều là nạn nhân của vô số tội ác mà vẫn sống sót, qua tất cả những khủng khiếp mà nàng đã trải qua, bạn hãy viết bài tiểu luận tranh luận Kiều là nhân vật chủ động hay thụ động?”, “Qua Truyện Kiều, hãy đề cập thi pháp, tài khéo thi ca trong đó, giải thích những giá trị mà tác giả đã đem đến cho văn chương”, “Truyện Kiều chứa đựng những câu thơ lãng mạn, qua nhiều tình yêu mà nàng đã trải nghiệm, hãy xem xét những hiệu quả mà tình yêu đã đem đến trong thế giới, và viết những giá trị đưa đến những tình yêu ấy”… Tất cả những câu hỏi đều gợi mở chứ không đưa ra một chân lý nào. Tôi cho rằng những câu đó hay hơn sách giáo khoa ở ta.
* Xin cảm ơn ông.
Lâm Hạnh (thực hiện)