Nói về câu chuyện “bản sắc”, “thuần Việt”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng khẳng định: “Cái thế chòng chành giữa áp đặt và giã từ, giữa thế giới hóa và bảo vệ văn hóa dân tộc làm cho quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra không dứt khoát, tạo ra một cơ cấu văn hóa nhọc nhằn”.
Lịch sử văn hóa Việt Nam là lịch sử giao lưu văn hóa
Phóng viên: Hiện nay, người ta hay nhắc “rác văn hóa”, “văn hóa ngoại lai”… với hàm ý cần phải loại trừ. Ông lại nói về lịch sử giao lưu văn hóa. Cụ thể ra sao, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Xuất phát điểm của văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa nhỏ, không có thành tựu gì về triết học, lại nằm giữa hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Hoa; lại bị xâm lược, bị cưỡng bức văn hóa lâu dài, nên ở xứ mình, văn hóa là một mệnh đề kép: văn hóa lúc nào cũng đi kèm với dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử, ta luôn lấy trụ dân tộc làm tư tưởng văn hóa. Không ít người, cả giới trí thức cho rằng, cái gì không phải của mình thì không phải là văn hóa.
Kể từ cuộc hôn phối giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, lịch sử văn hóa Việt Nam đã là lịch sử giao lưu văn hóa. Do đó, đừng cảnh báo về “văn hóa ngoại lai”, cũng đừng nên gọi đó là những thứ “rác văn hóa”. Ở mỗi thời điểm lịch sử, mỗi tọa độ địa lý, nhiệm vụ của cộng đồng đó là tập hợp những cái cũ, tích hợp nội - ngoại, để tạo nên thiết chế văn hóa, cơ cấu văn hóa đương đại cho cộng đồng mình.
Đó là quy luật phát triển văn hóa nói chung, nước nào cũng vậy. Ta hay nhắc tới từ “nội hôn” và xem đó đồng nghĩa với suy vong. Từ đó, ta có thể suy ra, văn hóa mà “nội hôn” thì hỏng rồi.
|
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng |
* Giá trị của tiếp biến văn hóa nằm ở đâu?
- Tiếp biến văn hóa làm cho cơ cấu văn hóa trưởng thành, đa dạng và phong phú hơn. Nhiều lúc, ở giai đoạn đầu, tiếp biến văn hóa là cục u bướu, làm ta khó chịu. Song một thời gian sau, lịch sử đã chứng minh, nó lồng ghép vào cơ thể ta một cách hoàn hảo.
Trong cuốn Sài Gòn - Gia Định - Ký ức lịch sử văn hóa, tôi có viết kỹ về chiếc bánh mì. Bánh mì theo chân người Pháp đến Sài Gòn, xuống Nam kỳ lục tỉnh, ra miền Bắc, rồi phổ biến toàn quốc. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cụ Nguyễn Đình Chiểu viết: “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ” - xem bánh mì, rượu chát là những thứ văn hóa ngoại lai. Giờ, bánh mì trở thành một nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam và đi ra thế giới với danh từ riêng là “banh mi”.
* Vậy, phải hiểu như thế nào cái gọi là “bản sắc”, “thuần Việt”?
- “Bản sắc” nghĩa là chúng ta giữ tiến trình văn hóa đó phát triển không đứt gãy. Văn hóa không phải là một cái cục bất di bất dịch mà ta ôm khư khư. Còn “thuần Việt”, làm gì có “thuần Việt”. “Chỉnh” là ghê lắm rồi. “Chỉnh”, tức là nếu thêm một thì dư, bớt một lại thiếu. Thuần sao mà thuần được?
Tiếp biến văn hóa nhọc nhằn
* Quá trình tiếp biến văn hóa ở nước ta diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Quá trình tiếp biến đó cộng vào nhiều thứ mới, làm giàu có văn hóa Việt Nam; nhưng đó cũng là một quá trình tiếp biến bị đứt gãy, nhọc nhằn, không hề suôn sẻ. Việc nghiên cứu lịch sử văn hóa luôn bị đặt vào một định đề kép: bản sắc dân tộc luôn được đồng nhất với tính văn hóa, lịch sử văn hóa không tách rời chủ nghĩa dân tộc, thậm chí lấy chủ nghĩa dân tộc làm nòng cốt tư tưởng văn hóa. Chính điều này làm cho quá trình hội nhập trong lịch sử nước ta là những bước đi ngập ngừng, thậm chí bị đứt gãy, dù có không ít cơ hội đã đến.
* Vì sao vậy?
- Việt Nam có nhiều năm bị áp bức văn hóa nên luôn có sự phản ứng. Ví dụ, nhìn lại 100 năm qua, âm điệu phương Tây là âm điệu chủ đạo trong trường ca về văn hóa. Nhưng những tiếp nhận văn hóa phương Tây không đồng đều trong mọi tầng lớp. Suốt 100 năm đó, có nhiều phong trào (có đích và đường, có quy mô khác nhau) diễn ra, nhưng đều đặt trên nền tảng chủ nghĩa dân tộc. Người ta lên án những trào lưu văn hóa ngoại lai. Nhưng cái gì đến sẽ đến. Chúng ta đang nhìn sự vật như ta “muốn là” chứ không nhìn như nó “vốn là”; trong khi đó, nhìn như nó “vốn là” mới khách quan, khoa học.
* Ý ông là, chúng ta đang có sự áp bức về văn hóa thông qua các định chế?
- Những định chế đó là những cái không có nền tảng. Chủ nghĩa Mác nói rất rõ về quy luật phát triển - chẳng có cái gì đứng nguyên một chỗ. Chúng ta đang nhân danh sự ổn định, nhân danh chủ nghĩa thuần khiết để buộc người khác phải thế này thế kia. Khi hiểu quy luật phát triển, chúng ta mới đón nhận, tiếp nhận các luồng văn hóa bên ngoài một cách chủ động được.
Bảo vệ truyền thống là nỗ lực đảm bảo tính liền mạch của văn hóa. Phải hiểu mình có gì và hiểu người ta thế nào. Ở đây đòi hỏi đi sâu nghiên cứu để tìm ra cái gen di truyền của di sản văn hóa, tiến hành cuộc tổng hợp với các vật liệu mới để tái cấu trúc một thực thể văn hóa mới.
* Xin cảm ơn ông.
Đậu Dung (thực hiện)