Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Yêu nước phải đi kèm với chính nghĩa

16/05/2014 - 11:30

PNO - PN - “Trước tiên cần phải khẳng định, Việt Nam không tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc (TQ) mà là bảo vệ chủ quyền của Việt Nam - đã được xác lập. Tôi muốn nói rõ điều này vì hiện vẫn có những cách nói không chính xác là...

edf40wrjww2tblPage:Content
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ như trên.
 
Nha nghien cuu Dinh Kim Phuc: Yeu nuoc phai di kem voi chinh nghia
 
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc 
 

 * Thưa ông, TQ luôn cho là mình có chủ quyền lịch sử với Hoàng Sa và Trường Sa là thế nào?

- TQ tự cho là có chủ quyền lịch sử, nhưng bằng chứng đâu? Không có sử sách, tài liệu nào chứng minh. Công pháp quốc tế cũng không có khái niệm này. Đọc lại lịch sử TQ, ta thấy rằng họ không tiến được ra hướng Bắc, Đông và Tây vì lý do địa lý và ý nghĩa tác động quân sự. Do đó, khi muốn mở rộng, thôn tính các nước khác thì phương Nam luôn là sự lựa chọn của họ.

Nhưng, Việt Nam thì có lịch sử chủ quyền, ít nhất từ thế kỷ XVII, thể hiện qua các châu bản, các sắc lệnh của nhà nước, ngoài ra ta còn có tổ chức bộ máy nhà nước và quân đội kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa vào thời kỳ đó. Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã được thể hiện trên bản đồ quốc gia, được quốc tế thừa nhận. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đa số các quốc gia đã biểu quyết Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trong khi đó, cái “chủ quyền lịch sử” của TQ chỉ là chủ quyền… miệng.

* Gần đây đã xảy ra một số vụ tuần hành dẫn đến hành động quá khích, ông nghĩ sao về sự việc đáng tiếc này?

- Tuần hành yêu nước là chính đáng, nhưng vấn đề là thể hiện lòng yêu nước đó như thế nào để không bị kẻ địch lợi dụng. Từ tuần hành chuyển sang đập phá, gây rối thì hành vi đó phải bị lên án, trừng trị theo đúng pháp luật.

* “Tuần hành” kiểu ấy thì mất cái gì, thưa ông?

- Mất chính nghĩa! Ta chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, nay lại có những kẻ manh động vô tổ chức như thế, làm sao kêu gọi được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế? Hành động đó đã làm xấu đi ý nghĩa của cuộc đấu tranh chung bảo vệ chủ quyền của dân tộc.
Tôi cho rằng hành động đó không phải là bản chất người Việt, mà có yếu tố phá hoại, giật dây của kẻ đối lập với độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Nếu bất kỳ lực lượng nào chủ trương tuần hành mà không nhằm mục tiêu chống xâm lược, không kiểm soát tình hình, để dẫn tới đập phá, bạo loạn… thì hành vi đó cũng giống như phá hoại - trong tình hình cần đoàn kết, nhất trí để xây dựng nội lực.

* Khi thực hiện các mưu đồ xâm chiếm, ngoài dùng vũ lực, kẻ địch thường sử dụng các chiêu trò gì khác? Trong lịch sử đã có quốc gia nào là nạn nhân của các chiêu trò này?

- Đó là chiêu cài người nội gián, khi gặp thời cơ là phá rối trật tự của đối phương. Indonesia và Malaysia từng thấm thía những bài học xương máu. Các thế lực nước ngoài đã khai thác yếu tố dân tộc và chủng tộc để phá hoại nội lực và sự đoàn kết của quốc gia. Chẳng hạn, Malaysia từng xảy ra xung đột giữa người Hoa và người Mã năm 1969.

* Vậy thì chúng ta nên hành động thế nào?

- Khi đã hiểu vấn đề, chúng ta không để mắc mưu chúng. Tôi tin mọi người đồng tình rằng, chúng ta chống nhà cầm quyền TQ khi họ trắng trợn vi phạm chủ quyền của Việt Nam, chứ chúng ta không chống nhân dân TQ, nhất là những người sang Việt Nam thật sự vì mục tiêu đầu tư, kinh doanh chính đáng, hợp pháp…

Trong thời điểm này, việc tăng cường đoàn kết với cộng đồng người Hoa cũng là điều cần thiết. Nhìn từ góc độ văn hóa, tôi cho rằng mối quan hệ giữa người Việt và người Hoa ở Việt Nam đã có sự gắn bó lâu dài. Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng nói: “Quyền lợi của người Hoa là ở nơi đất nước họ đang sinh sống, chứ không phải nơi tổ tiên họ ra đi”. Lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay không có truyền thống bài người Hoa. Tôi nghĩ, cộng đồng người Hoa ở Việt Nam cũng đồng ý với suy nghĩ này. Hơn nữa, người Việt không có tư duy dân tộc hẹp hòi, cực đoan, nên gặp lúc “sơn hà nguy biến”, chúng ta vẫn tạo được sự đoàn kết của các dân tộc đang sống chung trong một cộng đồng. Ta có sự đoàn kết này thì dù TQ có động thái gì khác cũng không thể khiến người Việt Nam quên đi mục tiêu là phải đồng lòng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Trên mặt trận pháp lý, hành động của TQ - dùng vũ lực cưỡng chiếm lãnh thổ có chủ quyền vừa qua là hành vi xâm lược vi phạm điều 2, khoản 4, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có quyền hành xử theo điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc là dùng quyền đánh trả tự vệ. Ngoài ra chúng ta cần sử dụng luật pháp quốc tế giải quyết tận gốc hành động sai trái
của TQ.

* Xin cảm ơn ông.

 L.M.Quốc - N.Lan thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI