Nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung: Góp yêu thương và tử tế cho đời

16/07/2017 - 06:30

PNO - Anh thường nói với phụ huynh: “Trước khi muốn con bạn trở thành thiên tài thì hãy dạy chúng trở thành người tử tế”.

Có tham gia những hoạt động của nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam mới hiểu phần nào tình yêu của anh Phùng Mỹ Trung - nhà nghiên cứu đa dạng sinh học, dành cho thiên nhiên và trẻ em.

Nha nghien cuu da dang sinh hoc Phung My Trung: Gop yeu thuong va tu te cho doi
"Bác Trung" đang chuẩn bị bài giảng bên đống lửa trại

Xót những cánh rừng bị tàn phá, sinh vật rừng bị sát hại bởi những kẻ tham lam, kém hiểu biết, anh đã thành lập nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam để gieo vào lòng trẻ em tình yêu và cách bảo vệ thiên nhiên. Hạt mầm tình yêu anh Trung đã gieo cứ lớn dần trong lòng các em qua những chuyến dã ngoại và những buổi tìm hiểu thiên nhiên mà nhóm tổ chức cho các gia đình có con từ 2-16 tuổi.

Yêu thiên nhiên và trẻ em

Anh Trung sinh ra ở Phú Thọ, lớn lên trong rừng nên yêu rừng từ bé và tích lũy được nhiều kỹ năng đi rừng mà theo anh thì “thả vào rừng kiểu gì tôi cũng không chết”. Phùng Mỹ Trung học kinh tế, đang là cán bộ của Cục Hải quan Đồng Nai nhưng lại được biết đến nhiều trong vai trò nhà nghiên cứu sinh vật rừng.

Những cánh rừng Việt Nam luôn cuốn hút bước chân anh. Với anh, rừng là ngôi nhà lớn mà ở đó anh vừa cảm thấy an toàn, vừa có nhiều điều để khám phá. Cũng chính rừng đã đem lại cho anh nhiều giải thưởng khoa học và là nguồn tư liệu vô tận để anh thực hiện các bài báo quốc tế… Thiên nhiên đang bị tàn phá nghiêm trọng mà cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này là phải dạy cho trẻ em những kiến thức về thiên nhiên, để từ đó các em biết yêu quý và bảo vệ thiên nhiên.

Từ suy nghĩ đó, những năm gần đây anh không một mình lang thang trong rừng chụp ảnh và nghiên cứu các loài sinh vật nữa, mà dành thời gian dẫn trẻ em vào rừng, ra biển… kể những câu chuyện thú vị và dạy cho các em những bài học trực quan sinh động.

Phải giáo dục trẻ em biết bảo vệ thiên nhiên vì chính trẻ sẽ nhắc nhở người lớn không phá hoại thiên nhiên và mai này, chính những đứa trẻ ấy sẽ là người giữ rừng, giữ biển. Anh còn quan niệm, khi biết rung động với thiên nhiên, biết tự tay trồng một cái cây hay âu yếm một con vật thì trẻ sẽ lớn lên một cách hiền lành, trong sáng. 

Nha nghien cuu da dang sinh hoc Phung My Trung: Gop yeu thuong va tu te cho doi
"Bác Trung" đang dạy về các loài bướm

Từ đó, anh lặng lẽ một mình thành lập nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam, hoạt động theo mô hình: các bé cùng người thân tham gia những buổi dã ngoại như đến Vườn quốc gia (VQG) Nam Cát Tiên tìm hiểu về rừng mưa nhiệt đới, đến VQG Núi Chúa để thả rùa con ra biển và tìm hiểu về loài rùa, đi trồng rừng ở Thác Mai, Bình Châu… Ban đầu, chỉ mình anh lo mọi thứ, từ lên chương trình, chuẩn bị chỗ ăn ở cho các gia đình, tính toán việc cân đối chi phí và dĩ nhiên là cả việc giảng bài cho cả đoàn.

Nhờ học với “bác Trung” mà các em được nghe nhiều câu chuyện thiên nhiên kỳ thú, được sờ vào tiêu bản, nhìn bằng kính hiển vi, được chơi với rắn và cá sấu nhỏ… nhất là được thoải mái đặt câu hỏi, nên bọn trẻ rất mê “bác Trung”. Tình yêu thiên nhiên của anh dần lan tỏa đến mọi người, nên từ chỗ chỉ đơn độc một mình, nay anh đã có thêm nhiều cộng sự và tình nguyện viên chung tay hỗ trợ việc tổ chức.

Có người hỏi, anh lấy đâu ra nhiều thời gian để làm những việc này, anh nói đơn giản: “Thật ra chúng ta có nhiều thời gian lắm, nên khi nghĩ mình phải làm được điều gì tử tế cho cuộc đời thì sẽ sắp xếp được thôi. Ví dụ, thay vì đi nhậu thì tối hôm đó tôi thiết kế tờ giới thiệu về rùa biển cho bọn trẻ, chẳng hạn”. Nhìn bọn trẻ nói chuyện với cây xanh khi trồng xuống, nói lời chia tay trước khi đưa các bạn rùa con ra biển, biết thu dọn rác… là anh có thêm động lực để tiếp tục công việc.

Trước tiên phải là người tử tế 

Ngoài những kiến thức về sinh học, “bác Trung” còn tận dụng các chuyến đi để dạy các em cả những bài học làm người. Anh thường nói với phụ huynh: “Trước khi muốn con bạn trở thành thiên tài thì hãy dạy chúng trở thành người tử tế”. Trong bài giảng về loài bướm, anh Trung nhấn mạnh việc để có đôi cánh khỏe chúng phải tự vùng vẫy để chui ra khỏi kén; nói về việc cứu hộ gấu, anh dặn các em phải giấu đồ ăn sao cho thật khó kiếm để gấu không đánh mất bản năng tự tìm kiếm thức ăn.

Từ đó, anh nhắn nhủ các em: “Cũng như các loài vật này, chúng ta phải chịu nhiều đau đớn, khó khăn thì mới lớn lên khỏe mạnh, giỏi giang. Các con đừng bao giờ ngại gian khổ!”. Anh còn dạy các em về lòng biết ơn, trước hết là biết ơn bố mẹ.

Trong những chuyến đi thả rùa ở VQG Núi Chúa - Ninh Thuận, trong giờ cơm anh giải thích: “Bố mẹ phải làm việc cực nhọc để kiếm tiền cho các con tham gia những chuyến đi thế này, nên giờ các con phải đi lấy cơm phục vụ bố mẹ”. Thế là các em hăng hái đi lấy cơm, mặc dù có bé bình thường ở nhà chỉ chờ bố mẹ đút ăn từng muỗng. 

Nha nghien cuu da dang sinh hoc Phung My Trung: Gop yeu thuong va tu te cho doi
Xem bộ xương chú tê giác cuối cùng

Kết thúc mỗi chuyến đi, bao giờ anh cũng nhắc các em viết thư cảm ơn các cô chú ở VQG và các tình nguyện viên… Trong chuyến đi, có những quy định các em phải tuân thủ như không sử dụng thiết bị điện tử, không uống nước ngọt… Anh muốn các em dành toàn bộ thời gian để tìm hiểu và lắng nghe thiên nhiên, nói chuyện với bố mẹ, hòa đồng cùng cả đoàn và ý thức tốt hơn về chế độ ăn uống.

Các em thật sự không thấy “phiền hà” gì với những quy định của “bác Trung”, vì những câu chuyện về thiên nhiên ngoài kia rõ ràng là thú vị hơn rất nhiều so với những hình ảnh trong điện thoại, máy tính. Những điểm đến của nhóm không phải lúc nào cũng có tiện nghi sinh hoạt tốt, như khi vào VQG Núi Chúa, các em phải dựng lều và ngủ lại hai đêm.

Có phụ huynh thẳng thắn: “Bác cứ cho cháu ngủ lều để khi về cháu biết quý cái giường nệm êm ái của mình”, nhưng cũng có phụ huynh đã hủy tham gia khi nghe con phải ngủ lều.

Một “cuộc chơi” thì luôn có người phù hợp, có người không phù hợp. Xác định rõ điều này nên anh không ngại, vì tạo điều kiện để bọn trẻ cứng cáp hơn là việc cần làm. Vì vậy, đến với nhóm thường là những phụ huynh chịu bỏ tiền ra để con mình… “cực khổ”: cả nhà cùng dậy sớm lội rừng, trồng cây, tắm rùa, “ngủ bụi”… Họ hiểu, những gì con mình nhận lại được là lớn hơn rất nhiều.

Anh Trung luôn mơ ước làm thế nào để hàng triệu đứa trẻ được tham gia các hoạt động của nhóm, nhưng điều đó là rất khó. Vì thế, anh tự dặn lòng, hãy làm từng bước một và phải làm thật tốt, biết đâu mai này sẽ có thêm người chung tay với mình.

Trong khả năng của mình, mỗi chuyến cứu hộ rùa biển, anh chỉ mời được 5 trẻ tự kỷ và 30 trẻ địa phương tham gia miễn phí: sinh hoạt cùng nhóm hai ngày, nghe giảng về tập tính của loài rùa biển và thả rùa con ra biển.

Ngọc Minh

Các hoạt động gần nhất của nhóm  

Ngày 14-16/7: Ẵm rùa con ra biển lớn (VQG Núi Chúa - Ninh Thuận). Ngày 22-23/7: Em trồng cây vì thiên nhiên Việt Nam (Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu, Phước Bửu, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ngoài ra, nhóm còn tổ chức các giờ dạy sinh học ở phòng mẫu tiêu bản tại TT ngoại ngữ Yola (224 Pasteur, P.6, Q.3, TP.HCM) vào một số ngày cuối tuần, dạy xếp giấy Origami, kỹ năng đi rừng và  phòng chống rắn độc… Phụ huynh có thể tham gia vào nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam trên facebook để cập nhật những hoạt động của nhóm, cách thức và chi phí tham gia. 

Nha nghien cuu da dang sinh hoc Phung My Trung: Gop yeu thuong va tu te cho doi
Thả rùa biển
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI