Nhân dịp xuất bản chuyên khảo Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật (*), anh có cuộc trò chuyện cùng Phụ nữ Chủ nhật.
Chinh phục một thách thức lớn
Phóng viên: Thưa anh, điều gì thôi thúc anh dành 9 năm để theo đuổi dự án viết sách Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật - một “chuyên khảo” về loại âm nhạc kén người nghe? Hẳn anh đã được và mất rất nhiều với dự án này?
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Với tôi, nhu cầu lấp đầy khoảng trống trong tri thức là động cơ nghiên cứu chính. Khi công trình thành hình, được sự động viên giúp đỡ của các đồng nghiệp thì mới tính chuyện in thành sách. Công trình Ả đào cũng vậy, cái được lớn nhất là sự thỏa mãn bản năng khám phá, giải mã những thông điệp thanh âm của quá khứ thẳm sâu mà ông cha ta đã mất cả ngàn đời sáng tạo.
Ả đào vốn là một thách thức lớn với giới nghiên cứu từ bao năm qua. Đây là một loại nhạc kén người nghe, khó đàn hát, tư liệu vang (tư liệu băng, đĩa… PV) lại quá ít, tư liệu thành văn thì có rất nhiều mâu thuẫn, nghệ nhân nhà nghề không còn nhiều và rất khó tiếp cận… Giờ đã đi đến đích, cảm giác vỡ òa, nhẹ nhõm, như trút được một gánh nặng ngàn cân bởi đã xong nhiệm vụ với các bậc tiền nhân. Còn mất thì đơn giản là vấn đề sức khỏe, bản thân suy kiệt nhiều, ốm yếu hơn sau 9 năm miệt mài ròng rã, có đến 2 lần phải cấp cứu vì dạ dày suýt thủng nhưng rồi cũng đã kịp bình phục để hoàn hiện bản thảo.
* Ả đào chính là ca trù nhưng không phải ai cũng biết, tại sao anh chọn tên gọi cổ xưa và không còn phổ biến này để đặt nhan đề chính cuốn sách?
- Ả đào là cái tên cổ xưa nhất của thể loại, đã được phổ biến từ đời Lý. Các tài liệu thời đầu thế kỷ XX vẫn dùng chữ ả đào. Về sau, dường như để tránh chuyện điều tiếng của nhà hát cô đầu (tên gọi khác từ ả đào), người ta mới dùng chữ ca trù thay thế. Năm 2006, khi xây dựng hồ sơ ca trù trình UNESCO, trong nhóm điều phối, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan (Viện Âm nhạc) có đề nghị thay tên ca trù thành ả đào, ông cho rằng đây là “cái tên rất tiền bạc” - bởi trù là thẻ, ca trù là hát thẻ.
Khi xưa diễn xướng ở đình, đền, người ta trả thù lao cho đào kép tính theo số thẻ tre mà quan viên thưởng trong chầu hát. Cứ khi nào thấy đàn ngọt hát hay, quan viên cầm chầu gõ “chát” vào tang trống. Quan viên giữ thẻ sẽ ném một chiếc vào cái thau đồng để sau hương án. Kết thúc buổi hát, dân làng cứ đếm số thẻ rồi quy ra thóc để trả công cho giáo phường. Giá trị mỗi thẻ hoàn toàn do làng xã quy ước từ trước, được đặt định thành chuẩn mực ở mỗi ngôi đình, đền thời xưa.
Thế nhưng, khi Viện Âm nhạc đệ trình việc đổi tên lên Bộ Văn hóa thì đã muộn bởi chúng ta đã đăng ký cái tên ca trù với UNESCO. Rồi sau khi được vinh danh di sản thế giới, cái tên ca trù lại được phủ khắp các phương tiện truyền thông, phổ biến trong xã hội. Chứ trước đây, như đã nói, ả đào mới là cái tên phổ biến. Tôi đặt tên sách như vậy là muốn để mọi người gọi lại cái tên cổ xưa nhất.
|
Bìa sách Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật - Nguồn ảnh: Omega Plus |
* Anh có thể diễn giải thêm về “hệ âm luật” mà anh đã dày công khảo cứu bên cạnh yếu tố lịch sử?
- Hệ âm luật được hiểu là lý thuyết cơ bản của một loại nhạc. Đây là lĩnh vực chuyên sâu, đòi hỏi người nghiên cứu phải được trang bị những kiến thức cơ bản mới có thể tác nghiệp. Người châu Âu cũng phải mất 300 năm mới dần đúc kết được lý thuyết âm nhạc của họ, sau đó nó còn được hiệu chỉnh, bồi đắp qua nhiều thế hệ các nhà khoa học. Nhờ có lý thuyết đó, âm nhạc cổ điển của họ mới dễ dàng phổ biến trên toàn thế giới. Tất cả môn nhạc lý cơ bản, hòa thanh, phức điệu, hình thức… mà chúng ta đang đào tạo ở hệ thống các học viện âm nhạc đều thuộc hệ âm luật nhạc phương Tây.
* Trước chuyên khảo đó, đã có một số công trình nghiên cứu về loại hình âm nhạc này được xuất bản, vậy Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật có gì khác và hứa hẹn mang đến cho độc giả những góc nhìn và thông tin gì mới?
- Trước công trình này, đa số các nghiên cứu về ả đào đều chỉ tiếp cận thể loại theo góc nhìn lịch sử, văn học thông qua tổng quan tư liệu viết. Mọi khảo tả về âm nhạc đều sơ sài và bao chứa nhiều mâu thuẫn. Ngoại trừ nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, còn lại giới nghiên cứu ả đào đều là những nhà thơ, nhà văn… tức ngoài ngành nhạc. Theo đó, góc tiếp cận âm nhạc học vẫn còn bỏ trống với rất nhiều điều chưa được giải mã.
Với cuốn sách này, ngoài phần 1 bàn về không gian văn hóa, trình thức diễn xướng, phần 6 bàn về vai trò lịch sử của nhà hát cô đầu, các phần còn lại đi sâu vào việc giải mã, đúc kết âm luật của ả đào. Đây vốn được coi là những quy luật vận hành âm thanh vô cùng hóc hiểm. Ngay chính những đào kép đang thực hành diễn xướng thời nay cũng không hiểu và đàn hát sai lệch so với cổ truyền. Điều đó đã được những nghệ nhân nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX như Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức than phiền từ lâu.
|
Đội 4 cô đầu múa Bài bông, đèn lồng đeo trên giá đỡ hai vai - Ảnh: Charles-Édouard Hocquard/Bảo tàng Quai Branly |
* Ả đào là loại hình nghệ thuật đỉnh cao và hoàn chỉnh, có thể nói là thú chơi tao nhã của nghệ sĩ/văn nhân, đòi hỏi một cộng đồng khán giả có trình độ tương đương và cộng hưởng. Công chúng của ả đào có gì khác biệt, thưa anh?
- Thời xưa, công chúng ả đào cũng chia thành nhiều lớp. Tầng bình dân thì phổ quát khắp các miền quê, cứ đâu có đình, đền thì ở đó có hát ả đào thờ thần nên nó mới có tên khác là hát cửa đình, hát cửa đền. Ai ai cũng có thể thưởng thức ả đào với cảm nhận chung như một loại nhạc nghi lễ, tín ngưỡng phổ biến. Nhưng ở mức cao hơn, khán giả ả đào được gọi là quan viên. Đó là những người hiểu âm luật, có nhiệm vụ cầm trống chầu cho mỗi cuộc biểu diễn. Họ tỏ thái độ khen thưởng câu ca, tiếng đàn bằng tiếng “chát” đánh vào tang trống. Trong diễn biến bài bản, khi đến điểm kết các khổ phách/khổ đàn, họ sẽ điểm trống chầu đan xen, trùng khớp với khuôn thước của đàn, phách.
Thế nên trong giới ả đào, quan viên được xem như tầng lớp thức giả sành điệu, am hiểu luật nhạc. Những quan viên giỏi âm luật được đào kép nhất mực nể trọng. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ kể rằng thời xưa, có những vị phú gia sẵn lòng bán vài sào ruộng để mời đào kép về nhà dạy đánh trống chầu. Còn nếu không, phải tập nghe, quan sát rất nhiều mới có thể cầm chầu đúng phép tắc.
Những món nợ với tiền nhân
* Ả đào đã có một quá khứ huy hoàng trước khi lịch sử sang trang. Ả đào từng có một đời sống và chức năng xã hội phong phú, từng đóng vai trò như hình thức âm nhạc nghi lễ và tín ngưỡng trong tâm thức của người Việt. Khi các giáo phường không còn và kết cấu cộng đồng làng xã biến chuyển theo thời cuộc, không gian diễn xướng của ả đào hiện nay như thế nào?
- Xưa, ả đào là cuộc chơi giao đãi giữa nghệ sĩ và khán giả. Sự hình thành các giáo phường ở miền quê trước nhất để phục vụ cho nhu cầu nhạc lễ thờ thần. Sau đó, nó trở thành thú chơi tao nhã của giới văn nhân, quan lại. Nhà nào có giỗ chạp hay tiệc khao đều cho người mời đào kép về nhà đàn hát thưởng ngoạn - nên thể loại mới có tên khác là hát nhà tơ (ty)…, rất phong phú và đa dạng. Mà người nghe bao giờ cũng phải tự mình cầm chầu giao đãi với nghệ sĩ.
|
Dàn đào kép trong dịp lễ mừng tứ tuần đại khánh vua Khải Định, ở kinh thành Huế tháng 9/1924 - Nguồn ảnh: Bảo tàng Quai Branly |
Thời nay, mọi sự đổi thay, sau đến phân nửa thế kỷ vắng bóng, khi phục hồi, cuộc chơi giao đãi xưa đã biến thành tiết mục biểu diễn đơn thuần. Người đánh trống chầu sẽ ngồi cùng chiếu đào kép như một diễn viên đánh trống, khác biệt
lắm chứ!
Các không gian diễn xướng xưa bị triệt tiêu hoàn toàn, giờ nhiều nơi đang cố phục hồi trình thức hát cửa đình, còn nhiều lắm những sự khác biệt xưa và nay.
* Sau công trình nghiên cứu Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên là Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, là người “nặng nợ” với văn hóa dân tộc, có lẽ hành trình theo dấu và bảo tồn di sản tiền nhân của anh vẫn chưa dừng lại?
- Cuộc đời làm nghề của tôi có vậy thôi - mục đích khám phá và giải mã thông điệp thanh âm trong các thể loại nhạc cổ truyền. Kho tàng của ông cha ta quá đồ sộ, làm cả đời cũng chẳng được bao nhiêu. Thực ra, công trình lớn nhất, đầu tư dài kỳ nhất của tôi chính là nhạc tài tử - cải lương Nam Bộ. Đề tài này tôi bắt đầu từ khi còn trên ghế nhà trường, kéo dài trong nhiều năm với sự dạy dỗ, giúp đỡ và trao gửi của các bậc danh cầm trong giới nghề. Bên cạnh đó, tôi cũng đã hoàn thành nghiên cứu cơ bản nhiều thể loại nhạc khác như tuồng, chèo, hát văn, xẩm, thính phòng Huế - cung đình Huế… Đó là những món nợ với tiền nhân. Đời người có hạn, cứ thong thả đi từng bước vậy!
|
Cô đầu Nguyễn Thị Chúc và kép đàn Nguyễn Phú Đẹ trong một chầu hát cửa đình phục dựng cuối năm 2005 tại đình Ngọc Uyên - Hải Dương - Ảnh: Bùi Trọng Hiền |
* Anh muốn gửi thông điệp gì đến độc giả trẻ hiện đại, những người ít nhiều vốn đã quen với k-pop, hip hop, rap, jazz, rock ballad... thời thượng?
- Thông điệp lớn nhất là các bạn trẻ hãy bình tĩnh quan sát các hệ giá trị của ông bà tổ tiên ta từ ngàn xưa, xem nó như thế nào. Trong xã hội phong kiến, ả đào từng là âm nhạc thời thượng, được sử dụng trong cung vua, phủ chúa. Sử liệu đã ghi nhận khắp các vùng miền Bắc trở vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trung bình mỗi huyện lỵ lại có 1-2 làng ả đào mưu sinh chứng tỏ địa văn hóa của thể loại bao trùm khắp nơi trong lịch sử. Ở Hà Nội, quãng năm 1940, người Pháp từng thống kê trên địa bàn thành phố có khoảng 2.000 cô đầu hoạt động tấp nập ở hàng trăm nhà hát thính phòng. Đó là lịch sử, là kho tàng vô giá của tiền nhân.
Là người Việt Nam, không thể không biết về văn hóa dân tộc, trong đó có ả đào. Mọi giá trị nhạc nước ngoài cũng đơn giản là sáng tạo của họ, còn của ta, hãy xem ông bà tổ tiên có những gì.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
(*): Omega+ và Nhà xuất bản Văn học, 2024.
Nguyễn Quang Diệu (thực hiện)