Nhà nghèo có gì mà vui?

11/04/2022 - 09:33

PNO - Từ nhỏ tôi đã tò mò theo dõi nhà ông hàng xóm và phát hiện ra “chân lý”: người ta không thể kém vui vì nghèo.

Đàn con Vinh - Hoa - Phú - Quý

Vừa về đến quê, tôi nghe mùi cá kho thơm nức từ gian bếp của má. Bước ra nhà sau, tôi thấy má đang lom khom hái mớ rau. Đưa mắt ra khỏi gian bếp, tôi ngạc nhiên khi thấy cặp gian bếp nhà tôi mọc lên một vườn hoa nho nhỏ với hồng, cúc, hướng dương... đang khoe sắc. 

Tôi chưa kịp thắc mắc thì má nói “hoa của nhà chú Tư Đèo đó”. Nhìn kỹ, tôi thấy vợ ông Tư Đèo đang tỉ mẩn tỉa từng chiếc lá vàng. Đã gần mười năm không gặp, trông bà thay đổi quá nhiều theo thời gian, ngôi nhà vách lá, lủng thủng chỗ rách đã được thay thế bằng ngôi nhà tường khang trang.

Ông Tư Đèo là hàng xóm của tôi. Nhà ông sâu sau vườn, gần một nghĩa trang và sống tách biệt với xung quanh. Tên Đèo, nhưng ông có thân hình bệ vệ, mập mạp, to như hộ pháp và hàm râu quai nón trông rất dữ.  

Không chỉ cái tên của ông, mà gia đình ông là chuỗi nghịch lý, tương phản với tất cả những gì ông định danh. Ông đặt tên bốn đứa con là Vinh - Hoa - Phú - Quý, nhưng hơn 30 năm làm hàng xóm với ông, tôi chưa từng thấy nhà ai nghèo khổ như gia đình ông. 

Vợ chồng ông có nghề làm đậu hũ, tằn tiện lắm mới đủ nuôi bốn cái tàu há mồm chỉ cách nhau 1-2 tuổi lại hay đau ốm. Thỉnh thoảng, con gái ông trạc tuổi tôi rủ tôi qua nhà nó chơi. Tôi vừa sợ, vừa thích. Tôi sợ vì ở ông luôn có vẻ gì kỳ bí và sự dữ tợn của hàm râu quai nón. Nhưng tôi vẫn cố vượt qua nỗi sợ vì tôi mê công việc của con Hoa: cho đậu nành vào cối xay.

Tôi đứng nép góc cột, nhìn ông như người khổng lồ đang xay đậu. Ông mình trần, quấn khăn rằn quanh bụng, chỉ dùng một tay đẩy càng cối xay mà nó xoay vun vút, vậy mà con Hoa vẫn khéo léo cho đậu nành vào miệng cối gọn hơ. 

Tại sao nhà tôi ruộng đất mênh mông, giàu có, nhưng nhà tôi và cả những nhà xung quanh không được vui vẻ như vậy? (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Tại sao giàu có, nhưng nhà tôi và cả những nhà xung quanh không được vui vẻ như vậy? (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

 

Thấy cái nhìn của tôi, ông Tư ngoắc: “Con làm thử đi”. Tôi chần chừ, ông lại kêu, giọng ấm áp lạ: “Con làm thử đi, dễ lắm”. Tôi vừa mừng, vừa sợ, líu ríu bước ra. Tay tôi bốc nắm đậu, nhưng chiếc cối quay mãi tôi không sao cho vào được. Bất ngờ, ông quay chậm lại, tôi kịp thảy nắm đậu vào, mừng ơi là mừng. 

Cứ thế, ông kiên nhẫn cho tôi chơi trò “cho cối ăn đậu” đến khi chán mới thôi.  Công việc nặng nhọc, lại thêm cái nắng trưa gay gắt khiến người ông tuôn mồ hôi như tắm. 

Những khi ấy, thằng Phú (bốn tuổi) bưng ca nước đá tới, mời: “Uống đi ba”. Còn thằng Quý (hai tuổi) cứ lon ton lúc ôm chân ba, lúc ôm cổ mẹ. 

Vợ ông ngồi ngay miệng cối với cái thau tổ chảng hứng bột đậu nành. Ông bà nói đủ thứ chuyện trên đời. Rồi một tín đồ bóng đá là ông sẽ kể cho vợ nghe về hai trận bóng đá World Cup (năm 1990) đêm qua hấp dẫn thế nào, ai ghi bàn, ai sút banh đẹp làm sao... Bà vốn chỉ mê cải lương, chẳng biết banh bóng, nhưng lại chăm chú nghe, lâu lâu lại lên tiếng “vậy hả, vậy hả?”, ông càng hào hứng kể tiếp.

Vất vả và nghèo khó vậy, nhưng nhà ông Tư Đèo lúc nào cũng vui. Vào buổi tối, tiếng cười của vợ chồng ông và bốn người con khanh khách, giòn tan và với tôi còn có cả phần… ma mị. Tôi không thể hiểu tại sao một gia đình nghèo khổ có gì vui mà tối nào cũng cười? Thậm chí, tôi còn nghĩ họ bị ma ám vì nhà ở gần nghĩa trang.

Cứ tối tối, khi ông Tư phát ra tiếng cười là chị em tôi dí mắt vô khe ván nhà tôi, nhìn qua nhà ông. Trong ánh sáng tù mù của chiếc đèn dầu, tôi thấy sáu người vây quanh trên chiếc chõng tre ăn cơm, chuyện trò rôm rả và tiếng cười thì giòn tan. Tôi vẫn hay hỏi má: “Sao nhà ông Tư Đèo vui vậy má?”; và tôi vẫn luôn thắc mắc: Tại sao nhà tôi ruộng đất mênh mông, giàu có, nhưng nhà tôi và cả những nhà xung quanh không được vui vẻ như vậy? Và ước mơ thuở bé của chị em tôi là nhà mình được vui như nhà ông Tư Đèo.

Bi kịch không dập được tiếng cười

Vậy mà, khi tôi chưa giải mã được tiếng cười của nhà ông thì âm thanh quen thuộc đó đã ngừng hẳn. Thằng Quý gặp tai nạn kinh hoàng: té vào chảo dầu sôi đang chiên đậu hũ khiến nó bị phỏng nặng và tử vong sau vài ngày nằm viện. Vợ chồng ông Tư suy sụp, đóng cửa luôn lò đậu hũ. Một mảnh ghép về ước mơ tương lai của gia đình ông đã bị khuyết, nên chỉ còn lại cái buồn thảm. Ông oán trách bản thân là người cha tồi tệ, để con trai chết tức tưởi khi mới hai tuổi. Vợ ông cũng chẳng buồn nói, thằng Vinh, con Hoa cũng ủ rũ, chỉ có thằng Phú, chưa cảm nhận được mất mát nên còn hồn nhiên cười nói và nó là đứa duy nhất cho thấy sự sống của nhà ông Tư Đèo vẫn đang tiếp diễn. 

Sau cái chết của thằng Quý, nhà ông Tư Đèo vốn đã sống tách biệt lại càng tách biệt hơn. Ông khai phá mảnh đất khô cằn phía sau nhà để trồng rau, và trồng thật nhiều hoa, nhất là quanh mộ thằng Quý, lúc nào vạn thọ cũng nở vàng rực.

Tôi cứ tưởng gia đình ông sẽ chìm trong đau khổ và sẽ không bao giờ thoát được cái nghèo. Thế nhưng, hơn ba tháng sau, cũng vào buổi sáng của những ngày giáp tết, tôi nghe tiếng cối xay rào rào. Ghé mắt qua khe cửa, tôi thấy khung cảnh quen thuộc trước đây của nhà ông, chỉ thiếu cái bóng lon ton của thằng Quý. Ông Tư như một người khác, trút bỏ sự lầm lì, ít nói và nói cười nhiều hơn. Buổi tối, tiếng cười giòn tan của gia đình ông lại trở về. Tôi lại hỏi con Hoa, nhưng cũng như bao lần trước, nó tỉnh bơ: “Thì ăn cơm. Mắc cười thì cười thôi”. Tôi nghe lòng càng thắc mắc hơn. 

Một bữa, đem trả con Hoa quyển sách, tôi lấp ló ngay góc cột đúng lúc nhà ông Tư ăn cơm tối. Tôi nghe ông kêu con Hoa: “Con ăn con tôm hùm này đi”. Con Hoa đưa đũa gắp, cho vào miệng nhai và đưa ngón tay cái lên: “Dai nhưng ngon quá ba ơi”. Cả nhà cười rộ lên.

Ông Tư lại kêu thằng Vinh: “Con ăn cái đùi gà này đi”. Thằng Vinh lại gắp vào chén và nó mời: “Ba mẹ ăn gỏi bò đi, ngon lắm”. Ông Tư lắc đầu “ăn thịt bò hoài ngán quá, để ba ăn con tôm hùm này”. Ông đưa đũa gắp và la lên: “Ôi, nó kẹp ba. Con tôm này càng bự kẹp đau quá”. Và ông làm điệu bộ bị đau do cua kẹp, cả nhà lại cười phá lên. 

Tôi rướn người về phía trước để nhìn rõ hơn mâm cơm. Tôi không thể tin được nhà ông Tư nghèo rớt mồng tơi mà lại ăn toàn cao lương mỹ vị, toàn là những món tôi chỉ được nghe người lớn nói. 

Trong cơn thắc mắc tôi nhoài đầu ra kiếm con tôm hùm, tôi quên mình đang nấp. Ông Tư thấy, vẫy tay: “Lại đây ngồi chơi con, đứng đó muỗi cắn đó con”. 

Tôi mon men lại chiếc chõng tre và tia ngay mâm cơm. Tôi há hốc khi thấy mâm cơm chỉ với chén nước mắm, đĩa cà luộc và mấy miếng đậu hũ kho, và tôi nhận ra: tôm hùm, gà, bò chỉ là sản phẩm tưởng tượng của cha con ông Tư. Và tiếng cười từ món ăn tưởng tượng và những câu chuyện kể hài hước của ông Tư. Ngày đó và cả sau này, dù sống trong cảnh nghèo khó, nhưng ông Tư vẫn giữ cho mình sự lạc quan, vui vẻ. Những đứa con ông đã thừa hưởng trọn vẹn suy nghĩ tích cực này của cha. 

Sau này ông Tư mất, nhà ông vẫn nghèo, con Hoa, thằng Vinh, thằng Phú phải bỏ học giữa chừng. Thằng Vinh làm rẫy, trồng hoa bán tết, thằng Phú đi bốc vác thuê lúa, gạch đá. Còn con Hoa nối nghiệp gia đình bán đậu hũ ở chợ An Quới, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. 

Dù nhà nghèo, cuộc sống khó khăn, nhưng mỗi ngày như má tôi kể - tiếng cười nhà ông Tư chưa bao giờ ngớt.

“Út về chơi hả con?” - câu hỏi của bà Tư Đèo đưa tôi về với thực tại. Bà đang cho hoa cúc vào chậu. Từ sau khi thằng Quý mất, nhà ông Tư có thêm nghề trồng hoa bán tết, bán ngày rằm. Bà Tư tỉ mẩn tỉa những lá sâu và buộc từng nhánh hoa nghiêng ngả cho thẳng thớm. Nhìn bà Tư đang mỉm cười, tôi lại nhớ những tiếng cười trong veo của gia đình ông Tư Đèo. 

Giang Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.