Nhà mình là ở đây…

04/02/2018 - 08:57

PNO - Quỳnh chọn tà áo dài, đơn giản chỉ là ra chợ hoa Hồ Thị Kỷ, mơn man trong xúc cảm rằng, tết đang về rất gần, để rồi mang theo cái mùi vị tết sớm ấy mà lên đường sang xứ người ăn học.

Khi tờ báo PNCN ngày 4 tháng 2 phát hành, “người mẫu” bìa, cô gái có tên Nguyễn Cát Quỳnh đã lên đường trở lại Mỹ để tiếp tục theo học tại Howard Community College, bang Maryland. Lại thêm một cái tết xa nhà và đón giao thừa tại Việt Nam qua… Viber! Nhưng không sao, cô gái trẻ một mình quẩy ba-lô lên đường, mang theo lời dặn của ngoại, gắng học rồi về, nhà mình là ở đây con ơi! 

Nha minh la o day…

Bìa: Người mẫu: Cát Quỳnh, Make up: Nguyễn Quách, Ảnh: Võ Tiến

Nhà mình, của Quỳnh, là xóm Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Năm 1970, chiến tranh ác liệt. Ông ngoại Quỳnh là phó bí thư Đoàn Thanh niên Phân khu 1 Tô Văn Tươi, trên đường xuống nhà dân, bị địch phục kích, mãi đến chiều tối đồng đội mới đưa được xác ông về. Chiếc nhẫn cưới vẫn còn nơi ngón tay áp út.

Bà ngoại hoạt động từ nội thành ra ngoại thành, mặc bao khói lửa, đạn bom vẫn bền lòng chặt dạ mà neo giữ cặp nhẫn cưới. Cho đến hôm, thắt ngặt cảnh con bệnh, đứa con vừa 7 tháng thì cha hy sinh, ngoại đành phải bán đi một chiếc để có tiền mua sữa, thuốc men. Chiếc còn lại, đơn côi. Dễ chừng cũng hơn nửa thế kỷ đã qua…

Nhà mình, của Quỳnh, là những con hẻm dọc ngang của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, hơn bốn mươi năm rồi, vẫn thênh thang những cuộc ghé thăm, đi về. Nơi ngày xưa, ngoại và đồng đội hoạt động, được bà con chở che, đùm bọc. Ở Gò Vấp, ở Phú Nhuận, ở Củ Chi… đâu đâu cũng còn người thân quen, thì cũng nghe nói, nghe kể, hồi đó, nội con, ngoại con nuôi giấu cán bộ. Địch nghi ngờ, phát hiện, lôi ông bà lên đánh đập dã man. Không hé một lời, không khai một chữ. Bà bị đánh đến thổ huyết, về nhà đâu mấy tuần sau thì mất, để lại chồng và con bơ vơ. Kể từ ấy, nhà ngoại có thêm một ngày giỗ. 

Có lẽ thế mà một cô gái vừa qua tuổi đôi mươi, đã viết lên những dòng suy nghĩ: "Thiên đường của tôi là sự trở về, là nơi tôi sinh ra và lớn lên, là nơi thấy bình yên nhất sau bao lần khó khăn, là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi “đánh cho dài tóc, đánh cho đen răng”, là nơi bao thế hệ đổ biết bao máu xương, là nơi ông ngoại tôi đã ngã xuống, cũng là nơi bà tôi một thời chiến đấu, hy sinh cả hạnh phúc gia đình…".

Nha minh la o day…
Ảnh Phùng Huy

Có lẽ thế, nên khi nhận lời cho câu chuyện bìa cuối năm, đón tết, Quỳnh chọn tà áo dài, đơn giản chỉ là ra chợ hoa Hồ Thị Kỷ, mơn man trong xúc cảm rằng, tết đang về rất gần, để rồi mang theo cái mùi vị tết sớm ấy mà lên đường sang xứ người ăn học. Hành trang của Quỳnh, có lời dặn dò của ngoại, cả những điều thẳm sâu mà Quỳnh nói, thế hệ sau, chỉ có thể cảm nhận chứ không thể hiểu hết những gì thế hệ trước đã sống và tận hiến.

Chính ngoại là người khích lệ Quỳnh lên đường du học. Nhưng chưa một lần ngoại chịu sang thăm cháu. Và sẽ không bao giờ. Bởi, nhìn xuống ngón tay áp út, thịt da thau dần, chiếc nhẫn cưới úa màu cứ nới ra, nhưng đinh ninh một dạ. Không đành con ơi! Đâu chỉ có chồng và đồng đội của ngoại ngã xuống. Năm mươi năm rồi, con sông Rạch Tra, Bình Mỹ, Củ Chi vẫn đỏ một màu máu, cái bàn tay nhăn nheo khoát qua như thể muốn lãng quên. Nhưng làm sao khoát được một phần ký ức của ngoại và bao đồng đội, người thân… 

Một cái ảnh bìa dung dị, nhẹ nhàng. Tết là hoa của trời đất. Tuổi trẻ là lộc xuân của thời gian. Nhưng ẩn sau cái dung dị, bình thường ấy lại là một nơi chốn đi - về thăm thẳm, biết rõ địa chỉ, cửa nẻo “nhà mình” ở đâu, thế nào; để cho dù có xa ngái vạn dặm, có bay bổng cùng khát vọng bốn phương tám hướng thì vẫn chỉ dấu mà trở về, mà vòng tay cúi đầu thưa rằng, nhà mình là ở đây, con học xong, con về rồi, ngoại ơi…

 Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI