Nhà mình hệt phim... Tây du ký

28/01/2021 - 18:28

PNO - Gia đình giống như phim Tây du ký, trong đó mỗi vai diễn phải nỗ lực vun đắp, cải thiện những thiếu sót, đóng tròn vai người tốt để bộ phim gia đình có cái kết thật viên mãn và có hậu.

“Con cái là Đường Tăng, ngây thơ không phân biệt tốt xấu, lúc nào cũng cần bảo vệ. Ông bà như Sa Tăng, âm thầm hy sinh không cần báo đáp. Mẹ giống như Tôn Ngộ Không, cả đời gánh vác vất vả. Còn bố thì hệt Trư Bát Giới, chỉ biết ăn, không cẩn thận còn bị yêu tinh dụ dỗ, bỏ nhà đi mất…”.

Đọc câu này trên mạng, tôi bật cười rồi chợt ngậm ngùi. Có phải ngẫu nhiên mà sự “phân công lao động” xã hội đã hình thành nếp sống như thế, hay tự bản thân mỗi người, mỗi gia đình tự mặc định vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên?

Vợ chồng nếu yêu thương bền chặt, người thứ ba khó có thể xen vào - Ảnh mang tính minh họa: SHUTTERSTOCK
Vợ chồng nếu yêu thương bền chặt, người thứ ba khó có thể xen vào - Ảnh mang tính minh họa: SHUTTERSTOCK

Nhớ hồi con trai lớn mới vào đại học, trong thời gian chờ làm thủ tục vào ký túc xá, tôi xin cho con ở tạm nhà bác. Chồng tôi bàn mang xe máy lên để con đi học. Tôi cản. Thằng nhỏ dân tỉnh lơ ngơ, thả giữa Sài Gòn đông nghẹt xe cộ làm sao yên tâm? Tôi chấp nhận tốn bộn tiền bao xe ôm ngày bốn lượt đưa rước con tới trường.

Chàng công tử bột trước giờ được mẹ úm như gà công nghiệp, giờ lập tức bộc lộ kỹ năng yếu kém. Con tan trường, không thấy bác xe ôm chờ sẵn liền gọi mẹ cầu cứu. Bác đi vắng, nhà khóa cửa cũng gọi mẹ hỏi: “Giờ con làm sao?”… Đầu óc tôi căng như dây đàn, gọi điện khắp nơi tìm cách “giải cứu” con. Chồng tôi được dịp càu nhàu: “Đó, em úm con nữa đi. Cứ để nó tự giải quyết lấy”. Tôi giận chồng nhẫn tâm. Vợ chồng cãi nhau không có hồi kết.

Má nghe vợ chồng tôi căng thẳng, lại xót cháu nên bàn: “Hay để má lên Sài Gòn kèm thằng Huy, tới lúc nó ổn”. Tôi mừng húm, nhưng nghĩ lại thấy không ổn.

Chồng nói đúng, con đã 18 tuổi, nó cần biết tự đối mặt với mọi vấn đề. Chuyện nhỏ không giải quyết được, sau này gặp chuyện lớn phải làm sao? Đó là chưa kể má lên đó tôi lại lo thêm.

Má đã 70 tuổi, hy sinh cả đời vì tôi đã quá đủ, hy sinh tới cháu thì tội thân má. Từ ngày lấy chồng, không biết bao lần tôi chạy về cầu cứu má. Nhà hết gạo, về má lấy. Cuối tháng chưa có lương, về má gom trứng vịt, khô, mắm, rau củ…

Lúc tôi cất nhà, má ky cóp được năm chỉ vàng cũng vét đưa tôi. Người ta hay nói tình thương cha mẹ như mưa trên trời rơi xuống, chăm chỉ tưới tắm cho con cái. Từ ngày đi làm, vài lần tôi cho má ít tiền đã thấy hãnh diện mình đã làm tròn chữ hiếu. Mua cho má vài ba hộp sữa, ít thuốc bổ đã an tâm mình thương má lắm rồi…

Những báo đáp bé mọn của tôi so với hy sinh vô bờ của má, chỉ như giọt nước giữa biển khơi. Đôi khi, tự an ủi mình nên thân nên người, không để má buồn là đã hiếu thảo với má rồi (như lời má nói) - chỉ là để tự huyễn hoặc mình, chớ lòng biết lắm, thương má bao nhiêu cho vừa.

“Bố hệt như Trư Bát Giới, chỉ biết ăn, không cẩn thận còn bị yêu tinh dụ dỗ, bỏ nhà đi mất” thiệt giống trường hợp của chồng tôi. Tôi dò hỏi chồng: “Dạo này yêu tinh còn bám đuôi không?”.

Chồng giả lả: “Gì mà yêu tinh? Chuyện cũ mèm, em nhắc chi hoài”. Tôi nhắc, bởi chồng từng có “tiền án”. Mấy năm trước, người yêu cũ của chồng gặp họa. Chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời khi tuổi còn rất trẻ.

Chồng tôi thường nhắn tin, gọi điện cho chị ấy. Tôi răn đe: “Người ta giờ mẹ góa con côi, anh để tình cũ rủ rê là em cho đi luôn”…

Tháng trước, chồng nói đi An Giang dự đám cưới, là chị ấy gả chồng cho con gái. Chiều, chồng điện, nói hai ngày nữa mới về, vì mai còn đưa dâu. Tôi nổi điên. Bạn bè gả con có cần nhiệt tình hết mình vậy không? Vòng vo một hồi, chồng thú thiệt là giúp chị ấy ngồi sui. Tôi muốn té ngửa. Tưởng tượng chồng mình thay chồng chị ấy trong vai sui nhà gái, họ sánh vai nhau trước bàn thờ gia tiên và trên sân khấu để chúc phúc cho đôi trẻ, tôi tức nghẹn cổ.

Con gái út đang thi học kỳ, tôi thì cảm cúm đã mấy ngày, việc công ty, việc nhà bề bộn cũng ráng gánh vác, trong khi chồng mình thảnh thơi đi… ngồi sui giùm thiên hạ. 

Mấy bữa sau chồng về, lấm la lấm lét, nói chị ấy đơn chiếc, anh giúp đỡ chớ không có ý gì. Anh có nói với chị ấy rồi, sau này không ngồi sui nữa. Tôi gào lên: “Trư Bát Giới nào gặp yêu tinh mà lòng không rung rinh? Ngồi sui giúp, rồi làm chồng giúp luôn đi”. Làm dữ với chồng vậy thôi, tôi hiểu rõ để kẻ thứ ba xen vào là tại mình, không phải tại người ta. Vợ chồng yêu thương bền chặt, làm gì có kẽ hở cho kẻ thứ ba xen vào.

Ngẫm nghĩ, gia đình giống như phim Tây du ký là có thật, trong đó mỗi vai diễn phải nỗ lực vun đắp, cải thiện những thiếu sót, đóng tròn vai người tốt để bộ phim gia đình có cái kết thật viên mãn và có hậu. 

Thuỳ Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI