Ở quê có mẹ đang chờ…

Nhà mình cứ dzẫy…

03/08/2021 - 06:53

PNO - Đó là câu quen thuộc của chị gần hai tháng nay khi dịch bùng phát ở Sài Gòn và các tỉnh kế cận khiến gia đình các con của chị kẹt đường mưu sinh phải tìm về quê, tạm thời tá túc nhà mẹ.

Nhà chị tận trong con hẻm sâu. Tôi và chị quen biết nhau trong những lần cùng đi chợ rồi hay kể nhau nghe chuyện con cái, cửa nhà. Chị nhỏ hơn tôi dăm tuổi nhưng chồng mất sớm, con lại đông, phải lo toan gánh vác đủ thứ nên người cằn khô và ngó như già trước tuổi.

Chị ra chợ bán buôn từ hồi còn con gái và cứ vậy cho tới tận năm 2019 thì buông vì bệnh hoài và lũ nhỏ ở nhà cũng la rầy. Vậy nhưng cái nết siêng làm đã thấm trong người, ở không đâu chịu được, thêm nữa không làm lấy gì ăn. Mấy đứa con dẫu hiếu để và chịu thương chịu khó, chúng lo cho bản thân và chính gia đình mình còn chưa rồi, nói gì chu cấp cho mẹ.

Người dân Hà Tĩnh lên tàu về quê tránh dịch  - ảnh: Linh Linh
Người dân Hà Tĩnh lên tàu về quê tránh dịch - Ảnh: Linh Linh

Chị làm xoong chè để trước hè, đặt thêm cái bàn cùng dăm bảy chiếc ghế thấp, mùa nào chè nấy, vậy mà cũng lo được cho mình tiền ăn, tiền thuốc men, ân nghĩa… Hồi dư dả chút đỉnh, chị cất đó để khi con cháu về chơi thì nhét vô tay hay lâu lâu đóng gói gửi cho tụi nhỏ trong đó mấy thùng cá tươi.

Chị nói: “Kể số gì so với nẫu. Chút quà biển nhà quê cho con nó vui”. Thấy tụi nhỏ chật vật mà chị thì già yếu rồi, tôi nhắc chị cất giữ để thủ thân, kẻo lỡ… Chị cười khẽ: “Có đâu nhiều mà tính cho xa. Con nó không có gì cho mẹ, nó buồn một; mình không có gì cho con, mình buồn mười”.

Câu nói đơn sơ của chị mà sao thấm buốt tận đáy lòng. Đó là câu nói của một phụ nữ ít học, không hề đọc sách, chưa bao giờ vô mạng để theo dõi tin tức.

Thế nhưng người đàn bà này lại nắm bắt sát sao tình hình dịch bệnh “ở trong nớ”. Chị dõi theo với tận cùng quay quắt vì có tới bốn đứa con đang làm việc tại Bình Dương và Sài Gòn. Tụi nó cùng với chồng/vợ, con cái ở hết trong đó đã nhiều năm.

Có dịp gặp gỡ, chuyện trò, tôi thấy cặp nào cũng siêng năng tằn tiện, nhưng đứa khá lắm cũng chỉ mua trả góp được căn hộ chung cư xã hội; còn lại chúng toàn ở phòng trọ và cũng vì vậy nên ngất ngư ngay khi công việc làm ăn gặp trục trặc do dịch bệnh.

Thằng Út vừa học bên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa theo bạn đánh đàn, làm MC, múa minh họa cho mấy điểm ca nhạc. Loay hoay vậy mà cũng tự lo được cho mình suốt mấy năm qua. Mừng và xót là cảm xúc chị luôn có khi nhắc đến đứa con này.

Nó cũng là đứa con đầu tiên về với mẹ khi Sài Gòn bùng phát dịch; rồi tới gia đình con trai lớn, con gái giữa và chồng vợ con cái đứa kế Út. Ngôi nhà nhỏ như muốn nứt bung bởi ngần ấy con người, những va chạm làm sao tránh khỏi.

Được cái là bọn nhỏ có gây nhau cũng chỉ một chút rồi thôi, rồi lại cười cợt với những tiếng Bình Định chay. Hé, hử, dzẫy na… tha hồ tung tẩy trong căn nhà đó cho chị cứ được nói đi, nói lại mãi câu: “Thôi, nhà mình cứ dzẫy đi hén!”. Là sao? Là bỏ qua cho nhau từng thứ một, là đừng chấp nhất nhau mà chi, là ráng san sẻ với nhau vì mọi khó khăn rồi sẽ qua thôi.

Mùa này, biển cả yên ắng nên chợ ê hề hải sản. Nhà nẫu nhiều tiền ăn tôm rằn, cua lột, cá ong, cá hồng, cá thu, cá bớp… “Nhà mình cứ dzẫy đi hén!” - chị nói với dâu lớn khi con nhỏ xách giỏ đi chợ, không quên đưa cho nó ít đồng.

Rồi thêm bữa đứa con gái, bữa thằng trai kề, dấm dúi. Út dẫu không thường xuyên bằng mẹ và các anh chị nhưng cũng: “Cho em phụ phẩy chút chứ!”.

Trời ơi hai chữ “phụ phẩy” sao mà hay và nghe thương quá chừng. Thằng nhỏ cũng lanh vì về nhà tháng trước còn ở không, tháng sau đã đi dạy guitar được hai nơi. Út nói với chị: “Để con trả tiền điện nước”.

Hàng chè của chị vẫn còn, thậm chí phát triển nhờ biết PR và có shipper trong nhà. Ai alo tới là có người nhận điện ngay và đáp ứng tức thì. Có người phụ, chị nhận nấu xôi và các loại chè phục vụ đám giỗ, đám tiệc… Mấy hồi trúng mánh, chị luôn bỏ thêm nguyên liệu để có dư đặng đãi cả nhà. 

Hôm qua, hai chị em tôi lại cùng nhau ra chợ. Chúng tôi hỏi chuyện gia đình, lan man chuyện ngủ sao cho đủ. Chị cười: “Ăn nhiều chớ ngủ nhiêu”. Rồi tới chuyện lo cái ăn cho hết mọi người, chị nói: “Dễ òm” vì cứ xoong cơm xoong canh to hết cỡ; gạo loại rẻ rồi cá nục, cá liệt… nấu lá giang đâu mấy đồng mà lũ nó lại ưa hung.

Rồi chị kể hình như chị cũng ăn được nhiều hơn từ hồi có con cháu về. Trước đây, đồ ăn ngon hơn giờ nhiều mà ơ thờ lắm! Nay thấy lũ nó ào ào, mình cũng đâu chịu thua. “Ăn vầy kêu là ăn hùa đây”, chị kết lại bằng câu đó cùng nụ cười tươi rói.

Tôi cũng không vừa khi nheo mắt đáp trả: “Thôi, nhà mình cứ dzẫy đi hén”. 

Huyền Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI