Nhà máy đường thua lỗ, vùng trồng mía hẹp dần

07/11/2022 - 18:21

PNO - Hàng trăm héc-ta mía ở H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bị ngập do triều cường, mưa và nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Nếu bị ngập nước lâu ngày, năng suất, chất lượng mía sẽ giảm. Trong khi đó, các nhà máy vẫn chưa chịu thu mua. Nông dân nhiều nơi đã chán nản, phá bỏ ruộng mía.

Nguy cơ thất thu do ngập úng

Trong vụ mía này, ông Lê Văn Gàn (xã Hiệp Hưng, H.Phụng Hiệp) vô cùng vất vả bởi triều cường dâng cao, kết hợp với mưa nhiều khiến 8 công mía của gia đình ông bị ngập nước. 

Ông Gàn cho biết: “Hơn 10 năm nay, chưa có vụ nào mía bị ngập như thế này. Hầu hết nông dân không chuẩn bị kỹ nên khi triều cường tràn vào ruộng mía, không ai trở tay kịp”. Nếu ngập sâu và lâu, cây mía sẽ chựng lại, không phát triển, giảm năng suất, chất lượng dẫn đến sụt giá. 
Bà Đoàn Thị Thủy (xã Hiệp Hưng) cho hay, ruộng mía của gia đình bà cũng bị ngập nặng trong những ngày qua, nhưng bà chưa biết tính sao: “Giờ chỉ còn trông chờ thương lái đến mua càng sớm càng tốt”. 

Nông dân thu hoạch mía ở đồng bằng sông Cửu Long - ẢNH: N.H
Nông dân thu hoạch mía ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: N.H

Ông Huỳnh Văn Út - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng - nhìn nhận, mía là một trong những loài cây trồng lâu năm và chủ lực của xã. Cách nay vài tháng, bà con trong xã bắt đầu thu hoạch mía để bán chục (thương lái mua sau đó bán lại cho các chủ xe nước mía) với giá khoảng 2.200-2.500 đồng/kg, có lúc lên khoảng 2.700-3.000 đồng/kg - mức giá cao nhất trong nhiều năm qua - giúp nông dân thu lãi từ 15-20 triệu đồng trở lên mỗi công. Ai cũng nghĩ năm nay mía được mùa, được giá nhưng bây giờ, mía bị ngập nước. 

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) H.Phụng Hiệp, có khoảng 900ha mía bị ngập từ 10 - 20cm, tập trung ở các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu. 

Nhiều nông dân bỏ ruộng mía

Niên vụ 2022-2023, nông dân tỉnh Hậu Giang sản xuất hơn 3.840ha mía, chủ yếu ở H.Phụng Hiệp và kế đến TP.Ngã Bảy. Hiện đang vào cao điểm thu hoạch mía, nhưng đến ngày 4/11, các nhà máy đường vẫn chưa thu mua khiến mía nguyên liệu bị tồn đọng. Ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân nên thu hoạch sớm các vùng mía đã đạt trữ lượng đường, nhằm tránh nguy cơ thiệt hại do ngập úng.

Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT H.Phụng Hiệp - nhận định: “Vài năm nay, các nhà máy không thu mua mía của nông dân nhiệt tình, chu đáo như trước. Do đó, không ít nông dân chán nản, phá bỏ ruộng mía, số còn lại chuyển từ việc trồng mía bán cho nhà máy đường sang trồng mía bán chục. Năm 2022, toàn huyện có hơn 3.500ha mía thì đến nay, bà con bán mía chục hết khoảng 2.000 - 2.500ha”. 

Cũng theo ông Trần Văn Tuấn, lúc cao điểm (những năm 2005-2007), H.Phụng Hiệp có đến 7.000 - 8.000ha mía, là vùng thu hoạch mía sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều nhà máy đường các nơi đã về đây tranh giành nhau thu mua, tạo nên không khí mùa vụ rất sôi động. Tuy nhiên, dần về sau này, do giá mía lên xuống thất thường, nhân công ngành mía khan hiếm, lợi nhuận không có nên bà con đồng loạt bỏ trồng mía. 

“Ngành nông nghiệp huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, cố gắng giữ khoảng 2.500ha mía. Ngành khuyến khích bà con trồng mía bán chục để có lợi nhuận bởi thương lái tự lo các chi phí thu hoạch, vận chuyển, giá bán cũng cao hơn so với bán cho nhà máy đường. Ngành cũng hướng dẫn nông dân chuyển đổi số diện tích còn lại sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản” - ông Trần Văn Tuấn cho biết.

Ngoài tỉnh Hậu Giang, nông dân các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Bến Tre cũng đồng loạt phá bỏ mía. H.Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng từng một thời có khoảng 8.000ha mía nhưng đến năm 2022, chỉ còn 2.700ha mía. Ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng phòng NNPTNT H.Cù Lao Dung - cho hay, phòng này cũng khuyến khích bà con tăng cường trồng mía bán chục để dễ tiêu thụ và được giá hơn. Hàng ngàn héc-ta từng trồng mía đã được nông dân chuyển sang nuôi tôm, trồng rau màu, cây ăn trái. Dự báo, diện tích mía sẽ khó tăng trở lại. 

ĐBSCL từng là vùng trồng mía trọng điểm của cả nước với khoảng 100.000ha, nhưng mấy năm nay, diện tích giảm mạnh xuống còn khoảng 20.000ha và có chiều hướng tiếp tục giảm. Số nhà máy đường ở khu vực này cũng giảm từ 10 xuống 3. 

Đường cát nhập lậu khiến ngành mía đường lao đao 

Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có đơn khẩn gửi đến các cơ quan chức năng, phản ánh nạn nhập lậu đường tái bùng phát từ đầu năm 2022 trở đi. VSSA cho rằng, đường nhập lậu uy hiếp đường cát nội địa, bởi giá bán chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, thấp hơn giá đường vàng trong nước khiến lượng đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, chi phí lưu kho tăng.

Theo VSSA, niên vụ 2021-2022, chỉ có 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, có 17 nhà máy bị thua lỗ, chiếm gần 70%. Khoảng 3.300 người lao động trong ngành mía đường bị mất việc làm và khoảng 100.000 hộ trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác. 

VSSA kiến nghị, cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các tuyến biên giới với Campuchia, Lào, kịp thời ngăn chặn nạn nhập lậu đường. 

Huỳnh Lợi - Nguyễn Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI