Chuyển từ Khoa Thanh nhạc qua Lý luận âm nhạc, đồng thời, có nhiều năm gắn bó với hoạt động của nhóm Xẩm Hà thành; Nguyễn Quang Long có lẽ là người nghiên cứu âm nhạc truyền thống nổi bật nhất thuộc thế hệ 7x. Anh là diễn giả của chuỗi chương trình Tinh hoa nhạc Việt - hoạt động nhằm đưa âm nhạc cổ truyền Việt Nam tới gần hơn với giới trẻ, vừa được khởi động ở TP.Hà Nội.
Có những giá trị đã được khẳng định
Phóng viên: Có người cho rằng, sở dĩ âm nhạc truyền thống bị lép vế so với các loại hình âm nhạc khác là vì các không gian thưởng thức làng - xã… của nó đã không còn, theo quá trình đô thị hóa?
Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long: Đó chỉ là một trong những lý do thôi. Lý do quan trọng nhất vẫn là chính sách, quan điểm phát triển văn hóa, văn nghệ hiện nay của chúng ta. Trong nhiều thập niên, văn hóa truyền thống, âm nhạc truyền thống gần như bị bỏ quên, tạo ra một lỗ hổng, để cho các dòng nhạc khác xâm nhập và gần như làm lu mờ các giá trị cũ.
Tất nhiên, do yếu tố lịch sử giai đoạn đó chi phối, ta có thể chấp nhận, vì những cái lớn hơn. Nhưng trong điều kiện hiện nay, cần nhìn nhận lại để có những chính sách về giáo dục phù hợp, để mọi người tiếp nhận giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững, không phải dưới dạng bảo tồn, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập này. Khi âm nhạc phương Tây thống trị toàn thế giới, ta vẫn nhìn thấy một Nhật Bản bảo tồn văn hóa, âm nhạc dân tộc rất tốt. Thậm chí Hàn Quốc còn Hàn hóa cả âm nhạc phương Tây.
|
Một tiết mục trong Tinh hoa nhạc Việt số 1 |
* Còn sự đào thải theo quy luật tự nhiên?
- Tất nhiên, so với các dòng nhạc khác, âm nhạc truyền thống hiện đang lép vế, nhưng nó vẫn sống mà. Là bởi nó có những giá trị đã được khẳng định qua hàng trăm năm mà thời gian, lịch sử, chiến tranh… cũng không vùi lấp được. Nó vẫn cứ âm ỉ sống trong lòng dân tộc. Vấn đề là ta ứng xử với nó như thế nào mà thôi.
Hai thập niên trở lại đây, chúng ta mới bắt đầu vực lại âm nhạc truyền thống. Giống như một dòng sông luôn thay dòng, mỗi giai đoạn cần có dấu ấn của mình. Giữ gìn, phát triển âm nhạc truyền thống trong giai đoạn hiện nay cũng thế: bên cạnh những giá trị cũ, tôn trọng lòng bản (thang âm điệu thức) của thể loại, cũng cần có những giá trị mới, tiếp nối. Có như vậy, đó mới là một dòng chảy mạnh mẽ.
* Theo anh, sự tiếp nối này đã có chưa?
- Có những nhạc sĩ sáng tác bài dân ca (mới) rất hay, thú vị, thể hiện được tài năng của họ. Đấy chính là dòng chảy mới. Thế nhưng, chúng ta cần nhiều hơn thế, chứ không chỉ một vài hạt nhân nho nhỏ. Chúng ta đang thiếu một thế hệ nhạc sĩ như thế. Đương nhiên, tôi không nói tới tính chất “phong trào” mà cần chất lượng. Hiện nay, ca trù đang bị “phong trào hóa” đấy.
Quan trọng là cách làm
* Chúng ta hay nói “vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống”. Vẻ đẹp ấy cụ thể là gì?
- Đó là bản ngã của dân tộc chúng ta, là cái giúp chúng ta nhận diện được mình so với những dân tộc khác. Nếu tiếp xúc và hiểu rồi sẽ thấy, âm nhạc truyền thống cũng tinh tế tới từng chi tiết, từng câu, từng thanh âm. Ngày xưa, không đào tạo âm nhạc ào ào như thế này đâu. Bây giờ, thậm chí có những người còn không được đào tạo ở các trường nghệ thuật nữa. Sau một game show nào đó, họ một bước trở thành sao.
Chẳng hạn như quan họ, ai muốn học, phải sinh hoạt trong nhà chứa quan họ từ bé - ngồi nghe, trà nước, điếu đóm cho các anh chị, bà trùm rồi tập hát từ từ, tới khi nào các cụ thấy có thể ra hát được thì mới được phép hát. Quá trình đó vô cùng vất vả. Để hát được, phải luyện một làn hơi vô cùng cẩn thận, để rồi qua từng làn hơi, ta có thể nhận ra đâu là quan họ, đâu là ca trù, ca Huế, đâu là cải lương… Loại hình nào cũng có “cá tính” của nó. Còn bây giờ, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh… không phải không có tài năng, nhưng họ rất Hàn Quốc.
* Nhưng giới trẻ ngày nay vẫn mê họ, biết làm sao được?
- Giới trẻ có cách nhìn, thẩm mỹ riêng. Cách nhìn ấy được định hình qua giáo dục, văn hóa, xã hội, cộng đồng. Bây giờ, chúng ta thế thì làm sao đòi hỏi được gì hơn? Nói chung, vẫn phải quay về câu chuyện giáo dục. Chúng ta bỏ quên giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông suốt bao năm qua thì bảo làm sao giới trẻ không quay lưng. Trách nhiệm này thuộc về người lớn.
Chỉ khi được dạy, chúng ta mới có một thế hệ hiểu âm nhạc truyền thống ở mức độ thưởng thức chứ không phải bằng tâm thế bảo tồn. Ở một số nước, ngoài nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ âm nhạc mỗi năm đều phải có một thời gian nhất định để đến các trường phổ thông giảng dạy. Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong từng đến tận trường tiểu học để giới thiệu âm nhạc truyền thống, các nhạc cụ, các thể loại âm nhạc của ta… cho các em học sinh tiểu học ở Mỹ.
|
Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long |
* Ngay cả môi trường đào tạo chuyên nghiệp liên quan tới âm nhạc, giáo dục âm nhạc truyền thống cũng không có ư?
- Các trường đại học chuyên nghiệp hiện nay mới chỉ quan tâm tới chuyện đào tạo nhạc cụ truyền thống để biểu diễn những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp, bỏ qua âm nhạc dân tộc - cổ truyền. Ngay cả Khoa Kịch hát dân tộc của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng chỉ đào tạo diễn viên chèo là chèo, tuồng là tuồng…
Chúng ta không có một trường âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam để cung cấp cho các em một bức tranh chung của dòng nhạc này. Nhiều lần, đã có những ý định tách Khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và nhập Khoa Kịch hát dân tộc thành trường âm nhạc dân tộc, nhưng mãi chưa làm được. Mà, giả thiết, nếu làm được, quan điểm và hướng đi của nó ra sao cũng là một vấn đề. Không khéo lại kiểu hai cái ráp vào nhau mà thôi.
* Bàn tay vĩ mô của Nhà nước trong chuyện này ra sao?
- Những năm qua, Nhà nước cũng đã có những chính sách đặc biệt cho phát triển âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với những gì bỏ ra. Ta đang xem âm nhạc truyền thống như một thứ cần được bảo tồn, như cách các bảo tàng vẫn làm, có một dự án đầu tư thì đập đi xây mới. Cách thực hiện có nhiều vấn đề bất cập. Trong khi đó, chưa có những chính sách quan tâm tới nghệ nhân đúng mức. Quá trình xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân trong các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn nhiều ồn ào, thiếu thuyết phục.
Ở một số nước, nhà nước trả lương cho nghệ nhân để họ yên tâm cống hiến cho nghệ thuật. Ở Pháp, họ được phong là “hiệp sĩ”. Ở Mỹ, họ được xem là di sản cấp bang, liên bang… Dù đáng tiếc, việc âm nhạc truyền thống hay văn hóa truyền thống Việt Nam bị mai một, chúng ta vẫn phải chấp nhận như một điều tất yếu.
* Ở một số hội thảo, nhiều người cho rằng khai thác du lịch như một yếu tố tác động tiêu cực, thậm chí là phá hoại văn hóa, âm nhạc truyền thống. Năm nào, sau tết, hội Lim chẳng trở thành tiêu điểm của báo chí…
- 100 năm trước, các cụ sinh hoạt trong hội Lim là không có khán giả, chỉ có những người đi hội. Những người đi hội vừa là ca sĩ vừa là khán giả. Bây giờ, làm sao bắt tốp nam, tốp nữ, đứng hát cho hàng ngàn người xem mà lại không có dàn âm thanh? Hơn nữa, khi có tính chất biểu diễn vào, tại sao lại bắt các liền anh liền chị không được nhận tiền của khán giả? Đó là bài toán của các nhà quản lý văn hóa. Phải đưa ra một quan điểm và phải bảo vệ quan điểm đó. Cùng với sự phát triển của xã hội, du lịch là yếu tố luôn phát sinh, khi nó có nhu cầu, sao lại bỏ qua cơ hội đó. Vừa có tiền, vừa giới thiệu văn hóa ra bên ngoài, tại sao lại không làm?
Nếu chúng ta nhìn nhận, phân định được vấn đề một cách rõ ràng, cái gì cần bảo tồn, cái gì cần phát triển, du lịch cần cái gì… thì chẳng có gì phải ngại cả. Ở các quốc gia khác, người ta mong có di sản để làm du lịch cũng không được. Mình có, tại sao lại sợ? Quan trọng vẫn là làm như thế nào.
* Xin cảm ơn anh.
Đậu Dung