Nhà lưu niệm bị biến thành quán cà phê

19/11/2016 - 15:48

PNO - Thời gian gần đây, nhà lưu niệm hoàng thái hậu Từ Cung (145 Phan Đình Phùng, TP.Huế) bỗng dưng bị biến thành quán cà phê, để lại sự luyến tiếc cho bao người.

Bà Từ Cung là vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại. Bà là hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Khi vào triều, bà Từ Cung được sống tại cung Diên Thọ trong Hoàng thành. Đến năm 1945, sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại, bà cùng gia đình rời hoàng cung qua sống tại cung An Định bên bờ sông An Cựu. Đây vốn là nơi sống thời trai trẻ của vua Khải Định, rồi đến vua Bảo Đại.

Trong biệt cung này, riêng lầu Khải Tường đã có ba tầng gồm 21 phòng lớn nhỏ khác nhau. Bà Từ Cung sống tại đây từ năm 1945 đến năm 1949. Năm 1949, Bảo Đại về làm Quốc trưởng, bà vào sống lại trong cung Diên Thọ. Sau khi Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lật đổ, bà Từ Cung buộc phải rời cung An Định, mua ngôi nhà của ông Hồ Đắc Điềm để ở. Đó chính là ngôi nhà lưu niệm Hoàng thái hậu Từ Cung bây giờ.

Nha luu niem bi bien thanh quan ca phe
Quán cà phê Nền Cũ - Ảnh: Thuận Hóa

Hồ Đắc Điềm là con cụ Hồ Đắc Trung, thượng thư bộ học thời Khải Định. Ông Điềm dành ngôi nhà này cho chị mình là bà Ân Phi ở. Bà Ân Phi được vua Khải Định cưới làm vợ chính thức vào ngày 3/12/1917. Tuy nhiên, bà Ân Phi không có con nên thất sủng dần, đến nỗi bà thất chí, khủng hoảng rồi bị bệnh tâm thần. Bà đi lang thang, cuối cùng phải vào tu trong nhà thờ Thiên Hữu.

Kể từ năm 1955, khi bà Từ Cung về đây, ngôi nhà xem như đã chứng kiến cuộc sống của hai người vợ vua kế tiếp nhau: bà Ân Phi và bà Từ Cung. Ngôi nhà tọa lạc tại địa chỉ 145 Phan Đình Phùng, thành phố Huế, hiện do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý. Nhà xây theo kiểu Pháp rất khang trang, diện tích 220m2 nằm trong khuôn viên rộng 1.709m2 . Đối với nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu, ngôi nhà là điểm tham quan thú vị, một nơi tìm hiểu bổ ích vì nó đang lưu giữ không ít những giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Năm 1980, bà Từ Cung qua đời, được thờ tại ngôi nhà này. Năm 1997, vua Bảo Đại mất ở Pháp, bàn thờ vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng được đặt trong tòa nhà này.

Khi dọn đến ở, bà Từ Cung đã cho di chuyển hàng trăm hiện vật quý báu từ cung An Định sang và trưng bày như một bảo tàng nhỏ: đồ ngự dụng, đồ tự khí, tủ, bàn, ghế dựa, trường kỷ, đồ gỗ, án thờ, sập gụ, sơn son thiếp vàng hoặc khảm cẩn, đồ sành sứ, đồ đồng thời nhà Thanh và nhà Nguyễn. Trong đó, một số đồ gỗ có chạm hai chữ Hán “An Định”.

Theo một bản kiểm kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, vào năm 1997, ở cơ sở di tích này còn bảo lưu được 171 hiện vật quý với nhiều loại chất liệu khác nhau. Hai loại hiện vật có giá trị đặc biệt nhất về lịch sử và nghệ thuật là những hình ảnh và những pho tượng của một số hoàng đế, hoàng hậu, hoàng tử và hoàng nữ của triều Nguyễn.

Trước đây, có khá nhiều du khách, đặc biệt khách nước ngoài quan tâm và tới thăm di tích này vì có thể biết thêm được những thông tin cụ thể về bà hoàng thái hậu cuối cùng của Việt Nam và gia đình vua Bảo Đại. Vậy nên, việc di tích biến thành quán cà phê mang tên Nền Cũ khiến nhiều người cảm thấy tiếc.

Quán cà phê hầu như chỉ đông khách vào sáng Chủ nhật, những ngày trong tuần thường vắng. Tôi hỏi một vài người khách ở quán: “Quán cà phê có kiến trúc và cảnh quan đẹp thế này sao anh chị ít đến uống cà phê thế”? Họ đáp: “Chúng tôi là người Huế, đến đây uống cà phê thấy buồn quá, hoài tiếc một di tích văn hóa. Kiểu dịch vụ trên nền di tích này làm mất đi hình ảnh của một thời vàng son, cũng không giúp người trẻ gần và hiểu lịch sử của dân tộc hơn”.

Câu trả lời đã đủ, xin khỏi bàn thêm.

Nguyễn Quang Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI