Nhà lập quốc Hoa Kỳ hối hận vì mất con do không chủng ngừa

18/08/2021 - 06:34

PNO - Cách đây 285 năm, Benjamin Franklin, nhà lập quốc vĩ đại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đã mất đi đứa con trai 4 tuổi chỉ vì chần chừ không chịu chủng ngừa bệnh đậu mùa cho cậu bé.

5 tuần kể từ sau cái chết của cậu con trai 4 tuổi, Benjamin Franklin - một trong những người sáng lập quan trọng và có ảnh hưởng nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - vẫn cố tìm cách giấu kín thông tin mặc cho những lời đồn đoán lan truyền khắp nơi rằng, cậu bé không qua khỏi đợt dịch bệnh đậu mùa là do không được tiêm vắc xin trước đó.

Tranh sơn dầu vẻ cậu bé Francis “Franky” Franklin 4 tuổi, con trai của Benjamin Franklin được vẻ năm 1736-1737 - Tác giả: Samuel Johnson
Tranh sơn dầu vẽ cậu bé Francis “Franky” Franklin 4 tuổi, con trai của Benjamin Franklin, tranh được thực hiện năm 1736-1737 - Tác giả: Samuel Johnson

Câu chuyện chỉ chấm dứt vào ngày 30/12/1736 khi người cha 30 tuổi đang đau buồn và hối hận này thú nhận “bí mật động trời” trên tờ nhật báo Pennsylvania Gazette do ông làm chủ biên: “Thằng bé đã không được chủng ngừa… Và vì vậy, đã bị nhiễm bệnh”.

Đây chính là điều khiến dân chúng cảm thấy bất ngờ bởi từ lâu, Franklin luôn tỏ ra là người ủng hộ việc tiêm vắc xin phòng bệnh như “một hành động an toàn và có lợi cho sức khỏe”, thế nhưng ông lại không áp dụng điều đó cho con của mình.

“Tôi đã có ý định cho thằng bé chủng ngừa ngay sau khi nó hết bị tiêu chảy. Nhưng rồi mọi thứ đã trở nên muộn màng”, Franklin giải thích.

Trong cuốn tự truyện được xuất bản 50 năm sau khi ông qua đời, người ta đọc được dòng thú nhận rằng, bản thân ông đã “hối hận sâu sắc, và hối hận mãi mãi” vì đã chần chừ trong việc chủng ngừa cho con mình.

Mọi việc bắt đầu vào năm 1730 khi bệnh đậu mùa trở thành đại dịch tấn công thành phố Boston. Lúc ấy, Franklin đã giám sát chặt chẽ tình hình chủng ngừa của người dân và nhận thấy “chỉ có 4 trong hàng trăm người đã tiêm vắc xin tử vong”. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở những người mắc bệnh một cách tự nhiên mà không chủng ngừa là gần 30%.

Bức tranh cho thấy em bé ở giữa bị bệnh đậu mùa nặng do không tiêm vắc xin, 2 em bé ngồi 2 bên đã được tiêm vắc in ngừa trước đó một năm nên không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh - Ảnh tư liệu chụp năm 1924
Bức ảnh cho thấy em bé ở giữa bị bệnh đậu mùa nặng do không chủng ngừa, 2 em bé ngồi 2 bên đã được tiêm vắc xin trước đó một năm nên không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh - Ảnh tư liệu chụp năm 1924

Từ đó, ông đã tài liệu hóa quy trình cũng như lợi ích của việc dùng vắc xin ngừa các loại dịch bệnh được sử dụng suốt một thời gian dài sau đó.

Thế nhưng người ta vẫn không thể lý giải được vì sao ông lại không chịu cho đứa con trai nhỏ của mình chủng ngừa khi dịch bệnh tràn đến Philadelphia, nơi gia đình ông đang sinh sống, mặc cho lời giải thích của ông rằng, việc trì hoãn là do tình trạng sức khỏe của con trai mình lúc đó chưa được ổn.

Mặc dù vậy, vẫn có một số nhà sử học đưa ra giả thuyết khác, rằng vợ của Franklin rất sợ kim tiêm và vì thế đã cố thuyết phục để ông không tiêm vắc xin cho con. Điều này nghe có vẻ cũng hợp lý bởi trong cuốn hồi ký, ông đã mô tả về vợ của mình như là một người phụ nữ “thiếu trách nhiệm và không đủ sức khỏe để đảm nhận vai trò làm mẹ”.

Lúc gần cuối đời, sau khi bày tỏ sự hối hận sâu sắc vì đã để đứa con trai 4 tuổi của mình phải chết vì không chủng ngừa bệnh đậu mùa, Franklin đã viết lời khuyến cáo trong cuốn hồi ký của mình: “Tôi muốn nhắn nhủ các bậc cha mẹ rằng, sẽ không ai có thể tha thứ cho bản thân mình nếu để con trẻ phải chết vì không được tiêm vắc xin như sai lầm của tôi. Vì vậy, hãy lựa chọn giải pháp an toàn cho con mình hơn là không làm gì cả”.

Benjamin Franklin vốn là người rất quan tâm đến việc tiêm vắc xin chống lại dịch bệnh. Thế nhưng ông đã mắc sai lầm khi không tiêm vắc xin cho con trai mình - Ảnh: ClassicStock/Archive Photos/Getty Images
Benjamin Franklin vốn là người rất quan tâm đến việc tiêm vắc xin chống lại dịch bệnh, thế nhưng ông đã mắc sai lầm khi không tiêm vắc xin cho con trai mình - Ảnh: ClassicStock/Archive Photos/Getty Images

Giờ đây, sau gần 3 thế kỷ, câu chuyện trì hoãn dùng vắc xin ngày nào đang lặp lại khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 - với sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Delta - đang càn quét khắp nước Mỹ.

Thống kê cho thấy vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dân Mỹ, trong đó có nhiều trẻ em dưới 12 tuổi và thanh niên, đến nay vẫn chưa chịu tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Nguyễn Thuận (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI