Kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Nhà lãnh đạo của những tư duy đột phá

25/12/2023 - 07:00

PNO - Chiều 24/12 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (25/12/1933 - 25/12/2023), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Phan Văn Khải - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TPHCM”.

Chiều 24/12 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (25/12/1933 - 25/12/2023), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Phan Văn Khải - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TPHCM”.

Dấu ấn chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại

Ngày 19/6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống George W. Bush. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong “chuyến thăm lịch sử” tới Mỹ năm 2005
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong “chuyến thăm lịch sử” tới Mỹ năm 2005

Cuộc hội đàm (40 phút) kéo dài hơn dự kiến 15 phút. Tổng thống George W. Bush với thái độ hòa giải đã đánh giá cao những thành tựu đổi mới của Việt Nam. Người đứng đầu của Chính phủ Mỹ thừa nhận những tiến bộ về tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian qua, khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhận lời sang thăm Việt Nam vào năm 2006… Đó là những kết quả đã nâng tầm mối quan hệ 2 nước.

Chia sẻ tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhắc lại chuyến thăm đặc biệt này và khẳng định: đây là một trong những cột mốc lịch sử quan trọng của dân tộc, để lại dấu ấn tư duy chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Ông đã chuyển tải thông điệp về một Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. “Sau 30 năm, 2 nước trước đây là kẻ thù nhưng bây giờ đã đẩy lùi quá khứ, hướng tới tương lai, xóa bỏ ranh giới cũ" - ông Bùi Đình Phong nhấn mạnh quan điểm của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Cũng từ chuyến thăm này, theo ông Bùi Đình Phong, phía Mỹ đã có cơ hội để hiểu hơn về Việt Nam. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã đồng ý để một số công ty của Việt Nam niêm yết. Tức giờ đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể huy động vốn trên toàn thế giới. Sự ủng hộ của Tổng thống George W. Bush đã mở ra cánh cửa hợp tác kinh tế, tác động mạnh mẽ để một số tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo “Đồng chí Phan Văn Khải - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TPHCM” diễn ra ngày 24/12 tại Hà Nội - ẢNH: M.Q.
Quang cảnh hội thảo “Đồng chí Phan Văn Khải - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TPHCM” diễn ra ngày 24/12 tại Hà Nội - ẢNH: M.Q.

Chuyến thăm của cố Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó đã được nhiều cơ quan thông tấn báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm. Ông Bùi Đình Phong trích lời của một nhà báo: chuyến đi mang đến thành công vang dội, đưa tới nhân dân Mỹ thông điệp về một Việt Nam muốn khép lại quá khứ, mở ra tương lai hợp tác song phương nhiều mặt. Chính cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng từng thốt lên “chưa có vị lãnh đạo nào tới thăm Mỹ mà có nhiều báo, đài thông tin như vậy”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - chia sẻ: công tác đối ngoại luôn được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải quan tâm. Không chỉ có chuyến thăm tới Mỹ, ông còn có nhiều chuyến thăm tới EU, Nhật Bản, khối ASEAN, APEC… và đều đạt những kết quả quan trọng, làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tiên phong “cởi trói” cho kinh tế tư nhân phát triển

Cuối thập niên 1990, quản lý nhà nước vẫn theo mô hình cũ, chưa thực sự tin vào doanh nhân, doanh nghiệp và khả năng điều tiết của kinh tế thị trường trong môi trường cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là một trong những người tiên phong “cởi trói” cho kinh tế tư nhân phát triển.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định mừng xuân 2012 - Ảnh: Minh Đức
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định mừng xuân 2012 - Ảnh: Minh Đức

Ông Nguyễn Ngọc Bích (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích: để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp non trẻ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của người trẻ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo thành lập Hội Doanh nghiệp trẻ, chỉ đạo khẩn trương soạn thảo Luật Doanh nghiệp. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2005 cùng với việc hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2000 đã đáp ứng nhu cầu khách quan của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, góp phần to lớn vào việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Cùng nhận định trên, ông Bùi Đình Phong cũng cho rằng cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người mang tư duy đột phá chiến lược trong phát triển doanh nghiệp: “Ông luôn suy nghĩ để đổi mới về cải cách thể chế cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân, không giáo điều, không định kiến về sự “bóc lột” hay e ngại, kìm hãm khu vực này”. Cố Thủ tướng đã giải quyết mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp để mở đường cho kinh tế tư nhân và doanh nghiệp phát triển. Ông nói đó là quan hệ hợp tác, cộng đồng trách nhiệm, không có hàng rào ngăn cách theo kiểu kẻ trên người dưới, phải khắc phục tình trạng các cơ quan nhà nước tìm cách giành thuận lợi cho mình và đẩy khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng luôn chú trọng tới việc phát triển nhân tố con người. Ông luôn khẳng định phải bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn, vun đắp ý chí vươn lên và tạo điều kiện mọi người phát huy khả năng hoạt động, vì lợi ích của mình và của quốc gia. Chính vì vậy, trong chỉ đạo, điều hành, cố Thủ tướng đã đẩy mạnh giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ gắn với sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội. Ông cũng mong muốn xây dựng môi trường thực sự dân chủ gắn với nhà nước pháp quyền mà theo đó, “cốt lõi là cơ quan hành chính phải phục vụ đắc lực nhân dân, công chức là công bộc của dân”.

Học tập lối sống giản dị, chân thành của “bác Sáu”

Những người từng làm việc với đồng chí Thủ tướng Phan Văn Khải đều cảm nhận ông là một con người hội tụ nhiều giá trị tinh hoa: lòng trung thành, sự tận tâm, đức hy sinh, ý chí tiến thủ, lối sống chân thực, thanh đạm, sinh hoạt giản dị, cần kiệm, gần gũi đồng chí, anh em, bạn bè, quan tâm chăm sóc cấp dưới và gắn bó với nhân dân… Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nói sau nhiều lần gặp gỡ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Tôi đã phát hiện những phẩm chất tinh hoa trong con người anh Sáu. Chúng ta có thể gọi đây là “tố chất Phan Văn Khải”. Tố chất ấy đã được hun đúc trong sự tiếp thu, kế thừa và phát huy những giá trị tinh thần truyền thống trên mảnh đất quê hương Nam Bộ. Đó là chí can trường, lòng nhân ái, nghĩa cử hào hiệp và đức tính vị tha”.

Với đồng chí Thủ tướng Phan Văn Khải, TPHCM không chỉ là nơi ông sinh ra, lớn lên và bước đầu tham gia hoạt động cách mạng. Đó còn là nơi ông từng trở lại công tác ở chiến khu, từng ở đây với cương vị là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố rồi Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND thành phố. Đây cũng là nơi ông cùng các đồng chí lãnh đạo đi trước như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt hợp sức giải quyết những khó khăn chồng chất ở thời điểm đầu sau khi thống nhất đất nước, tạo nên một thành phố năng động, sáng tạo đi đầu trong công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội của cả nước. 

Ông đã khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân, của các doanh nhân…, làm bật dậy sức mạnh của nền kinh tế thị trường. Khi làm Thủ tướng Chính phủ, năm 2001, ông đã ký Nghị định số 93/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM, trao cho TPHCM “cây gậy quý” mà nhờ đó góp phần tạo nên sức bật cho thành phố.

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM đã sinh ra, nuôi dưỡng và bồi đắp cho ông những điều căn cốt trong cuộc đời. Cũng có lẽ vì vậy, mà ông gắn bó với đồng chí, đồng bào ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng với người dân thành phố, ông vẫn như người nhà. Người dân nơi đây vẫn gọi ông với cái tên trìu mến, thân thương: “anh Sáu”, “chú Sáu”, “bác Sáu”.

Khi còn công tác ở thành phố, ông vẫn dành thời gian gặp gỡ người dân lao động, bố trí thời gian và tâm sức làm việc với các doanh nhân với tấm lòng thân thiết, không câu nệ phân biệt đối xử. Khi đã từ nhiệm, ông về sống trong lòng thành phố, cùng địa phương tiếp tục lo cho các cháu học sinh điều kiện về trường lớp để học hành; cùng lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các cán bộ chuyên môn và các văn nghệ sĩ chăm lo công tác giáo dục truyền thống cách mạng. Chính ông đã trực tiếp tham gia thực hiện nhiều công trình có ý nghĩa lịch sử sâu sắc của thành phố.

Học tập tấm gương đồng chí Phan Văn Khải sẽ có nhiều vấn đề cần tiếp tục suy ngẫm. Khi còn sống, ông hết sức bình dị, thân thương. Nay ông đã đi xa, chính những điều bình dị ở nơi ông là những giá trị cao quý được cán bộ, đảng viên và mỗi người dân thành phố này nâng niu, trân trọng học tập và noi gương ông nỗ lực vì thành phố thân yêu.

Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Minh Quang 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI