Nhà là nơi để về

04/10/2023 - 13:03

PNO - Tâm sự của những đứa con trưởng thành được nữ nhà văn người Hàn Quốc giãi bày một cách tinh tế và thấm đẫm tình cảm trong tiểu thuyết mới.

Sự cô đơn của con người nơi thành thị và tình cảm gia đình là hai chủ đề lớn trong sáng tác của Shin Kyung Sook. Bà là cây bút nổi tiếng xứ kim chi, được độc giả Việt Nam yêu mến qua cuốn tiểu thuyết cảm động Hãy chăm sóc mẹ. Sau một thập kỷ, nhà văn trở lại với đề tài gia đình, bằng một sáng tác có nhan đề khá dung dị Hãy về với cha.

Nhân vật trung tâm của tác phẩm này là nữ nhà văn đã bước vào tuổi trung niên, tên là Heon. Khi người mẹ bị bệnh, phải tới thủ đô Seoul để chữa trị, Heon đành phải về ngôi nhà cũ ở làng J để chăm sóc người cha già yếu. Cuộc sống yên bình ở chốn thôn quê mộc mạc, trong trẻo đã giúp Heon tìm lại nhiều giá trị mà lâu nay cô đã bỏ lỡ.

Tiểu thuyết Hãy về với cha của Shin Kyung Sook. Ảnh: Huyền Phan

Tiểu thuyết Hãy về với cha của Shin Kyung Sook. Ảnh: Huyền Phan

Trở về ngôi nhà cũ, ngồi bên cha trò chuyện những điều vụn vặt hàng ngày, khiến tâm hồn của người phụ nữ đau khổ ấy được thanh tẩy. Người đàn ông đang ngồi cạnh cô không chỉ là một người cha, sống quá nửa đời người ông cũng từng trải qua nhiều đau khổ. Thay vì trốn tránh, ông quyết định đối diện với những khổ đau và kiêu hãnh sống tiếp.

Những ngày trở về J là một may mắn lớn với Heon, cô được sống bên cha, được hồi tưởng lại một phần cuộc đời mình, từ những ngày tháng vô ưu của một cô bé, đến tuổi thiếu nữ đầy mơ mộng. Những ký ức tươi đẹp ấy được vun đắp từ tình yêu thương vô bờ của cha mẹ. Từng góc nhỏ trong ngôi nhà ấm êm đó đầy ắp kỷ niệm của 6 anh chị em.

J. giờ đã là một thành phố, nhưng trong ký ức của Heon, vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh một ngôi làng hẻo lánh, với những con đường đất mờ mịt bụi mà mỗi sáng anh em cô vẫn đạp xe đi học. Trong những năm tháng xưa cũ ấy, không chỉ có ký ức về một gia đình, một dòng tộc, mà còn chứa đựng bao phen chìm nổi của dân tộc.

Giống như những anh chị em trong nhà, Heon luôn cho rằng cha mẹ không hiểu cô. Sau nhiều năm xa cách, đứa con ấy mới nhận ra mình không hiểu đấng sinh thành. Mẹ cha bao năm vẫn vậy, vẫn luôn là suối nguồn yêu thương thầm lặng bên mỗi nếp nhà đợi các con trở về.

Nhà văn Shin Kyung Sook.                                                          Ảnh:  S.P

Nhà văn Shin Kyung Sook. Ảnh: S.P

Người già thường sống bằng ký ức, trở về J. sống cùng cha, Heon thấy mình sống như một bà lão. Trong đầu cô tràn ngập những hoài niệm về gia đình. Nhiều kỷ niệm tuổi thơ tưởng đã tan ra trong tâm trí bỗng hiện về thật sắc nét, gần gũi. Quãng thời gian mấy chục năm, cả nửa đời người mà hóa ra rất gần, như mới xảy ra ngày hôm qua thôi.

Trong những ký ức ấy, luôn thấm đượm hình ảnh của một người cha cần mẫn, sẵn sàng làm đủ nghề để lo cho đàn con thơ được sống đủ đầy hơn. Khoảnh khắc nhận ra cha đã già, Heon thấy tiếc nuối những năm tháng đã qua. Cô sợ hãi với ý nghĩ mình sẽ không còn nhiều thời gian bên cha mẹ nữa.

Với tiểu thuyết Hãy về với cha, một lần nữa nhà văn Shin Kyung Sook lại chinh phục độc giả bằng lối kể chuyện cuốn hút và nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật tỉ mỉ, không cần tới các tình huống cao trào, cô vẫn khiến người đọc xúc động và dõi theo câu chuyện từ đầu tới cuối. Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống của Hàn Quốc cũng được nhà văn lồng ghép khéo léo vào tác phẩm. 
 

 Hoàng Mai Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI