Nhà không phép của ông hội đồng: Chỉ vận động, chưa cưỡng chế

26/10/2019 - 08:08

PNO - Thay vì áp dụng biện pháp cưỡng chế để tháo dỡ nhà xưởng xây dựng không phép của ông “hội đồng” Lê Hữu Thành, phường Hiệp Bình Chánh chỉ đang dùng biện pháp: vận động.

7 công trình xây dựng không giấy phép ở hẻm 419, đường 48, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM bỗng dưng nổi tiếng. Một phần vì “được” lên báo nhưng phần chủ yếu khác do chủ đầu tư các công trình này được xác nhận là của ông Lê Hữu Thành - ủy viên Ban thường vụ Quận ủy Thủ Đức – Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Thủ Đức, TP.HCM và các anh chị em của ông.

Sau chuyến thị sát vào ngày 22/10/2019 của ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM tận nơi 7 công trình này; và sau lời cam kết không bao che của quận Thủ Đức, dư luận đang chờ một cách xử lý mạnh tay để chứnh minh sự mạnh mẽ của pháp luật.

Nha khong phep cua ong hoi dong: Chi van dong, chua cuong che
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi công việc các công nhân làm giấy tại nhà xưởng của "ông hội đồng" Lê Hữu Thành

Tuy vậy, trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM vào ngày 25/10, Đảng ủy phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho biết chỉ đang áp dụng biện pháp vận động với chủ đầu tư 7 công trình sai phép nói trên: “Vấn đề này, chỗ anh Lê Hữu Thành đã hứa sẽ tự tháo dỡ. Hiện nay, chúng tôi cũng vận động để anh sớm tự tháo dỡ công trình. Chủ các công trình còn lại (anh em của ông Thành) cũng không phản đối gì, cũng sẽ chấp hành”.

Thử qua khu vực hẻm 419 vào ngày 25/10, các nhà xưởng này vẫn mở cửa, máy móc và công nhân vẫn đến hoạt động.

Nha khong phep cua ong hoi dong: Chi van dong, chua cuong che
Các công trình xây dựng này vẫn là nơi để các nhà xưởng sản xuất giấy, gỗ, da...hoạt động (ngày 25/10)

Lời hứa của ông Lê Hữu Thành đã được văn bản hóa trong báo cáo của Quận ủy quận Thủ Đức vào ngày 22/10/2019: “Ngày 16/10/2019, đồng chí Phó bí thư thường trực và đồng chí Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đã làm việc với đồng chí Lê Hữu Thành về những công trình vi phạm của cá nhân và gia đình. Đồng chí Lê Hữu Thành cam kết tự nguyện tháo dỡ nhưng đề xuất cần có thêm thời gian để thu xếp trong thời gian sớm nhất (khoảng 1 tháng)”.

Tuy nhiên, lật lại lịch sử tồn tại của 7 công trình này, sẽ thấy lời hứa nếu không giám sát, không dõi theo kỹ lưỡng…có khi chỉ lại là như gió bay. Sự tồn tại của 7 công trình xây dựng kéo dài đến nay đã 7 năm (nếu tính từ công trình đầu tiên được xây dựng năm 2012) và trải qua nhiều lần lập biên bản nhưng chưa thể cưỡng chế phá dỡ. Quy trình luôn được bắt đầu bằng lập biên bản vi phạm hành chính; ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng; ra quyết định cưỡng chế…để rồi kết thúc bằng tạm hoãn hoặc không thực hiện cưỡng chế. 

Nha khong phep cua ong hoi dong: Chi van dong, chua cuong che
Nhà xưởng của ông Lê Hữu Thành có...tuổi đời lâu nhất - 7 năm

Trong số 7 công trình này, chỉ có duy nhất nhà xưởng của ông Lê Hùng Sơn bị UBND phường Hiệp Bình Chánh cưỡng chế tháo dỡ vào ngày 7/7/2016 nhưng sau đó ông Sơn đã xây dựng lại và tồn tại đến nay.

Thật kỳ lạ khi một công trình xây dựng sai phạm thì chủ nhân có thể có quyền được hứa, trong khi đã có quy định của pháp luật phải cưỡng chế tháo dỡ sau một thời hạn có nhất định. Ngoài ra, giả sử lời hứa được cho là hợp pháp thì trong trường hợp này, chỉ có một mình ông Lê Hữu Thành hứa nhưng những anh em của ông thì không. Vậy chả nhẽ, ai không hứa thì công trình vi phạm lại cứ y nguyên như cũ hay sao?

Nha khong phep cua ong hoi dong: Chi van dong, chua cuong che
7 công trình kéo dài từ đầu hẻm đến cuối hẻm 419, đường 48, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM

Theo Nghị định 139/2017 của Chính phủ và điều 5, Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng, chủ công trình vi phạm có 60 ngày xuất trình giấy phép xây dựng. Nếu không có, phải buộc tháo dỡ trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo. Hết thời hạn này, nếu không thực hiện, sẽ bị cưỡng chế thi hành, theo khoản 4 điều 4 Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng.

7 công trình xây dựng không phép mọc lên theo thứ tự thời gian như sau. Đầu tiên là công trình nhà xưởng của ông Lê Hữu Thành có kết cấu cột sắt, vách tôn, mái tôn…được xây dựng từ năm 2012, hiện cho thuê làm xưởng giấy. Tiếp theo đó, là nhà xưởng cho thuê làm giấy của ông Lê Ngọc Dương mọc lên năm 2015; nhà xưởng của ông Lê Hùng Sơn mọc lên năm 2016; nhà cho thuê làm xưởng da của bà Lê Thị Tuyết mọc lên năm 2016; nhà xưởng cho thuê làm gỗ của bà Lê Thị Ngọc Phụng mọc lên năm 2017; nhà xưởng cho thuê làm giấy của ông Lê Ngọc Dương mọc lên năm 2017; nhà xưởng của bà Lê Thị Kim Linh năm 2018. Quận Thủ Đức xác định tất cả chủ đầu tư xây dựng 7 công trình này đều là con ông L.N.L. và là anh em của ông Lê Hữu Thành. Vị trí đất thuộc quy hoạch đất ga dự trữ theo Quyết định số 4940/QĐ-UBND ngày 11/9/2013 của UBND TP.HCM.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI