Nhà khoa học nữ xuất sắc 2023 Nguyễn Thị Ái Nhung: Miệt mài nâng tầm giá trị dược liệu đặc hữu

07/12/2023 - 06:30

PNO - Bắt đầu từ thời điểm xảy ra đại dịch, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu các loại cây dược liệu phục vụ những bệnh liên quan đến phổi, hô hấp, dạ dày, tiểu đường… Đặc biệt, các dược liệu này đều là loại cây đặc hữu, chỉ có tại Huế.

 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung - ẢNH: L.O.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung - Ảnh: L.O.

Vượt khó khăn kép 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học công nghệ, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế - là 1 trong 3 nhà khoa học vừa được vinh danh nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 tại giải thưởng L’Oréal - UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học.

Nghiên cứu vì cộng đồng của chị hướng đến khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam, tìm ra mối tương quan giữa hợp chất tự nhiên và cấu trúc protein. Mục tiêu của nghiên cứu là sàng lọc các hợp chất tự nhiên từ một số cây dược liệu mới; khảo sát chi tiết cấu trúc, tính chất hóa học, tính chất dược lý và hoạt tính sinh học. Từ đó đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn và hội chứng bệnh (Alzheimer, tiểu đường…) của các hợp chất tự nhiên. 

Kết quả nghiên cứu hướng đến việc xây dựng bộ dữ liệu về cấu trúc, tính chất của hợp chất tự nhiên tiềm năng trong ức chế vi khuẩn và một số hội chứng bệnh, làm cơ sở khoa học cho các nghiên cứu chuyên sâu về dược chất thiên nhiên và hóa dược để bào chế thuốc có nguồn gốc tự nhiên. 

Chị Nguyễn Thị Ái Nhung chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên là câu chuyện tài chính. Muốn nghiên cứu bài bản và nghiên cứu đạt giá trị thì cần rất nhiều tài chính để hỗ trợ, từ trang thiết bị, nguyên liệu, con người, rồi quy trình nghiên cứu, quy trình sản xuất ra sản phẩm. Khó khăn nữa là câu chuyện về cơ chế khi làm đề tài, dự án. Nhưng khi làm đủ, đúng cơ chế thì cuối cùng cũng xong. Chúng tôi muốn chuyển những khó khăn thành sự vững chắc tinh thần để bước qua những khó khăn khác”.

Chị cho rằng, nhà khoa học nữ có những khó khăn riêng nhưng theo thời gian, điều đó trở thành quen nên dần dần không thấy đó là khó khăn nữa. Có chăng, đó là thời gian có giới hạn, phải cân đối để không xao nhãng con cái gia đình nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo thời gian nghiên cứu. “Chúng tôi phải thức khuya nhiều hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe, nhan sắc. Nhưng tôi nghĩ rằng khi có đam mê thì sẽ vượt qua được. Song, thực sự là phải có sự hỗ trợ rất nhiều từ gia đình, nếu không sẽ rất khó” - nhà khoa học nữ bộc bạch.

Vì tầm vóc dược liệu Việt  

Đề tài nghiên cứu của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung xuất phát từ thực tế: đề kháng kháng sinh đang làm giảm khả năng phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng gây ra. Trong khi đó, các loại thuốc hiện hành thường không đủ hiệu quả để khắc phục tốc độ đột biến của mầm bệnh, vi khuẩn, vi rút và sự đề kháng kháng sinh. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung làm việc cùng đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm  - ẢNH: L.O.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung làm việc cùng đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm - Ảnh: L.O.

Ngay khi đại dịch xuất hiện, chị và đồng nghiệp đã bắt đầu những nghiên cứu về các loại cây dược liệu đặc hữu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên thậm chí trong phạm vi hẹp hơn như ở vườn quốc gia Bạch Mã, những cánh rừng của huyện Phong Điền, hay trên đất phường Kim Long, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế)… Các cây dược liệu đó đều là những loại mới được phát hiện như: gừng đen, trứng nhện, tỏi đá Phong Điền, bồ công anh Việt Nam, nấm dược liệu… 

Chị cho biết, khi nhóm tiến hành nghiên cứu, cây tỏi đá Phong Điền thậm chí còn chưa được đặt tên. Để tìm được các loại dược liệu mới, 1 đội trong nhóm nghiên cứu phải phối hợp với lực lượng kiểm lâm, vào sâu trong rừng, mỗi chuyến đi từ 10-15 ngày. Nhưng không phải chuyến đi nào cũng có kết quả, không phải lúc nào trong rừng cũng có sẵn cây cho các nhà khoa học nghiên cứu. Phải mất rất nhiều thời gian, công sức để có được thành công hôm nay. Chẳng hạn với gừng đen, các nhà khoa học đã mất 3-4 năm nghiên cứu; mất 3-5 năm với bồ công anh Việt Nam, nấm dược liệu…

Chị Nguyễn Thị Ái Nhung nhận định: nhờ vùng nguyên liệu đa dạng, dược liệu Việt phong phú không kém dược liệu Trung Quốc. Ngành công nghệ sinh học của Việt Nam hiện nay cũng khá phát triển. Một số cây chỉ có ở nước bạn nhưng chúng ta cũng nghiên cứu được bằng cách nuôi cấy mô, trồng thử nghiệm; di thực từ những vùng xa hơn về Việt Nam thành công.  

“Do yếu tố kinh tế nên phát triển ngành dược liệu ở nước ta là câu chuyện dài hơi, song không vì thế mà những người làm khoa học như chúng tôi chậm nhịp nghiên cứu. Chúng tôi vẫn miệt mài, được ghi nhận đến đâu, ứng dụng được đến đâu thì mừng đến đó. Dù hiện nay vẫn có những khó khăn về thời gian, cơ chế, tài chính nhưng tôi tin trong tương lai gần, ngành dược liệu sẽ có nhiều thành công hơn nữa” - chị nói. 

Dược liệu Việt Nam vô cùng quý, vấn đề là chúng ta có khai thác, duy trì được không. Để truyền ra ngoài biên giới Việt Nam về việc sử dụng các sản phẩm từ dược liệu Việt, tôi nghĩ không gì tốt hơn chính những công bố khoa học. Việt Nam hay các nước lân cận, xa hơn là châu Âu, châu Mỹ, trong khoảng 10 năm gần đây, họ có niềm tin về sử dụng dược liệu châu Á nói chung và dược liệu Việt Nam nói riêng. Tôi cho rằng công bố quốc tế là một thông điệp, các diễn đàn để chúng tôi tham gia cũng là một thông điệp. Giải thưởng này cũng là cơ hội để tôi có thể quảng bá, gửi thông điệp đến thế giới về dược chất thiên nhiên, các cây thuốc của Việt Nam.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI