Nhà khoa học của người nghèo

17/03/2016 - 09:41

PNO - Những câu chuyện của anh luôn thu hút người đối diện, bởi đó là những trăn trở về cuộc sống người nghèo, anh thường đưa ra được những giải pháp khả thi.

Nha khoa hoc cua nguoi ngheo
Anh Minh luôn sôi nổi, thu hút người đối diện khi nói về các giải pháp hỗ trợ dân nghèo

Nói về vận động từ thiện, có lẽ anh Minh thuộc diện "siêu giỏi": Năm 2012, vận động được khoảng 2,5 tỷ đồng; năm 2013: khoảng 3,5 tỷ; năm 2014: khoảng 4,5 tỷ; năm 2015: hơn sáu tỷ (chỉ riêng việc xây dựng căn nhà và bảy cây cầu bê tông nông thôn đã có trị giá hơn năm tỷ đồng).

Người luôn đặt câu hỏi "tại sao?"

Đôi mắt sáng, gương mặt hiền, nụ cười cởi mở, lại thêm bộ quần tây - áo sơ mi “đóng thùng” tề chỉnh, trông anh vẫn “rất thầy giáo”, dù chỉ theo nghề dạy học vỏn vẹn ba năm. Những câu chuyện của anh luôn thu hút người đối diện, bởi nó xoay quanh những trăn trở về cuộc sống của người nghèo, và ở đó, anh thường đưa ra được những giải pháp khả thi. Anh nói: “Tôi đang ấp ủ làm một đề tài khoa học “Bảo vệ đàn gia súc trên vùng núi cao khi bị rét đậm, rét hại”.

Theo anh, cứ mỗi đợt rét đậm, rét hại, báo đài lại đưa tin có hàng chục ngàn trâu bò chết. Khi trâu bò chết, người dân mất đi “sức cày, sức kéo” dẫn đến đói, nghèo; chính phủ phải chi hàng trăm tỷ đồng cứu đói và khôi phục đàn gia súc; nhưng đàn trâu bò thay thế còn chưa kịp lớn thì lại bị rét đậm, rét hại gây chết. Và rồi dân lại tiếp tục đói, chính phủ lại tiếp tục tốn ngân sách.

 Từ trăn trở đó, anh nghĩ đến việc phải thiết kế đề án hướng dẫn người dân làm chuồng bảo vệ sức khỏe cho gia súc. Loại chuồng này có chi phí chỉ khoảng hai - ba triệu đồng, và theo ước tính của anh Minh, nếu Nhà nước hỗ trợ một nửa kinh phí làm chuồng thì với 10.000 chuồng, Nhà nước chỉ phải tốn 16 tỷ đồng, mà hiệu quả kéo dài năm - bảy năm.

Vừa từ miền núi, anh lại dẫn người đối diện xuống đồng bằng sông Cửu Long, với những trăn trở: Làm sao để bà con có việc làm thường xuyên? Làm sao để hạt lúa không bị thất thoát, giảm chất lượng do lệ thuộc nắng mưa, chỗ phơi phóng trong mùa thu hoạch? Tại sao đến giờ, người đan lục bình vẫn phải tốn công “bưng ra bưng vô” để phơi? Anh đề ra giải pháp “máy sấy mi-ni giá rẻ”.

“Đây là những đề tài mà tôi tin là có thể áp dụng đại trà, mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng. Nhưng thú thực hiện giờ, tôi không có thời gian để đầu tư làm đề tài”, anh Minh lôi một xấp giấy tờ, cho thấy anh đang “vắt giò lên cổ” với cả núi công việc: lo thành lập thêm “bếp ăn nhân đạo”; lo tiếp tục vận động kinh phí để xây tặng nhà tình thương cho hộ nghèo, xây cầu bê tông nông thôn…

Nha khoa hoc cua nguoi ngheo
Anh Minh với chiếc áo phao đa năng giúp ngư dân có thể sống sót bảy-tám ngày trên biển khi bị chìm tàu

Trăn trở với "nỗi đau cộng đồng"

Trong các đề tài, anh tâm đắc nhất là đề tài bếp ăn nhân đạo phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Cốt lõi của đề tài này là huy động sự đóng góp của các lực lượng tại chỗ như bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tiểu thương bán rau củ quả, đại lý gạo… để bảo đảm nguồn thực phẩm thường xuyên cho bếp ăn.

“Tôi đã thiết lập đề án và được lãnh đạo các địa phương ra quyết định thành lập bếp ăn đặt tại các bệnh viện. Kể từ năm 2000 đến nay, bản thân tôi và các Mạnh Thường Quân đã lập được 23 bếp ăn nhân đạo tại các tỉnh từ Kiên Giang đến Quảng Nam, mỗi ngày phục vụ tổng cộng khoảng 6.000 suất ăn cho các bệnh nhân nghèo. Dự kiến trong năm 2016, chúng tôi sẽ lập thêm khoảng ba bếp ăn miễn phí nữa tại các huyện nghèo khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, anh cười sung sướng.

Một đề tài nữa mà anh cũng rất tâm đắc, bởi nó giúp được hàng trăm hộ nghèo có chỗ ở coi được, thay cho nhà lá lụp xụp, tạm bợ, là đề tài “Xây dựng nhà tình thương cho người dân nghèo trong giai đoạn kinh tế suy thoái”. Được triển khai từ giữa năm 2012 đến tháng 8/2015, chương trình “nhà tình thương chi phí thấp” này đã xây tặng 600 căn nhà mái tôn, vách tôn kẽm cho bà con các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang và Cần Thơ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI