Nhà hoạt động vì khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg ủng hộ các cộng đồng bản địa đấu tranh

11/12/2019 - 10:00

PNO - Các nhà hoạt động bản địa cho rằng, cộng đồng của họ gần như chẳng đóng góp gì vào việc thải khí làm biến đổi khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu thời tiết khắc nghiệt và sự biến mất của động vật hoang dã.

“Quyền của các cộng đồng bản địa đang bị xâm phạm trên toàn thế giới. Họ cũng là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhanh nhất bởi tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường” - Greta Thunberg lưu ý.

Nha hoat dong vi khi hau tre tuoi Greta Thunberg ung ho cac cong dong ban dia dau tranh
Cô bé Thụy Điển Greta Thunberg (giữa) bên cạnh các nhà hoạt động vì khí hậu trẻ tuổi khác có mặt ở COP25 tại Madrid ngày 9/12 - Ảnh: VOA

Sau khi rời Hoa Kỳ, vượt Đại Tây Dương bằng thuyền để tới thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nhà hoạt động vì khí hậu trẻ tuổi Greta Thunberg hầu như im lặng trong lần xuất hiện đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25 của Liên Hiệp Quốc, diễn ra tại Madrid từ ngày 2-13/12. Đó là sự im lặng có chủ ý, vì Greta muốn nhường lời cho bốn bạn trẻ người Mỹ bản địa, người Uganda, người Philippines và người từ quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương lên tiếng.

“Câu chuyện của chúng tôi đã được kể đi nói lại nhiều lần. Không cần phải lắng nghe chúng tôi nữa” - Greta Thunberg phát biểu hôm thứ Hai 9/12 tại một cuộc họp về khí hậu ở Liên Hiệp Quốc, bên cạnh Luisa Neubauer - nhà hoạt động nổi tiếng người Đức. Cô nói: “Những người từ nam bán cầu, đặc biệt là từ các cộng đồng bản địa, là những người cần kể câu chuyện của họ”. 

Các cộng đồng bản địa từ Hoa Kỳ đến Nam Mỹ và Úc đã tiến hành các chiến dịch ngày càng mạnh mẽ chống lại các dự án nhiên liệu hóa thạch mới trong những năm gần đây. 

Các nhà hoạt động bản địa cho rằng, cộng đồng của họ gần như chẳng đóng góp gì vào việc thải khí làm biến đổi khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu thời tiết khắc nghiệt và sự biến mất của động vật hoang dã.

Cô bé Rose Whipple - thuộc tộc da đỏ Santee Dakota, người Mỹ bản địa ở bang Minnesota, Hoa Kỳ - kêu gọi một cách tiếp cận dựa trên truyền thống và công nghệ: “Khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng tinh thần cho toàn bộ thế giới. Các giải pháp của chúng ta phải kết hợp khoa học với tâm linh, kiến thức sinh thái truyền thống với công nghệ”.

Hội nghị thượng đỉnh COP25 lần này nhằm giải quyết việc thực thi Hiệp ước khung về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, diễn ra tại Paris năm 2015, hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng dưới 2oC. “Trong khi các quốc gia chúc mừng nhau vì những cam kết yếu kém của họ thì thế giới thật sự đang bùng cháy” - Angela Valenzuela, nhà hoạt động trẻ tuổi người Chile, lên án. 

Nhựt Minh (theo Reuters, VOA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI