Nhà hoạt động khí hậu quyết tâm đòi bình đẳng vắc-xin

10/04/2021 - 14:17

PNO - Nhà hoạt động khí hậu quốc tế Greta Thunberg hôm 9/4 cho biết cô sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2021 - COP26 của Liên Hợp Quốc ở Glasgow (Anh) - một khi vấn đề bất bình đẳng về vắc-xin COVID-19 toàn cầu chưa được giải quyết.

Greta Thunberg tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow (Anh) khi thế giới còn chìm ngập trong bất bình đẳng về vắc-xin COVID-19 - Ảnh: Newsweek/Getty Images
Greta Thunberg tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow (Anh) khi thế giới còn chìm ngập trong bất bình đẳng về vắc-xin COVID-19 - Ảnh: Newsweek/Getty Images

Cô gái người Thụy Điển 18 tuổi - người nổi tiếng toàn thế giới trong các hoạt động đấu tranh “không khoan nhượng” chống biến đổi khí hậu - cho biết chính phủ Vương quốc Anh, nước đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên Hợp Quốc , nên hoãn sự kiện này cho đến khi tỷ lệ được tiêm vắc-xin COVID-19 tăng lên trên toàn thế giới.

Thunberg viết trên Twitter: “Tất nhiên tôi rất muốn được tham dự COP26 ở Glasgow. Nhưng tôi sẽ không tham dự hội nghị này của Liên Hợp Quốc nếu như mọi người không thể tham gia bình đẳng chương trình tiêm chủng vắc-xin”.

"Hiện tại, nhiều quốc gia đang tiêm vắc-xin cho những người trẻ khỏe mạnh mà hy sinh quyền lợi của những nhóm có nguy cơ cao và nhân viên tuyến đầu, tình trạng này, như thường lệ, phổ biến ở Nam Bán cầu”.

Thunberg nói rằng hội nghị COP26 vào tháng 11 năm nay không cần thiết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mà trước hết cần giải quyết bất bình đẳng về vắc-xin. Cô nói thêm: "Đoàn kết và hành động có thể bắt đầu ngay hôm nay”.

Theo BBC, quyết định của Thunberg có thể là một đòn giáng vào chính phủ Anh, vì cô là người thường xuyên tham dự các hội nghị khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây.

Các quan chức Anh cho biết họ không có kế hoạch hoãn hội nghị, bất chấp những tin đồn trái ngược và một thực tế là đại dịch đang trở nên tồi tệ hơn ở một số khu vực trên thế giới. Hội nghị thượng đỉnh COP26 đã bị hoãn một lần từ năm 2020.

Ngày 24/3, bà Stella Kyriakides, Cao ủy về y tế của Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo rằng sự tái bùng phát COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn ở nhiều quốc gia EU, trong bối cảnh châu lục đang gặp khó khăn với việc triển khai vắc-xin.

Tại Đức, một phát ngôn viên của chính phủ trong tuần này cho biết Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ chủ trương phong tỏa quốc gia trong một thời gian ngắn để kiểm soát sự lây lan của virus trong khi tăng cường tiêm chủng cho nhiều người hơn.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 8/4 dẫn lời một giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo về tình trạng thiếu hụt và chậm trễ trong việc cung ứng vắc-xin ở châu Phi. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho biết một số quốc gia châu lục này đã thành công trong việc phân phối vắc-xin hơn những quốc gia khác, nhưng toàn châu lục mới chỉ sử dụng 2% số liều vắc-xin đã được tiêm trên toàn thế giới.

Tại Ấn Độ, các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh. Quốc gia này báo cáo 131.968 ca nhiễm mới trong “ngày thứ Sáu đen tối” - một mức tăng kỷ lục các ca lây nhiễm trong ngày thứ ba liên tiếp, theo báo Times of India. Số người chết đã tăng 780 hôm 8/4 lên tổng số 167.642 trường hợp trên toàn quốc. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này đã tiêm chủng cho gần 100 triệu người.

Trong khi đó, các quan chức Vương quốc Anh chuẩn bị COP26 đang làm việc với giả định rằng hội nghị năm nay sẽ không phải là một hội nghị trực tuyến. Một nguồn tin chính phủ Anh nói với BBC: "Chúng tôi đang làm việc toàn lực trên cơ sở đây sẽ là một hội nghị “trực tiếp”. Tuy nhiên, người ta hiểu rằng luôn có những kế hoạch dự phòng để thu nhỏ quy mô sự kiện hoặc biến nó thành hội nghị ảo một phần nếu cần thiết.

Thanh Vân (theo Newsweek)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI