Nhân dịp ông vừa ra mắt tác phẩm Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam & tôi, Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với ông về giáo dục và việc học trong thời biến động.
Học để biết mình và sửa mình
Phóng viên: Ông nhắc nhiều đến khái niệm khai phóng, từ dạy đến học. Vì sao ông có sự quan tâm đặc biệt đến khái niệm này?
Ông Giản Tư Trung: Là một người làm giáo dục, tôi không thể không quan tâm đến giáo dục khai phóng. Với tôi, giáo dục khai phóng chính là giáo dục nhân bản, lấy phẩm giá và tự do của con người làm gốc, lấy tiềm năng và ước vọng của cá nhân làm mục tiêu.
Nếu giáo dục chuyên môn giúp người ta học làm nghề thì giáo dục khai phóng còn giúp học để làm người. Nhìn ở những góc độ này, ta có thể thấy giáo dục khai phóng cần thiết cho mọi người, mọi độ tuổi, mọi ngành nghề, mọi xã hội, nhất là trong thời đại ngày nay.
Theo cách hiểu của tôi, “khai phóng” nghĩa là “khai minh” và “giải phóng”. Khai là mở và minh là sáng. Con người sinh ra vốn dĩ tăm tối nên cần được đưa ánh sáng vào làm cho mình sáng ra. Ánh sáng đó là chân lý, công lý, tự do, sự thật và tình thương. Khi được khai minh, con người sẽ nâng cao khả năng minh định, sẽ minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai; minh định được đúng - sai, phải - trái, thật - giả, thiện - ác, chính - tà trong cuộc sống và trong thế giới của họ. Giải phóng là hệ quả tất yếu của khai minh vì chẳng ai được khai minh mà lại không giải phóng mình ra khỏi vô minh, giáo điều, ấu trĩ, tăm tối, ngộ nhận, huyễn hoặc…
* Có sự khác biệt nào giữa một người quan tâm đến sự học và một người quan tâm đến sự học khai phóng?
- Sự học nói chung thường là học để biết, học để làm còn sự học khai phóng thường gắn với học để biết mình và học để sửa mình. Tôi thường nói vui là sự học bình thường giúp người ta “biết nhiều” còn sự học khai phóng giúp người ta “biết điều”. Tại sao nhiều người biết nhiều nhưng lại không biết điều? Thực ra biết nhiều hay biết ít không liên quan lắm đến biết điều mà chỉ có biết mình mới giúp biết điều.
Học để biết mình và sửa mình là học để tìm ra mình và xác định con người mình muốn thành; học để định hình nhân cách, bản tính, văn hóa. Cuối cùng là học để không ngừng phát triển mình thành phiên bản tốt hơn về mọi mặt.
Trong sự học thời nay, tôi cho rằng, học để biết nhiều là điều vô cùng đáng quý nhưng đáng quý hơn là ta sẽ làm được gì và sống thế nào với những điều mình biết mới chính là thực học. Thế nên, trong cuốn sách Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam & tôi vừa ra mắt, tôi đã đưa ra mô hình giáo dục khai phóng mà trong đó, đích đến của giáo dục là con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú. Để đạt được mục đích này, giáo dục cần giúp người học phát triển 3 năng lực: văn hóa (làm người), công dân (làm dân) và chuyên môn (làm nghề). Muốn vậy, giáo dục phải giúp người học tin vào thực học và tin rằng ta là sản phẩm của chính mình.
|
Một tác phẩm của ông Giản Tư Trung gây tiếng vang |
* Việc tự khai phóng bản thân có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, ít nhất là với cá nhân đó?
- Cách hiểu thứ hai của khai phóng là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người. Khai trí giúp ta có cái đầu sáng để có khả năng minh định được con đường đúng còn khai tâm giúp ta có trái tim nóng với tình thương yêu và lòng trắc ẩn để thôi thúc ta hành động thiện lương. Khi tâm và trí được mở, việc giải phóng hết tiềm năng để thăng hoa trong công việc và cuộc sống là điều hiển nhiên.
Trong cuốn Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh, tôi có viết về câu chuyện Rời hang - gắn với hành trình khai phóng của mỗi người. Khi sống trong hang tăm tối, ta tưởng nó là cả thế giới. Cuộc đời mỗi người, ai cũng có thể có đến mấy "cái hang". Gia đình, tổ chức, xứ sở, thậm chí cả thế giới này đều có thể là những cái hang. Trong đó, cái hang đầu tiên là chính bản thân mình. Vì thế, ta phải liên tục khai mở để tìm ánh sáng và khai mở bản thân. Đó là hành trình trọn đời.
Được rời khỏi hang là may mắn của bản thân. Thế nhưng, điều quan trọng là có thể giúp những người còn lại thoát khỏi nơi tăm tối đó. Hành trình ấy không dễ dàng.
* Cụ thể, với ông, đâu là những bước ngoặt trong hành trình khai phóng của chính mình?
- Cuộc đời tôi có một số bước ngoặt nhưng bước ngoặt nghề nghiệp lớn nhất là sau khi trải qua nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, tôi đã chọn giáo dục làm sự nghiệp của đời mình.
Ngày trước, khi làm giáo dục, tôi thường nghĩ đến chuyện làm cách mạng giáo dục, làm sao để chấn hưng, cải cách giáo dục… Tuy nhiên, sau nhiều năm, tôi nhận ra rằng giải quyết vấn đề này chẳng khác nào khiến mình tự "đâm đầu vào đá". Cách mạng giáo dục là cuộc cách mạng của "toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta" nên nếu chỉ là một nhóm người thì khó xoay chuyển được.
Từ đó, tôi bắt đầu thay đổi hướng đi và cách tiếp cận. Tôi tập trung vào câu chuyện cách mạng sự học của mỗi người. Đó là cuộc cách mạng "của tôi, do tôi và vì tôi", nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể làm được. Để hoàn thành một cuộc cách mạng về giáo dục có khi phải mất 10-20 năm, thậm chí 30-50 năm. Nhưng, để thực hiện cách mạng sự học thì có thể bắt đầu ngay bây giờ, không phụ thuộc vào bất cứ ai.
Việc chuyển hướng từ cách mạng giáo dục sang cách mạng sự học là bước ngoặt rất lớn. Nó giải thoát và khai phóng cho chính tôi.
Phải luôn phản tỉnh
|
Cuốn sách mới nhất của ông Giản Tư Trung |
* Đâu là những điểm cốt lõi trong hành trình mỗi cá nhân tự khai phóng bản thân? Mỗi cá nhân nên bắt đầu từ đâu?
- Có một phương châm hành động phù hợp câu hỏi này: ta không thể thay đổi được hướng gió nhưng có thể điều chỉnh được cánh buồm. Nguyên lý rất hay của hàng hải ngày xưa là thuyền muốn đi từ A sang B nhưng nhiều lúc gió lại thổi từ B sang A, nhờ biết điều chỉnh cánh buồm nên thuyền vẫn có thể đi ngược gió. Chúng ta sống trong thời đại rất nhiều gió, gió lại mạnh và thổi theo rất nhiều hướng. Nếu muốn thay đổi hướng gió thì không khả thi, sẽ cảm thấy vô vọng, thậm chí tuyệt vọng.
Nhìn lại vấn đề giáo dục khai phóng, chúng ta hãy chủ động kiểm soát bằng tư duy "thay đổi đến từ tôi".
Mahatma Gandhi từng nói: "Bạn hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời". Thế nên, điểm cốt lõi trong hành trình mỗi cá nhân tự khai phóng bản thân là con người phải ý thức được 2 điểm: thay đổi đến từ tôi và tuy không thay đổi được hướng gió nhưng có thể điều chỉnh được cánh buồm.
Điều tôi thích để bắt đầu hành trình này là tự lực khai phóng chứ không trông chờ vào ai. Tức là bản thân có niềm tin vào thực học (tự học). Thực học sẽ giúp mình có thể thay đổi số phận. Phải có đức tin đó! Chúng ta phải tự đặt câu hỏi: Học để làm gì? Làm để làm gì? Sống để làm gì? Nếu mình không học thì chỉ thấy 1-2 góc nhìn nhưng khi thực học, thực đọc, giao lưu… sẽ biết hàng trăm góc nhìn khác về vấn đề đó. Khi biết được nhiều góc nhìn, cái đầu sáng hơn thì cách mình quyết định vấn đề sẽ khác.
* Làm thế nào để tránh được cái bẫy tự huyễn hoặc bản thân để tiếp tục khai phóng bản thân, nhất là khi người ta đã đạt được không ít thành tựu?
- Có 3 thước đo thành công. Khi thay đổi các thước đo này, cách ta nhìn mình, nhìn người và nhìn đời cũng sẽ khác nhau.
Thứ nhất, đo bằng sự chiếm hữu. Khi chọn thước đo này là ta hướng đến tiền tài, địa vị và danh vọng. Ta tin rằng bất cứ ai có tiền, có danh sẽ được sùng bái, không quan tâm vì sao và bằng cách nào có được những thứ đó.
Thứ hai, đo bằng sự cống hiến. Với thước đo này, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc khi giúp ích cho đời và nhận được sự tôn trọng của mọi người.
Thứ ba, đo bằng cách sống của bản thân. Khi sống dấn thân và sống đúng với lương tri của mình, ta sẽ không bị áp lực là phải chiếm hữu thật nhiều hay cống hiến thật nhiều. Vậy nên khi chọn thước đo này, đích đến cao nhất là con người tự do.
Cho nên, với những người đã đạt không ít thành tựu mà vẫn rơi vào bẫy tự huyễn hoặc thì cần xem lại “thước đo” của thành tựu ấy là gì. Để tránh cái bẫy này, không gì khác hơn là chúng ta phải luôn phản tỉnh.
* Trong công việc và cả trong xã hội, chúng ta chứng kiến nhiều cá nhân không giỏi chuyên môn nhưng thăng tiến, thậm chí giữ nhiều vị trí quan trọng. Trong khi đó, có những cá nhân cực kỳ giỏi chuyên môn nhưng mãi giậm chân tại chỗ. Theo ông, 2 kiểu người này đang phản ánh điều gì về thực trạng giáo dục hiện nay?
- Để trả lời câu hỏi trên, tôi lấy ẩn dụ sau: bắt con khỉ đi bơi thì cũng tệ như bắt con cá leo cây. Thế nhưng cho khỉ leo cây thì không ai bằng. Con chim vô địch về bay nhưng kêu nó nhảy thì thật tệ. Vậy rốt cuộc, tố chất của mình là cá, khỉ hay chim?
Quay lại câu hỏi của bạn, hiểu theo nghĩa tích cực, nếu đó là người có tố chất lãnh đạo thì vẫn có thể làm lãnh đạo tốt dù không giỏi chuyên môn hay nếu đưa một người cực kỳ giỏi chuyên môn mà không có tố chất lãnh đạo lên làm lãnh đạo thì có khi là một tội ác. Bởi lẽ, nếu có tài năng chuyên môn mà không có tố chất lãnh đạo thì thà làm một chuyên gia giỏi còn hơn làm một ông sếp tồi.
Vấn đề ở đây là chúng ta cần biết tố chất, căn cốt con người mình là gì để biết nên theo hướng nào, để đặt vào đúng vị trí. Nói cho cùng, nếu có phản ánh điều gì về thực trạng của giáo dục thì chính là nền giáo dục hiện nay chưa đề cao tính nhân bản để giúp người ta đi “tìm mình”, để hiểu rõ thiên hướng của bản thân. Tìm ra tố chất của bản thân trong công việc là hành trình cả đời.
Giáo dục nên lấy con người làm gốc
* Ông nghĩ sao nếu có người nói rằng những điều ông chia sẻ về giáo dục khai phóng tuy hay nhưng chỉ dừng lại ở khía cạnh lý thuyết nhiều hơn ứng dụng?
- Đạo giáo dục, đạo học mà tôi thường chia sẻ rất ngắn gọn: Mọi sự học của con người đều nhằm đạt tới một thứ duy nhất: một con người tốt hơn, một phiên bản tốt hơn của chính mình. Ta không nhất thiết phải tốt hơn ai khác, cũng không cần phải là một good person (người tốt), perfect person (người hoàn hảo), great person (người vĩ đại) hay wonderful person (người tuyệt vời). Trở thành người tốt hơn là cái đích rất khả thi bởi ai cũng làm được, ai cũng ứng dụng được. Còn trở thành người tốt thì vừa khó khả thi mà có khi mệt lắm. Đó là chưa kể nếu trở thành người tốt rồi thì sự học của ta coi như kết thúc. Còn nếu trở thành người tốt hơn thì sự học không bao giờ dừng lại.
Nói ngắn gọn, học để trở thành người giỏi hay người tốt có thể là điều vô cùng khó nhưng ai cũng có thể trở thành người giỏi hơn hay người tốt hơn nếu muốn.
Có câu chuyện ăn trộm gà tôi thấy ở quê ngày nhỏ. Tên trộm ấy sau khi học xong vẫn ăn trộm gà bởi bao lâu nay hắn chỉ biết mỗi nghề đó, giờ bảo bỏ đi thì hắn sống bằng gì? Nhưng thay vì ăn trộm ngày 10 con thì hắn rút xuống ngày 5 con và chỉ trộm của người giàu, tha cho người nghèo. Vậy là có cái gì đó trong con người hắn đã thay đổi chứ không phải bỏ hẳn nghề ăn trộm mới là thay đổi. Cuộc sống không nên quá lý tưởng hóa mọi thứ, như thế khó sống lắm. Sau một thời gian ăn trộm, lương tâm cắn rứt, ngủ không ngon, hắn thấy nghề này bất lương quá nên gom hết tiền ăn trộm đi mua chiếc xe cà tàng chạy xe ôm, từ đó bỏ nghề ăn trộm. Ý tôi ở đây không phải là bao biện cho kẻ trộm. Nhưng, việc chuyển hóa bản thân để mỗi ngày tốt hơn là một hành trình vô cùng ý nghĩa và không bao giờ dừng lại.
* Vẫn có nhiều tranh biện giữa giáo dục đại học chuyên nghiệp và giáo dục khai phóng trên thế giới. Phần lớn đều khẳng định giáo dục khai phóng không thể thay thế giáo dục đại học chuyên nghiệp. Ông có nghĩ như vậy?
- Giáo dục khai phóng không phải là đặc quyền của những con người xuất sắc mà dành cho tất cả những người bình thường và phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của họ.
Ông Giản Tư Trung hiện là Chủ tịch Học viện Quản lý PACE, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Phó chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Sách hay và Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship. Ông nhận bằng thạc sĩ về nghiên cứu phát triển tại Học viện sau Đại học Geneva; tu nghiệp về chính sách giáo dục quốc tế tại Đại học Harvard; tốt nghiệp tiến sĩ về giáo dục tại Học viện Giáo dục quốc gia Singapore; tốt nghiệp tiến sĩ về giáo dục tại Đại học London (UCL). Với những cống hiến của ông cho giáo dục, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã vinh danh ông là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò một nhà hoạt động giáo dục. |
Tôi nghĩ ranh giới giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục khai phóng ngày nay đã bị xóa nhòa. Chúng ta không thể giáo dục khai phóng cho một người mà lại không giúp người đó có chuyên môn nghề nghiệp hay có khả năng giải quyết tốt những vấn đề của bản thân, tổ chức và xã hội. Cũng như chúng ta không thể giáo dục nghề nghiệp cho một người mà lại không giúp họ có nền tảng và tầm vóc văn hóa.
Nói cách khác, giáo dục đại học ngày nay cần tích hợp cả giáo dục văn hóa và giáo dục chuyên môn để giúp người học vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa có tầm vóc văn hóa. Mọi tranh biện, nếu có, về vấn đề này, chỉ là do chưa hiểu rõ bản chất thực sự của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Tôi cho rằng bất luận giáo dục ở các đại học là loại giáo dục gì cũng cần giúp người học đạt được 4 mục tiêu sau: Học để lấy bằng, học để lấy nghề, học để có khả năng giải quyết vấn đề và học để trở thành trí thức.
* Theo ông, đâu là những hiểu lầm khi đề cập đến giáo dục khai phóng tại Việt Nam?
- Mỗi người có cách hiểu, cách diễn đạt khác nhau về cùng một vấn đề hay cùng một khái niệm cũng là chuyện bình thường. Dù là cách diễn đạt nào thì theo tôi, điều sâu xa nhất của giáo dục khai phóng chính là giáo dục nhân bản. Lấy con người làm gốc, cụ thể, lấy phẩm giá, độc lập, tự do, hạnh phúc của người học làm gốc chứ không phải lấy áp đặt của mình làm gốc.
Về mặt rộng hơn, nền giáo dục quốc gia cũng phải lấy phẩm giá, độc lập, tự do, hạnh phúc của người học, người dạy làm trọng chứ không phải áp đặt hay nhào nặn, nhồi sọ - vì như thế không những không nhân bản mà có khi còn phi nhân.
Chúng ta đang sống trong một thế giới biến động chóng mặt và khôn lường, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ khiến người ta hoang mang, lạc lối. Có những giá trị hôm nay mình thấy đúng, ngày mai đã thấy sai, ngày mốt lại đúng... Sống trong một thời như vậy, làm sao đứng vững? Chỉ có một cách duy nhất: Phải có một điểm tựa, một cái neo - đó là những giá trị vượt không gian và thời gian. Vượt không gian nghĩa là ở đâu cũng đúng, vượt thời gian nghĩa là thời nào cũng đúng. Giá trị đó chỉ có một từ thôi - nhân bản.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ.
Thư Hiên (thực hiện)
Ảnh: IRED