Nhà hay trạm dừng chân?

30/11/2024 - 15:01

PNO - Cuộc sống có những quãng nghỉ, nhưng rồi bàn chân vẫn làm nhiệm vụ của mình là tiến về phía trước. Đó mới chính là điều mà mẹ luôn mong muốn!

Hết lớp 12, tôi khăn gói từ tỉnh lẻ vào TPHCM học đại học rồi ở lại làm việc. Mỗi năm tôi luôn dùng những ngày nghỉ phép để về thăm nhà. Gọi là “thăm nhà”, nhưng tôi tranh thủ đi du lịch ở địa phương và khu vực lân cận. Vì xa nhà rồi tôi mới biết vùng đất mình sinh ra trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều người.

Mỗi lần tôi về, mẹ tôi lại vào bếp nấu đủ thứ món ngon. Có lẽ bà mẹ quê nào xa con cũng vậy. Nhưng mẹ tôi có điểm khác nữa là, ngoài nấu món ngon cho tôi ăn, mẹ còn chuẩn bị thức ăn cho tôi mang theo đi chơi.

Mẹ luôn ủng hộ mọi hình trình của tôi (ảnh minh họa)
Mẹ luôn ủng hộ mọi hành trình của tôi (ảnh minh họa)

Có lần, anh Hai thấy lạ, hỏi mẹ: “Ăn có một bữa mà mẹ nấu nướng nhiều vậy?”. Mẹ cười, nói: “Nấu cho em con mang theo đi chơi, khỏi phải cơm đường cháo chợ”.

Có khi mẹ nấu xôi gà cho tôi mang theo ăn cả ngày chưa hết. Có khi là giò, chả, nem, những món mẹ tự làm. Tôi chỉ việc mang theo, đến bữa mở ra ăn, vừa ngon vừa an toàn, lại không phải ăn tạm bợ dọc đường.

Anh không nói gì với mẹ, nhưng trừng mắt nhìn tôi: “Em tưởng nhà mình là trạm dừng chân chắc?”. Anh nói sao không ở chơi với mẹ ít hôm rồi đi đâu thì đi, chứ từ xa về mà ngồi chưa nóng chỗ. Tôi phải giải thích với anh là công việc không nghỉ được lâu, nên tranh thủ đi du lịch luôn. Lần ấy, tôi có bạn về cùng nên anh cũng không nặng nhẹ gì nhiều.

Tôi chỉ ăn với gia đình bữa cơm, thỉnh thoảng mới ngủ lại một đêm là hôm sau lại lên đường. Mẹ luôn sẵn sàng ủng hộ mọi hành trình của tôi, như cách mà mẹ muốn tôi học tập, làm việc ở thành phố phương Nam. Mặc dù chưa đặt chân đến đó bao giờ, nhưng mẹ nói tôi cần được đến những khung trời rộng mở, để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Mọi thứ, chỉ cần tôi thích là mẹ ủng hộ.

Từ ngày tôi rời quê nhà, những chuyến về bên mẹ thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi cũng chẳng đủ trải nghiệm để nhận ra mỗi năm qua đi, thời gian tôi còn có mẹ ngắn lại. Anh Hai trưởng thành hơn, nhưng rồi cũng tất bật với cuộc sống, vợ con. Chẳng lẽ thỉnh thoảng mới gặp em gái lại không nói gì cho hay ho mà cứ trách móc, nên anh nói mãi cũng thôi. Anh để mặc tôi thích gì làm nấy.

Cho đến một ngày, anh gọi cho tôi khi mẹ đang nằm bệnh viện. Anh chẳng nói nhiều về căn bệnh của mẹ, có lẽ anh cũng quen xử lý mọi việc ở nhà một mình. Tôi thì nghĩ thỉnh thoảng ốm đau là lẽ thường tình. Với lại, mẹ tôi mới ngoài 50, mẹ sống vui vẻ, hoạt động xã hội tích cực như vậy, sức khỏe và tinh thần đều rất tốt.

Nào ngờ, đó cũng là lần nằm viện cuối cùng của mẹ. Tôi trở về nhà trong đám tang mẹ, nhìn mảnh vườn tươi tốt mẹ trồng đủ các loại cây ăn trái, hoa màu… tôi không cầm được nước mắt. Tôi tưởng như mọi chuyện chỉ là cơn ác mộng. Mẹ vẫn còn đâu đó loanh quanh trong gian bếp, nêm nếm món này, gói ghém món kia làm hành trang cho chuyến đi tiếp nối của tôi.

Lần đó, tôi chẳng còn thiết tha trở lại thành phố. Cú sốc quá nặng khiến tôi gục ngã. Tôi nằm li bì hơn 2 tuần. Anh Hai giục tôi trở lại thành phố. Anh buông ra câu trách nặng nề: “Sao lúc còn mẹ, em không nằm yên ở nhà vậy cho mẹ vui”. Câu nói của anh như vết dao khứa sâu vào vết thương của tôi. Tôi tự trách mình, khinh bỉ mình, rồi lại vỗ về mình.

Mẹ luôn ở trong tim tôi, muốn tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày (ảnh minh họa)
Mẹ luôn ở trong tim tôi, muốn tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày (ảnh minh họa)

Ai cũng trải qua thời kỳ non trẻ, rồi mới trưởng thành. Những vết thương do chính mình gây ra có khi mang theo đến tận cuối cuộc đời không nguôi.

Một ngày mới, tôi thức giấc, đi ra khu vườn của mẹ. Sương sớm giăng mờ ảo khắp khu vườn. Tôi hình dung ra dáng mẹ thân quen bên những luống rau, và mẹ cười với tôi nụ cười hiền lành, không giận hờn, trách móc.

Tôi biết rằng, cuộc sống có những quãng nghỉ, nhưng rồi bàn chân vẫn làm nhiệm vụ của mình là tiến về phía trước. Đó mới chính là điều mà mẹ luôn mong muốn!

Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI