Nhiều năm bôn ba ở Sài thành, đi đâu gặp ai, không ít người bị hỏi: “Có nhà chưa?”. Đáp chưa, họ lập tức nhận được những thái độ mang sắc màu… khi dễ. Còn gật đầu, đồng nghĩa với tiếp tục cởi bỏ những tò mò “kinh điển”: nhà bao nhiêu mét vuông, mấy tầng, ở khu… lèo bèo hay sang chảnh? Sự ngưỡng vọng, trầm trồ của nhiều người tỷ lệ thuận theo độ giàu qua ngôi nhà bạn có.
Tôi vẫn thường nghe, chúng ta đang sống trong một xã hội nặng về vật chất, giá trị bản thân bị đánh đồng qua vật chất; thì thực tế còn xót xa hơn: để nhận được những phần thưởng tinh thần, như sự quan tâm tích cực, được tôn trọng, chú ý, bạn phải nương nhờ việc phơi bày mớ của cải của mình.
1. “Tệ xá” của tôi là một căn hộ nằm trong chung cư cũ, thâm niên hơn hai mươi năm ngạo nghễ giữa đất trời. Là chung cư tái định cư cho hàng chục hộ gia đình sống ven sông của mấy chục năm trước, nên chủ sở hữu phần lớn là người lao động tay chân, thu nhập thấp.
Cách đây ba năm, khi quyết định mua căn hộ này, tôi nhận được không ít lời gièm pha: “Sao lại chôn đời ở một nơi… hạ đẳng đến vậy”. Có người còn trách tôi sao không mua một ngôi nhà khang trang hoặc một căn hộ sang trọng, hiện đại vì biết tôi… thừa sức.
Hiển nhiên, tôi có những lý lẽ của mình. Chốn ngụ cư ấy thu hút tôi bởi nó mang đến cảm giác hoài cổ, qua những tảng rêu bám tường, hoa nở từ vết nứt trên vách. Còn có rất nhiều chiều tôi bình yên xem lũ trẻ vọc đất say sưa, hay khu chợ hoa lâu đời tồn tại giữa khuôn viên khiến đêm luôn đầy sắc, thơm lừng.
Thong thả tận hưởng một cõi riêng như vậy, tôi mặc kệ những phần thưởng tinh thần không được nhận trong mắt nhiều người. Ấy vậy, mọi sự… ngả nghiêng vào một ngày tôi có khách quý đến thăm: cô em của người chồng sắp cưới. “Rồi anh chị sẽ sống nơi ổ chuột này sao?” - cô em đầy thất vọng.
Hôm sau, mẹ chồng tương lai bất ngờ đứng trước cửa nhà tôi, bĩu môi: “Không được rồi! Chung cư gì không cổng vào, chẳng bảo vệ, không khuôn viên, chẳng thang máy, cầu thang tụ một vũng nước sau mưa”. Mặc dù tôi cam kết, kết hôn xong, chúng tôi sẽ nâng cấp căn hộ thì bà vẫn tin rằng: cú có khoác áo của công vẫn không thể là công.
Quý bà của tôi phân trần: “Con trai bác là trưởng phòng, khách nó toàn… quý, con cũng vậy. Bọn con không thể lấy nơi này làm tổ ấm được đâu, người ta đến chơi, kỳ lắm! Chẳng thà mua mới”. Lạ là, quý bà của tôi đã quên mất, từ ngày đi làm, rồi thành đạt, gần như tất cả thu nhập của hôn phu tôi đã dành hết để chăm lo cho gia đình lớn.
Cha mất sớm, mọi chi tiêu trong nhà cùng mấy năm giảng đường của ba người em đều mình anh cáng đáng. Bà kỳ vọng gì ở tôi khi tin rằng, con trai mình nên thuộc về một nơi xứng đáng, mà tệ xá tôi đã không đủ sức chứa giữ sự thành đạt của anh cùng thể diện của bà?
“Hay là bán căn hộ của em, anh sẽ vay thêm bạn bè, ngân hàng, gom vào mua một căn hộ mới toanh, rộng và… phù hợp với bọn mình?” - vị hôn phu lên tiếng. “Hay bây giờ hai đứa tiến hành bán - mua luôn, sao cho kịp ngày cưới để bà con từ quê vô có chỗ ở dăm ngày” - quý bà “đế” thêm.
Tôi vờ không nghe thấy gợi ý của quý bà, hỏi xoáy hôn phu: “Phù hợp với bọn mình là sao anh?”. Anh nhìn mẹ, ấp úng: “Thì chúng ta còn họ hàng, bạn bè, nhiều mối quan hệ xã hội; thực lòng anh thấy ngại nếu bị phát hiện đang chui rúc một nơi chẳng ra sao”.
Tôi… sụp đổ, hoang mang cùng cực. Hai năm yêu nhau, sắp thành vợ chồng, hóa ra tôi chẳng hiểu anh. Dời đám cưới vô thời hạn, vài tháng sau, tôi dời luôn cuộc tình của mình vào quên lãng.
2. Lâu nay, an cư lạc nghiệp ít nhiều là quan niệm chi phối quyết định của nhiều người trong chọn lựa giữa… dành dụm để an cư, hay thong dong tận hưởng cuộc sống, dùng thu nhập thực hiện những trải nghiệm du lịch, khởi nghiệp... Phần lớn đi theo lựa chọn một.
Hơn thế, đánh đồng giá trị con người theo của cải vật chất - thứ phần thưởng tinh thần mà xã hội khoát lên nơi những người giàu có - càng trở thành động lực để nhiều người trong quyết định mua nhà còn mang theo quyết tâm phải phô bày nhà cửa như một thứ trang sức đầy giá trị cho mình. Họ thậm chí bằng lòng giấu đi những khổ tâm để có được điều ấy.
Năm năm trước, Trần Minh - người bạn của tôi hồ hởi, vợ chồng anh vừa sở hữu một ngôi nhà… chỉ cần ngắm thôi đủ tan biến mệt nhọc. Căn nhà có giá 2,5 tỷ đồng, ở Q.Bình Tân, sàn lót gỗ, tường dán đá hoa cương. Vợ là giáo viên, Minh làm việc cho một ngân hàng. Họ hạnh phúc bên hai cậu con trai kháu khỉnh.
Tôi trầm trồ khen họ giỏi giang thì được Minh tâm sự: “Bọn mình làm gì có tiền mà mua được căn đó. Mười năm quần quật, bọn mình chỉ dành dụm 600 triệu đồng. Nhà vợ rất khá nên mỗi người góp vô cho mượn được 1 tỷ đồng, còn lại bọn mình vay”.
Minh tính toán, nợ người trong nhà cứ để nguyên; nợ ngân hàng với thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng của cả hai, mỗi tháng trích ra 11 triệu đồng gửi trả thì cuộc sống vẫn… chạy êm! Tôi mừng cho Minh.
Vậy mà, chỉ sau một năm về sống, Minh kêu trời than đất, ngờ đâu chốn an cư lại chẳng an chút nào. Chăm chăm ngôi nhà đẹp, Minh quên mất những tính toán đi kèm, trở ngại lớn chính là trụ sở anh làm tận Q.3.
Minh nói: “Mỗi ngày mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi về, hôm nào kẹt xe thì gần 4 tiếng, mình về đến nhà là mệt lả, chỉ muốn nằm. Vợ thông cảm, nhưng cả năm không thấy chồng san sẻ chuyện đón con, bếp núc, lau dọn khiến cô ấy quy kết mình sống không trách nhiệm”.
Minh gợi ý bán nhà để mua chỗ ở mới tiện hơn, một căn hộ nào đó vừa gần nơi anh làm mà không xa trường vợ. Nhưng vợ Minh phản đối: “Em đã bảo không thích chung cư, hơn nữa ở đây gần cha mẹ, không muốn đi đâu cả”. Minh biết, cái “sự gần” kia của vợ chỉ là một lý do.
Còn nhớ khi mua, vợ Minh lý lẽ, nhà là… bộ mặt của mình, thiên hạ nhìn nhà sao thì… nhìn mình y vậy! Mà quả thật, cho đến bây giờ, nếu đem giấu nhốt những buồn phiền bất tiện, thì mỗi độ khách đến thăm, vợ chồng anh không khỏi tự hào khi nhận những lời khen hay trầm trồ của khách.
Trong tác phẩm Thú tội, Lev Tolstoy nói rằng, càng đến gần cái chết, ông càng nghi ngờ tính đúng đắn những mục tiêu của đời mình trước đây, mà sự vang danh của Chiến tranh và hòa bình cùng Anna Karenina dẫn ông đến niềm khao khát thể hiện sự thành công, giàu có, nổi trội và mọi giá phải theo đuổi, chứng minh.
“Tôi chưa từng sống cuộc đời theo đúng hệ chân giá trị của bản thân, mà là theo sự mong đợi của xã hội” - Lev Tolstoy kết luận. Trong triệu triệu ngôi nhà sang trọng giăng khắp mọi con đường, có bao nhiêu tổ ấm không quẫy đạp bởi gánh nặng của thể diện hay địa vị?
Tôi có nhiều người bạn sớm thành công, độ giàu của họ có lẽ đáng ngưỡng mộ. Họ vẫn ở nhà thuê, coi mỗi lần chuyển nhà là một chuyến du ngoạn để khai phá góc khác của thành phố. Họ không cho những thành tựu bên ngoài định hình cá nhân mình. Bởi với họ, cuộc sống còn nhiều điều đáng giá hơn sự thể hiện để nhận lấy những điều không đến từ nội tâm, không phải là chính mình.
Tuyết Dân