Vừa bước qua tuổi 40, Nhà hát Tuổi Trẻ là một trong những đơn vị nghệ thuật công lập ở phía Bắc để lại những dấu ấn đặc biệt không chỉ bởi những chương trình, vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao mà còn bởi sự thành công của những kế hoạch xã hội hoá, đưa các tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với số đông công chúng.
Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhà Hát Tuổi Trẻ có chuyến lưu diễn phục vụ khán giả TP.HCM và tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc từ nay đến cuối tháng 4/2018.
Nhân dịp này báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với “bộ ba” – Nguyên giám đốc Nhà hát - ông Trương Nhuận, Giám đốc nhà hát – NSƯT Chí Trung và Phó giám đốc Nhà hát - NSND Lê Khanh, một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ, về chặng đường chuyển tiếp giữa sân khấu học thuật bài bản sang sân khấu giải trí và từng có những ý kiến phản ứng ở giai đoạn đầu.
|
Ông Trương Nhuận- Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ
|
* Nhắc đến chặng đường 40 của Nhà hát Tuổi Trẻ, cùng với những thành công về sự đa dạng trong phong cách, việc một Nhà hát chính thống, trực thuộc Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch chuyển hướng dàn dựng hài kịch cũng từng phải chịu nhiều áp lực từ dư luận?
- Ông Trương Nhuận: Nhu cầu xem hài kịch của khán giả là nhu cầu có thật. Nhà hát Tuổi Trẻ từng dựng những ở hài kịch rất đông khán giả, có vở diễn đã diễn được khoảng 100 suất liên tục như vở Trò đời. Nhưng đến một thời điểm, nhu cầu của khán giả lại thay đổi, họ không thích xem một vở hài kịch dài, mà chỉ muốn xem những hài kịch ngắn.
Khi Đời cười ra đời, từng có ý kiến cho rằng sân khấu không thể có những “mẩu kịch”. Nhưng đó lại là một nhu cầu có thật và sân khấu không thể không đáp ứng nhu cầu chính đáng đó của khán giả. Nhu cầu của khán giả thay đổi, cơ chế xã hội thay đổi, đơn vị nghệ thuật phải tìm cách để thích ứng và tôn trọng nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật chính đáng của khán giả.
Tất nhiên, chúng tôi cũng không thể chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà quên những yếu tố khác. Từng có lúc Nhà hát Tuổi Trẻ sáng đèn liên tục, chỉ nghỉ ngày thứ Hai hàng tuần. Dù hài kịch bán vé rất tốt, nhưng Nhà hát vẫn phải tổ chức xem kẽ hài kịch, chính kịch, kịch kinh điển của nước ngoài… trong lịch diễn hàng tuần. Và ngay trong các chương trình hài, yếu tố nghệ thuật cũng là tiêu chí không thể bỏ qua.
|
NSUT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ
|
- NSƯT Chí Trung: Nhà hát chúng tôi vẫn hoạt động trên tiêu chí nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật để phục vụ số đông công chúng chứ không thể chỉ để đáp ứng nhu cầu của một nhóm đối tượng nhỏ hoặc đơn giản chỉ để hài lòng lãnh đạo. Chúng tôi cũng không xây dựng những tác phẩm để các nghệ sĩ, người nhà nghệ sĩ tự cảm thấy sung sướng với nhau, nhưng không thể kéo khán giả đến rạp và vì thế thông điệp của vở diễn cũng không đến được với khán giả.
- NSND Lê Khanh: Sân khấu miền Bắc được định hình theo cách làm quan tâm nhiều đến yếu tố nghệ thuật, tư tưởng. Cách làm này từng rất thành công ở một giai đoạn phát triển của sân khấu, nhưng dần dần sân khấu có sự thay đổi, sân khấu bắt đầu hướng thêm đến yếu tố giải trí.
Cuộc sống nhiều áp lực hơn, khán giả đến xem một vở diễn sân khấu với một tâm thế khác. Họ muốn được giải trí, được giải toả những căng thẳng trong cuộc sống. Trong xu thế chung, người làm sân khấu không thể bỏ qua yếu tố thị hiếu, nhu cầu của khán giả. Hài kịch Đời cười của Nhà hát Tuổi Trẻ ra đời trong bối cảnh đó.
|
NSND Lê Khanh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ
|
* Thực tế cho thấy hài kịch không dễ làm, từ những vở diễn chỉn chu, mang tính học thuật cao chuyển sang dàn dựng những vở diễn mang tính giải trí, yếu tố nghệ thuật và giải trí được dung hoà ra sao, thưa các anh chị?
- Ông Trương Nhuận: Với Nhà hát Tuổi Trẻ, Ban Giám đốc và Hội đồng Nghệ thuật (HĐNT) đã xác định tiêu chí nghệ thuật luôn đặt ở vị trí đầu tiên. Tiếng cười ở các vở hài không thể chỉ là tiếng cười bông phèng, chỉ cốt để chọc cho khán giả cười mà phải mang tính xã hội cao, tiếng cười phải là những tiếng cười châm biếm, chua cay.
Từng có những vở diễn đã không được HĐNT Nhà hát thông qua dù đã tập luyện hàng tháng trời với một phần chi phí đã đầu tư cho sân khấu, việc tập luyện. Có đạo diễn tên tuổi dựng cho Nhà hát đến 5 vở hài nhưng cuối cùng BGĐ và HĐNT của Nhà hát loại 4 vở sau khi duyệt… vì các vở diễn không đáp ứng đúng tiêu chí nghệ thuật của Nhà hát.
|
Thành phố lặng im - một trong những tiẻu phảm trong các chùm hài kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ
|
- NSƯT Chí Trung: Dung hoà giữa nghệ thuật và giải trí là điều không thể thiếu khi xây dựng các vở diễn. Nhưng có lẽ khó có thể nói một cách chính xác phải làm sao để dung hoà giữa nghệ thuật và giải trí vì mỗi vở là một màu sắc khác biệt. Điều quan trọng là mình phải giữ được phong cách của mình, phục vụ cho số đông khán giả nhưng cũng không chạy theo những nhu cầu tầm thường.
- NSND Lê Khanh: Khi Đời cười ra mắt, cũng có ý kiến cho rằng Nhà hát Tuổi Trẻ thực dụng, chỉ lo làm kinh tế. Chúng tôi đã trả lời những dư luận đó bằng tác phẩm cụ thể. Đời cười tạo tiếng vang ngay sau khi ra mắt, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của Nhà hát đối với khán giả cả nước và giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống. Nhưng không ai có thể nói Đời cười 1-2 là hài nhảm, là trò, làm hề. Cũng không ai nói được rằng chúng tôi đã làm xấu đi ngôn ngữ tiếng Việt. Đời cười là những hài kịch ngắn sâu sắc, cười mà ngẫm, cười mà đau. Hài cũng là một thể loại sân khấu và mỗi thể loại có một giá trị thể loại riêng.
* Gần đây sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ xuất hiện nhiều gương mặt trẻ: Thanh Sơn, Bảo Thanh, Thu Quỳnh, được giao đảm nhận những vai diễn chính trong vở diễn. Liệu điều này có ảnh hưởng đến doanh thu của Nhà hát, nhất là những vở diễn xã hội hoá khi tâm lý khán giả hiện nay vẫn hay nhìn vào danh sách nghệ sĩ để mua vé?
- NSƯT Chí Trung: Đặt các bạn trẻ vào những vai diễn quan trọng của các vở diễn với chúng tôi là việc đương nhiên vì các bạn là tương lai của Nhà hát. Thế hệ chúng tôi đã đến lúc nên lui về hậu trường. Nhưng điều quan trọng hơn ở thời điểm này là chúng tôi phải tìm những phương thể loại, ngôn ngữ sân khấu mới, những đề tài mới lạ…
Sân khấu hiện nay phải đa năng, các diễn viên kịch không chỉ biết diễn kịch mà còn cần phải có những khả năng đa dạng khác như nhảy múa, ca hát… Một điều khác nữa, tôi cho rằng sân khấu cần phải bỏ qua gia đoạn minh hoạ xã hội, chạy theo xã hội mà đã đến lúc cần phải có tính dự báo.
|
Ai là thủ phạm - một trong những vở diễn có nhiều NS trẻ của Nhà hát đảm nhận những vai diễn quan trọng
|
- Ông Trương Nhuận: Các em còn rất trẻ, mới của sân khấu nhưng lại là những gương mặt quen thuộc, ít nhiều đã khẳnh định tài năng, vị trí của mình ở các bộ phim truyền hình. Đó cũng là một trong những lợi thế để sân khấu có thể kéo thêm khán giả đến rạp.
- NSND Lê Khanh: Cũng quan tâm đến các ngôi sao, nhưng khán giả miền Bắc lại không đặt quá nặng tiêu chí này khi chọn xem các tác phẩm nghệ thuật. Khán giả sẵn sàng đến với sân khấu vì một tác phẩm hay dù tác phẩm đó không có ngôi sao. Một đặc thù khác của sân khấu phía Bắc là “Thầy già, con hát trẻ”. Đây là quan niệm của cả người làm nghề lẫn khán giả. Khán giả sẽ không chấp nhận những nghệ sĩ đã đi qua tuổi thanh xuân nhưng vẫn cứ “cưa sừng” làm nghé, sống mãi tuổi hoa niên trên sàn diễn.
* Cám ơn các anh chị.
Thảo Vân (thực hiện)